Để hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và hết mình, nghệ sĩ rất cần sự thấu hiểu và cảm thông từ phía khán giả.
Vừa qua, dư luận được phen xôn xao trước thông tin ca sĩ Tuấn Hưng bị ông bầu Hoàng Lợi tố là “ca sĩ quá tệ” và “xem thường khán giả” trong một show diễn tại hải ngoại.
Lời tố của ông bầu Hoàng Lợi khiến Tuấn Hưng nhận phải nhiều chỉ trích từ phía công chúng. Rất nhiều người cho rằng, nam ca sĩ thiếu thân thiện và coi thường khán giả.
Trước lời tố này, Tuấn Hưng đã lên tiếng thanh minh cho mình. Anh nhấn mạnh nguyên nhân của việc này này là:“Cùng hùa với Hoàng Lợi còn có một ông chủ quán ăn – người muốn tôi xuất hiện tại quán ăn của anh ấy sau show.
Tuấn Hưng và ông bầu Hoàng Lợi
Thời điểm kết thúc show tại Toronto là 2h đêm, cộng với thêm nhiệt độ ngoài trời lạnh âm 2 độ. Tôi vừa bay từ Việt Nam sang diễn 2 show liên tục nên sức khỏe suy giảm cần nghỉ ngơi, không thể đi ăn được.
Có lẽ vì điều này nên anh chủ quán không vừa lòng viết Facebook kêu gọi bạn bè tẩy chay tôi.
Cũng xin nhấn mạnh là lời mời đến quán ăn này không chính thức tôi nhận được từ anh chủ quán mà thông qua bầu show mời tôi diễn ở Toronto lần này”.
Những lời chia sẻ của Tuấn Hưng đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi rằng, liệu khán giả Việt có đang khắt khe với nghệ sĩ và đánh mất môi trường chuyên nghiệp của họ?
Bi Rain cự tuyệt giao lưu báo chí, khán giả – cái giá của sự chuyên nghiệp
Câu chuyện của Tuấn Hưng khiến nhiều người nhớ lại trường hợp của Bi Rain khi anh đến Việt Nam cách đây 2 năm.
Thời điểm ấy, Bi Rain cũng bị chê là kênh kiệu, coi thường khán giả. Theo đó, dù nhận được mức catse tới vài tỷ cho 15 phút biểu diễn, nhưng anh vẫn đưa ra các yêu sách như xe đưa đón phải là dòng Mercedes-Benz, phải có phòng chờ Vip, cùng những yêu cầu về thời gian biểu diễn, về sân khấu, bảo vệ nghiêm ngặt…
Bi Rain tự ý bỏ về họp báo
Không những thế, khi vừa bước ra sảnh chuẩn bị họp báo, Bi Rain lập tức quay lại phòng vì phóng viên quá đông, dù khu vực phòng họp đã được bày biện kĩ càng.
Sau khi biểu diễn xong, anh cũng lên xe đi thẳng về khách sạn, chứ không ở lại giao lưu hay gặp gỡ người hâm mộ. Không một khán giả nào có thể lại gần hay chụp hình với Bi Rain.
Nhiều khán giả Việt chê trách Bi Rain. Nhưng trên thực tế, đó là hành động chuyên nghiệp của một nghệ sĩ quốc tế. Chỉ là người Việt vẫn chưa quen với phong cách làm việc chuyên nghiệp đó nên có phần lạ lẫm.
Với một nghệ sĩ, áp lực sân khấu là rất lớn. Họ phải đảm bảo được tình trạng sức khỏe, tinh thần thoải mái nhất để có thể hát tốt và biểu diễn hết mình trước công chúng.
Bi Rain ra thẳng sân bay
Bởi vậy, việc nghệ sĩ đưa ra một số yêu cầu về ăn ở, đi lại là chuyện bình thường. Mariah Carey từng yêu cầu phải có người cầm chai nước riêng và một đội cứu hộ gồm 15 người, 80 vệ sĩ. Khi cô xuất hiện, phải trải thảm hồng, giấy hình cánh bướm, 20 con mèo và 100 con bồ câu.
Đến Celine Dion nổi tiếng là diva hiền lành, dễ chịu nhất cũng từng yêu cầu chỗ đậu xe rộng lớn đủ cho 20 xe kéo, 10 xe bus, 3 chiếc Limousine và 2 xe Minivan chở nhân viên và phòng nghỉ phải có nhiệt độ, độ ẩm thích hợp nhất.
Ngay cả ở Việt Nam, người mẫu Hà Anh cũng yêu cầu phải có xe đưa đón, make up riêng, vé bay riêng, phòng khách sạn 5 sao. Cô cho rằng đó là những thứ tối thiểu đảm bảo sự chuyên nghiệp.
Môi trường giải trí chuyên nghiệp rất khắc nghiệt, đào thải và trọng hình ảnh. Một cái mỉm cười, hất tóc hay phát ngôn cũng phải được nghệ sĩ tính toán cụ thể, nếu không sẽ để lại hậu quả khó lường.
Ở Hàn Quốc, ca sĩ có thể “xuống bùn” chỉ vì một khoảnh khắc nhỏ, nên họ rất quan trọng việc bảo vệ hình ảnh. Không ít trường hợp sao Hàn dính scandal vì bị phóng viên chụp trộm khoảnh khắc không đáng có hay chụp với người lạ.
T-ara chỉ vì vài tấm ảnh không kiểm soát được mà thành “con ghẻ quốc dân”, tiêu tan sự nghiệp. Tiffany (SNSD) bị lên án dữ dội chỉ vì đăng ảnh có họa tiết giống cờ Đế quốc Nhật lên Instagram. JongHyun chỉ vì lộ ảnh đi cùng bạn gái mà bị chỉ trích tới mức trầm cảm.
Tiffany bị lên án chỉ vì đăng hình có họa tiết lá cờ Đế quốc Nhật
Rất nhiều ca sĩ, Idol Hàn Quốc chỉ vì lỡ miệng hoặc phát ngôn không cẩn thận là lập tức bị chửi bới, đả kích thậm tệ. Bởi vậy, họ không tiếp cận công chúng tự do như nghệ sĩ Việt.
Ca sĩ Hàn có nguyên tắc ngầm là không được phép chụp ảnh hay giao lưu cùng fan nếu không được sự đồng ý của quản lí.
Do đó, khi tới Việt Nam, họ thường chỉ hoàn thành đúng công việc của mình là biểu diễn, rồi ra thẳng sân bay để về nước, chứ không ở lại dù chỉ một giờ. Xung quanh ca sĩ luôn có hàng loạt vệ sĩ để ngăn không cho người hâm mộ tiếp cận.
Cha Ye Ryun lúc về Việt Nam đã từ chối lời mời chụp ảnh chung với Trúc Diễm. Hay Seungri (Bigbang) lạnh lùng từ chối Tú Anh dù cô tha thiết bám theo…
Không riêng gì nghệ sĩ Hàn, nghệ sĩ USUK cũng rất chặt chẽ trong việc giao lưu với người hâm mộ. Tài xế của Katy Perry phải cam kết không được chụp hình hay bắt chuyện với cô.
SNSD tới Việt Nam rồi về một cách chớp nhoáng
Nhìn từ thế giới, chúng ta thấy rằng, môi trường biểu diễn tại Việt Nam rất thoải mái và nghệ sĩ Việt đã sống hết mình với công chúng.
Ở nước ngoài, sẽ không bao giờ có chuyện khán giả đòi hỏi nghệ sĩ phải xuống sân khấu giao lưu, chúc rượu, hay đến nhà chơi như ở Việt Nam. Nghệ sĩ nước ngoài luôn giữ khoảng cách với công chúng để đảm bảo an toàn cho chính họ.
Chính sự thoải mái quá mức mới dẫn tới một số hậu quả đáng tiếc cho nghệ sĩ Việt như vụ Trường Giang bị ném chai nước, Tuấn Hưng bị giật mic, Đàm Vĩnh Hưng bị xịt hơi cay…
Vì vậy, việc Tuấn Hưng từ chối đến nhà một khán giả giữa đêm khuya là hoàn toàn hợp lí.
Nếu không yêu thương và trân trọng công chúng, Tuấn Hưng đã không biểu diễn tới tận 2 – 3 giờ đêm và hát thêm nhiều bài theo yêu cầu khán giả (trong khi giá hợp đồng lên tới hàng chục triệu cho mỗi bài hát).
Với người ca sĩ, giọng hát là quan trọng nhất và nếu hát quá nhiều sẽ bị mất giọng. Đó là lí do vì sao ca sĩ nước ngoài chỉ hát đúng số bài quy định và một show chỉ kéo dài khoảng hai tiếng đổ về.
Nhưng ở Tuấn Hưng và nhiều nghệ sĩ Việt khác, họ sẵn sàng hát tới 4 tiếng đồng hồ, với hàng chục bài hát và hát tới khản cổ chỉ để phục vụ thêm cho khán giả. Rất nhiều nghệ sĩ Việt đã phải trả cái giá quá đắt là mất giọng. Phương Thanh hay Thanh Lam đã từng bật ra máu và mất hẳn tiếng khi hát.
Giọng hát của Tuấn Hưng đã khàn đi trong nhiều năm nay, nhưng anh vẫn cháy hết mình mỗi lúc lên sân khấu.
Và nếu không trân trọng, yêu thương khán giả, Tuấn Hưng cũng sẽ không bao giờ “đền” hẳn một show diễn miễn phí để tri ân, rồi hát ngay tại nhà mình cho tất cả mọi người cùng đến, dù đang gặp vô vàn rắc rối về tài chính.
Tuấn Hưng tri ân khán giả
Trong show diễn tại Canada vừa qua, Tuấn Hưng dù di chuyển với lịch trình khắc nghiệt, những đã hát tới tận đêm muộn, giữa tiết tời âm 2 độ, Vậy mà hát xong, anh vẫn dành hẳn 30 phút giao lưu, chụp ảnh cùng khán giả, dù đã rất mệt.
Với lòng nhiệt thành như vậy mà vẫn bị đánh giá là coi thường khán giả chỉ vì lời từ chối giao lưu từ xa thì quả thực là nỗi đau quá lớn với Tuấn Hưng.
Nghệ sĩ rất cần sự cảm thông, thấu hiểu từ khán giả
Khán giả là người nuôi dưỡng nghệ sĩ, nên được quyền đòi hỏi. Nhưng trong nhiều trường hợp, nghệ sĩ rất cần sự cảm thông, thấu hiểu từ phía khán giả để có thể cống hiến lâu dài cho họ.
Whitney Houston trong thời gian 2009 – 2010 sức khỏe rất yếu, hát không ra hơi và đánh mất toàn bộ giọng hát. Nhưng khán giả vẫn bỏ nhiều tiền để mua vé tới xem cô hát. Mỗi khi Whitney hụt hơi hay không lên được giọng, họ vẫn vỗ tay cổ vũ cô. Hành động này đã khiến Whitney xúc động đến rơi nước mắt.
Celine Dion hầu như không bao giờ hát live 100% trong show diễn của mình mà sẽ có bài live, bài nhép. Khán giả ai cũng biết điều này, nhưng không ai phàn nàn mà vẫn bỏ tiền tới xem cô trình diễn. Họ biết rằng, nếu cứ hát liên tục cả show, cô sẽ mất giọng nhanh chóng.
Nhờ sự cảm thông, ủng hộ từ khán giả, Celine Dion bây giờ đã ngoài 50 tuổi, nhưng vẫn giữ được giọng hát mượt mà, khỏe khoắn để tiếp tục cống hiến.
Tương tự Celine Dion, khán giả của Madonna, Britney Spears chấp nhận để họ hát nhép để chiêm ngưỡng những màn trình diễn được dàn dựng công phu. Nhờ đó, khán giả được thỏa sức trải nghiệm các thể loại, hình thức âm nhạc mới, giúp tiến trình âm nhạc phát triển mạnh mẽ. Đó là cái giá của sự chuyên nghiệp và cảm thông, thấu hiểu.
Tuấn Hưng trong show diễn tại Canada
Ở Việt Nam, nghệ sĩ dường như ít nhận được sự thấu hiểu của khán giả. Tuấn Hưng trong show diễn vừa qua tại Canada đã cố gắng thử nghiệm chất liệu âm nhạc mới, nhưng lại bị chê là hát đè, hát nhép. Điều này khiến anh cảm thấy khó xử, chùn bước trên con đường âm nhạc của chính mình.
Bởi vậy, nghệ sĩ Việt rất cần sự cảm thông, thấu hiểu của khán giả để có thể sống hết mình với nghệ thuật và tạo ra những giá trị âm nhạc mới.