Có hai doanh nghiệp gốc Nhà nước kinh doanh ở lĩnh vực rất đặc biệt liên quan đến dịch vụ mai táng và vàng mã đang niêm yết lần lượt trên sàn HNX và Upcom. Ít ai biết về những khoản lợi nhuận tăng đều đặn của các công ty này…
Doanh nghiệp kinh doanh vàng mã, giấy
Công ty cổ phần Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái tiền thân là Nhà máy giấy Yên Bái được thành lập từ năm 1972. Đến năm 1994, công ty được thành lập lại và đổi tên là Công ty chế biến lâm nông sản thực phẩm Yên Bái và sang năm 2004 thì cổ phần hoá.
Công ty niêm yết từ năm 2008 (mã HNX: CAP), với vốn điều lệ trên 47 tỉ đồng và 8 nhà máy giấy trực thuộc tại tỉnh Yên Bái.
Xuất thân là nhà máy giấy, các sản phẩm chủ lực của công ty bao gồm giấy vàng mã , giấy đế (loại giấy dùng để làm ra vàng mã). Ngoài ra, công ty còn phát triển thêm các sản phẩm nông sản, như tinh bột sắn, tinh dầu quế, bã sắn khô. Trong đó, doanh thu từ mảng tinh bột sắn là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của công ty.
Xếp sau tinh bột sắn là sản phẩm giấy đế và giấy vàng mã. Giấy đế được cung cấp cho thị trường nội địa, trong khi 100% vàng mã đều được xuất khẩu và đích đến là thị trường Đài Loan. Nguyên nhân là do đặc điểm, mẫu mã chất lượng vàng mã tại Đài Loan rất đặc biệt nên các sản phẩm làm ra cho thị trường này không thể tiêu thụ được trong nước.
Theo báo cáo tài chính năm 2018, cả 3 sản phẩm chính của công ty trong năm 2018 đều tăng trưởng vượt bậc, lập kỷ lục doanh thu cao nhất từ trước đến nay với doanh thu thuần hơn 388 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu từ vàng mã đạt 78,8 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước, doanh thu giấy đế là 120 tỷ đồng, tăng hơn 20%, doanh thu tinh bột sắn đạt 173 tỷ đồng, tăng tới 120% do trong năm 2017.
Công ty này báo cáo lợi nhuận trước thuế năm 2018 tới hơn 40 tỷ đồng,tăng gần 65% so với năm 2017.
Năm 2018, tổng số tiền CAP thực hiện chia cổ tức là hơn 7 tỉ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu CAP cũng tăng ba lần lên gần 6.700 đồng/cổ phiếu.
Các khoản thu nhập của thành viên quản lý chủ chốt từ Hội đồng quản trị đến Kế toán trưởng là hơn 3,1 tỉ đồng trong năm.
Doanh nghiệp phục vụ mai táng
Đối với công ty CP Phục vụ mai táng Hải Phòng (mã Upcom : CPH), doanh thu thuần đật 118 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2017, cao nhất từ trước tới nay. Bình quân mỗi ngày mang về 320 triệu đồng doanh thu.
Công ty mới niêm yết hồi tháng 2-2017, có ba bộ phận kinh doanh chính là bán hàng (bình, quách, mộ đá) với doanh thu đạt 51,83 tỷ đồng, sản xuất thành phẩm (mộ đơn, mộ đôi, cơ sở hạ tầng) đạt 8,25 tỷ đồng và dịch vụ (tang lễ, cải táng, hỏa táng) là 57,8 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng liên tiếp ba năm, đạ 9,03 tỉ đồng năm 2018, tăng 5% so với năm 2017 và đã dành hơn 1,4 tỉ chi thưởng cho cán bộ nhân viên trong năm qua.
Công ty này hiện đang quản lý, duy tu, chăm sóc các phần mộ tại 2 nghĩa trang Ninh Hải và nghĩa trang Phi Liệt tại Hải Phòng. Bên cạnh đó, CPH cũng sản xuất, kinh doanh dịch vụ các sản phẩm hàng hóa phục vụ việc tang như quan tài, tiểu quách, bình quách đựng tro cốt gốm sứ, sành, đồ khâm liệm, đồ tùy táng, đồ thờ cúng…
Cổ tức năm 2018 được chia bằng tiền mặt, với tỉ lệ bằng 80% lợi nhuận (tương đương tỷ lệ năm 2017), trị giá hơn 7,23 tỉ đồng.
Mặc dù chi phí cho nhân viên tăng thêm nhưng lương của nhân sự quản lý cấp cao bao gồm HĐQT và Ban giám đốc lại giảm. Theo báo cáo tài chính kiểm toán, vị trí Tổng giám đốc công ty lãnh trên 339 triệu đồng/năm, tức khoảng hơn 28 triệu đồng/tháng, thấp hơn 17% so năm 2018.
Quỹ đầu tư phát triển của CPH lại tăng mạnh gấp 3,6 lần, từ 432 triệu đồng đầu năm 2017 lên 1,57 tỉ đồng cuối năm 2018.
Là một ngành kinh doanh khá “độc” trên sàn chứng khoán, tuy nhiên sau hơn 2 năm lên sàn Upcom, cổ phiếu CPH vẫn chưa có bất kỳ giao dịch nào do không có cổ đông nào bán ra.