Chuyện buồn phía sau ngôi trường trên mây đẹp nhất Việt Nam: Đi bộ hàng cây số đến trường, con cái học quá giỏi lại trở thành gánh nặng cho cha mẹ

Dù nổi tiếng với cái tên “ngôi trường trên mây” cùng những dãy núi hùng vĩ và biển mây trắng xóa nhưng cuộc sống của học trò nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Mặc cho bất lợi đó, những đứa trẻ vùng cao vẫn quyết tâm đi học vì tin rằng giấc mơ thoát nghèo chỉ có học hành mới thực hiện được.

“Ngôi trường trên mây” là biệt danh là nhiều người đặt cho trường THCS – THPT Xín Mần, thuộc huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Nổi lên với những kiểu ảnh học sinh tập thể dục giữa không gian núi rừng hùng vĩ bao quanh bởi mây mù, ngay lập tức trường học đã trở thành địa chỉ hot của những tín đồ đam mê du lịch.

Trên đường lên đến Xín Mần, bạn sẽ có dịp được ngắm nhìn những ruộng bậc thang trù phú, những dãy núi kỳ vĩ trùng điệp và còn được len lỏi qua những khu rừng nguyên sinh nhiều thác ghềnh và suối. Tuy nhiên, mặc dù được biết đến là ngôi trường đẹp nhất Việt Nam nhưng cuộc sống học sinh ở đây lại đầy khốn khó và khắc nghiệt. Phương tiện di chuyển còn hạn chế, quanh năm suốt tháng đến trường trong thời tiết buốt giá, thậm chí có những khoảng thời gian cả thầy lẫn trò đều phải cuốc bộ hàng cây số để đến trường. Nhưng học trò nơi đây không nản chí, ngày ngày đều cắp sách đến trường vì tin tưởng học hành là con đường duy nhất giúp cuộc sống thoát nghèo.

“Em không cam chịu cuộc sống khổ cực, em không muốn cưới chồng sớm. Em muốn được đi học!”

Xèn Thị Bơn là nữ sinh dân tộc Nùng, hiện đang học lớp 12A1. Sinh ra là người con núi rừng Tây Bắc, Bơn hiểu hơn ai hết chỉ có việc học mới đem lại cơ hội thoát nghèo cho em. Vậy nên dù phải sáng đi học chiều phụ giúp cha mẹ, ăn uống toàn rau rừng hay 11 tuổi phải quen với cảnh xa gia đình thì Bơn vẫn đem trong mình quyết tâm phải đến trường. “Thời tiết trên này khắc nghiệt, có chăm chỉ làm mỗi năm cũng chỉ được một mùa thu hoạch. Em không muốn đi theo vòng luẩn quẩn của cha mẹ sinh con ra rồi lại làm ruộng tiếp. Em muốn được đi học!“.

Bơn muốn trở thành bác sĩ để tận tay chữa mắt cho cậu em trai lớp 4. Biết vậy, Bơn nhiều năm liền đều phấn đấu trở thành học sinh giỏi. Bơn từng đạt giải Khuyến khích cấp tỉnh cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật dành cho học sinh THPT. Năm lớp 11 em tham gia tạo phần mềm Tin học và đến lớp 12 là dự án “Tạo phân bón hữu cơ cho rau hoa cải mèo từ vỏ trứng và vỏ chuối”.

Cô bạn hì hụi làm dự án hàng tháng trời để chứng minh việc học là có ích và cho bố mẹ thấy học hành sẽ giúp thay đổi số phận của mình như thế nào. “Quá trình thực hiện dự án khá vất vả vì có nhiều nguồn tài liệu nhưng em không biết chọn nguồn nào là nguồn chính. Thời tiết cũng giá lạnh nên khi phơi nguyên liệu phải đợi rất lâu vì một tuần may mắn thì được 1 – 2 ngày nắng còn không thì cả tháng trời đều âm u“.

Đối với cha mẹ nơi đây, đôi khi con cái học hành quá giỏi lại trở thành gánh nặng.

Nhưng khi Bơn nhận giải thì gia đình lại canh cánh nhiều nỗi lo. Bởi với cha mẹ nơi đây, chuyện con cái học giỏi lại trở thành điều khổ tâm vì biết lấy gì cho con lên thành phố nhập học. Sau cùng, cô bạn bị bắt phải nghỉ học để ở nhà cưới chồng. “Thấy em đạt nhiều thành tích nên lúc đầu bố mẹ cũng ủng hộ nhưng sau cùng lại gả em đi. Em nhờ các thầy cô đến động viên thì cũng chỉ được một chút. Nhưng em không cam chịu cuộc sống khổ cực. Em sẽ đi học nghề và sau đó kiếm thật nhiều tiền chữa mắt cho em trai“, Bơn tâm sự.

Câu chuyện của Bơn chỉ là câu chuyện điển hình của một trong rất nhiều em học sinh khác nơi đây. Dù đã được đầu tư khá nhiều nhưng điều kiện học tập của các em học sinh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Phương tiện đi lại còn hạn chế, nhiều em phải đi bộ đến trường hàng chục cây số. Đại đa số học sinh đều là người dân tộc thiểu số, ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, nhiều gia đình vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của các hủ tục, muốn con dựng vợ gả chồng sớm vì cho rằng có học mai này rồi cũng thất nghiệp.

Những đứa trẻ vùng cao luôn tin vào giấc mơ thoát nghèo và chỉ có học hành mới thực hiện được điều đó.

Bỏ cả thanh xuân lên bản gieo chữ cho trẻ em vùng cao

Mỗi thầy cô mỗi hoàn cảnh khác nhau, đến từ khắp mọi miền tổ quốc. Ai cũng còn rất trẻ nhưng vì tình yêu với học trò, với thiên nhiên và đặc biệt là tính cách thiện lành của người dân nơi đây, nhiều người đã hi sinh tuổi xuân, rời xa các đô thị tấp nập để quyết lên vùng cao gieo chữ. Họ tìm đủ mọi cách xoay xở như sống trọ cùng nhà dân, tập làm quen với mọi thể loại áo ấm và coi thành tích của tụi học trò là động lực mỗi ngày đến trường.

Dành gần 10 năm gắn bó với ngôi trường kể từ khi thành lập, cô giáo Ma Thị Thảo chia sẻ: “Thời gian khó khăn nhất là khi mới thành lập trường. Không có phòng học, không có phòng làm việc, phòng thầy cô ở cũng phải chuyển thành phòng Hội đồng. Đôi khi mình cũng cảm thấy buồn so với điều kiện đồng nghiệp phía dưới nhưng hỏi mình có chọn lại khu vực phía dưới thì thực sự là “không” vì nếu muốn mình đã chuyển từ những năm đầu rồi“.

Niềm vui của thầy cô không gì khác ngoài việc thấy học trò của mình thành đạt. Giáo viên nào ở đây cũng đã từng lặn lội đến từng nhà, thuyết phục bằng được những đứa trẻ đi học. Nhiều em nằng nặc không chịu đi, thầy cô phải “túm” chặt lấy và cứ thế kéo đến trường. “Mình từng chủ nhiệm một em học sinh được tầm 3 tháng thì em đó nghỉ học vì bố mất, gia đình không có điều kiện đi học tiếp. Sau đó được nhà trường động viên thì cuối cùng em đó cũng học lại, thi đỗ đại học, nhận được học bổng và có công việc ổn định. Khi đó thấy hạnh phúc lắm, như mình đã giúp được một ai đó thay đổi số phận. Niềm vui của những giáo viên vùng cao đôi khi chỉ đơn giản như vậy thôi“, cô Thảo nhớ lại.

Niềm vui của giáo viên vùng cao chỉ đơn giản là thấy học trò của mình thành đạt.

Còn khó khăn nhưng nhất quyết không cho em nào bỏ học!

So với những năm đầu xây dựng, trường THCS – THPT Xín Mần đã có sự đổi thay rõ rệt. Hiện tại, trường có tổng cộng 10 lớp với khoảng 300 học sinh chia thành 4 lớp khối THCS và 8 lớp khối THPT. Trường có 2 dãy nhà 2 tầng cùng một khoảng sân rộng để học sinh có chỗ vui chơi, hoạt động thể chất. Cứ đều đặn cách ngày, trường lại cho toàn học sinh tập thể dục giữa giờ để nâng cao sức khỏe. Việc học còn nhiều khó khăn, nhưng những tia sáng giáo dục đang dần nhen nhóm và đưa cuộc sống của người dân nơi đây trở nên tốt đẹp hơn.

Thấy em nào nghỉ học không phép là thầy cô lại đến tận nhà tìm cho bằng được lý do và kéo đi học lại. Học sinh ở trong ký túc xá, mỗi mùa thi đều có thể nhờ thầy cô giảng bài thêm. Những bữa cơm đã không còn đói khi mỗi em đều nhận được tiền trợ cấp và 15 kg gạo mỗi tháng. Bên cạnh đó, sắp tới trường sẽ có xây dựng thêm nhiều nhà lưu trú, hiệu bộ và đặc biệt là nơi ăn ở, sinh hoạt sẽ được cải thiện tốt hơn.

Sắp tới trường sẽ có xây dựng thêm nhiều nhà lưu trú, hiệu bộ và đặc biệt là nơi ăn ở, sinh hoạt sẽ được cải thiện tốt hơn.

Để duy trì tỉ lệ chuyên cần và tránh tình trạng học sinh bỏ học thì nhà trường cũng có biện pháp tuyên truyền đến từng phụ huynh. Ở nhà trường thì cũng có các thầy cô giáo rất thân thiện, gần gũi và quan tâm cuộc sống hằng ngày của học sinh. Hơn thế nữa trong các tiết giảng dạy, các thầy cô cũng luôn tìm tòi, đổi mới và sáng tạo cho các em để học sinh có hứng thú đến trường, đến lớp.

Tuy nhà trường đóng trên địa bàn còn nhiều khó khăn nhưng chất lượng học tập luôn ở mức tốt so với các trường ở địa bàn cũng như các trường trong hệ thống. Để nâng cao chất lượng nhà trường cũng như nâng cao chất lượng học sinh thì trường cũng đã tổ chức nhiều buổi hội thoại để tạo ra phương pháp dạy học mới và phù hợp với nhận thức của học sinh trên này. Và đặc biệt là ở các thầy cô giáo là phải luôn tâm huyết, yêu nghề và luôn cố gắng để đem đến các bài học hay nhất, cung cấp kiến thức tốt nhất để các em có thể sẵn sàng bước vào kì thi“, thầy Phó Hiệu trưởng Hoàng Ngọc Minh chia sẻ về những định hướng sắp tới.

Vân Trang – Diệu Thu/ Ảnh: Quý Nguyễn/ Clip: Kingpro , theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/hoc-duong/chuyen-buon-phia-sau-ngoi-truong-tren-may-dep-nhat-viet-nam-di-bo-hang-cay-so-den-truong-con-cai-hoc-qua-gioi-lai-tro-thanh-ganh-nang-cho-cha-me-22020171043726.htm