Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển KT-XH vùng Đồng bằng sông Hồng

Chính phủ ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

vung-dong-bang-song-hong

 Phát triển KTXH vùng đồng bằng sông Hồng. (Ảnh minh họa)

Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW được xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 30-NQ/TW nhằm xây dựng đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đồng bộ, hiện đại, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh xanh, bền vững phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Phấn đấu đến năm 2030, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thủy sản chiếm khoảng 3,5%, công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 47%, dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm.

Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 7%. Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 đạt 55%. Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm.

Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chương trình là hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng, trong đó, hoàn thành lập và phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng Sông Hồng và quy hoạch tỉnh của các địa phương trong vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, phát triển nhanh, bền vững phù hợp với vị trí địa kinh tế – chính trị.

Tổ chức không gian phát triển vùng bảo đảm cân bằng, bền vững gắn với việc phát triển các hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế Bắc – Nam; Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình; phát triển các chuỗi đô thị hiện đại và kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, giao thông đồng bộ, kết nối giữa các cực tăng trưởng trong vùng (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh), nội vùng, liên vùng, các đầu mối trung tâm kinh tế trên toàn tuyến, hành lang kinh tế.

Hình thành các vùng động lực và các khu vực phát triển công nghiệp, thương mại, tài chính, ngân hàng, dịch vụ, nông nghiệp hiệu quả cao, hữu cơ, tuần hoàn; phát triển dịch vụ, logistics. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, tài chính, ngân hàng, du lịch và đô thị thông minh. Vùng Nam đồng bằng Sông Hồng, phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển các khu kinh tế ven biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh gắn với bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu, xây dựng thí điểm các mô hình, cơ chế, chính sách mới, đặc thù cho vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách tạo đột phá để tiếp tục phát triển Thủ đô Hà Nội, tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để có cơ chế, chính sách vượt trội cho Hà Nội phát huy vai trò là đầu tàu, động lực phát triển của vùng và cả nước…

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khác của Chương trình là phát triển kinh tế vùng, trong đó, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số thích ứng biến đổi khí hậu; lấy công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế. Phát triển kinh tế số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhất là thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tăng năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp.

Trong đó, phát triển công nghiệp vùng theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện với môi trường, ít phát thải khí nhà kính, có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, trọng tâm phát triển là công nghiệp hiện đại có lợi thế như công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số (gồm: công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp điện tử và các ngành công nghiệp mới sản xuất chíp, bán dẫn), ô tô, công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh.

Phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng nông nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, sản xuất sản phẩm có giá trị cao theo chuỗi giá trị, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh. Tập trung phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa lớn, chất lượng cao như: lúa, rau, hoa, quả đặc sản, cây cảnh; chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc hữu cho vùng, địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào trong chăn nuôi công nghiệp, theo mô hình trang trại, trong đó tập trung vào các sản phẩm chủ lực như lợn, bò, gia cầm; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu. Tập trung đầu tư hoàn thành Trung tâm hậu cần nghề cá lớn tại thành phố Hải Phòng. Phát triển kinh tế lâm nghiệp kết hợp với bảo vệ chặt chẽ, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển và khu bảo tồn thiên nhiên.

Phát triển các ngành dịch vụ và thương mại của vùng theo hướng hiện đại, đa dạng với trọng tâm là phát triển thương mại, logistics, du lịch, tài chính – ngân hàng. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững, hội nhập quốc tế và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng với các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu, sức cạnh tranh cao gắn với phát huy giá trị của nền văn minh Sông Hồng; trọng tâm là du lịch văn hóa, kết nối các Di sản tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. Tăng cường quảng bá các sản phẩm du lịch, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.

Tập trung ưu tiên đầu tư các khu du lịch quốc gia trong vùng, như: Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu du lịch Ba Vì – Suối Hai, Khu du lịch Tam Đảo, Khu du lịch Tam Chúc; Khu du lịch Tràng An; Khu du lịch Côn Sơn – Kiếp Bạc, Khu du lịch Hạ Long – Cát Bà; Khu du lịch Vân Đồn; Khu du lịch Trà Cổ. Tăng cường liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác theo chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết nội vùng, liên vùng để phát triển các sản phẩm du lịch của vùng hợp tác trao đổi thông tin quản lý nhà nước về du lịch giữa các vùng, xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch, kế hoạch dài hạn để phát triển sản phẩm du lịch. Phát triển tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới.

Phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển. Chú trọng phát triển kinh tế biển khu vực Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình; tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển và phát huy vai trò động lực các khu kinh tế ven biển gắn với đô thị ven biển, trung tâm du lịch, dịch vụ logistics; hoàn thành tuyến đường bộ ven biển kết nối liên vùng, các tuyến giao thông kết nối với cảng biển, cảng hàng không, các tỉnh Bắc Trung Bộ và cả nước.

Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng và phát triển khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế, hàng đầu Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng. Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc tại Quảng Ninh.