Từng là một xã nghèo, quanh năm cuộc sống dựa vào nghề ngư nghiệp và nông nghiệp nhưng giờ đây xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân,Hà Tĩnh) đã trở thành một trong những xã giàu có nhất nhì huyện, sau khi hàng nghìn người đi theo “làn sóng” xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Xã nghèo rủ nhau đi xuất khẩu lao động
Huyện Nghi Xuân nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung từ lâu nay vẫn được biết đến là một trong những “thủ phủ” về lĩnh vực đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài.
Hình ảnh xã Xuân Liên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Có đến hàng chục ngàn người dân ở tỉnh này hiện vẫn đang sinh sống và làm việc ở rất nhiều nước trên thế giới. Việc xuất khẩu lao động đã góp phần thay đổi cuộc sống, bộ mặt của nhiều địa phương.
Ở huyện Nghi Xuân hiện nay, có những xã giàu lên trông thấy nhờ xuất khẩu lao động, trong đó có thể kể đến xã Cương Gián, xã Xuân Liên, xã Cổ Đạm.
Xuân Liên hiện giờ, được ví như là một đại gia mới nổi ở huyện này, bởi sự lột xác về nhà cửa, chất lượng cuộc sống khiến nhiều người ao ước.
Ông Cát chia sẻ với PV.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Văn Cát, Bí thư đảng ủy xã Xuân Liên vui vẻ nói rằng: “không có xuất khẩu lao động, không có một Xuân Liên như bây giờ”.
Vị lãnh đạo này kể, trước đây, 1730 hộ dân địa phương này sinh sống chủ yếu bằng nghề nghư nghiệp và nông nghiệp. Quanh năm đầu tắt mặt tối nhưng có những nhà cũng chẳng đủ ăn, lo cho con đi học.
Nghèo đói, nhiều con em trong xã đã cùng nhau vào miền Nam, làm việc trong các công ty nhưng cũng không khá hơn là bao. Sự chuyển mình của làng chài nghèo bắt đầu từ những năm 2000.
Nhờ xuất khẩu lao động, Xuân Liên giàu lên trông thấy, nhiều năm qua nhiều ngôi nhà tiền tỷ đã mọc lên.
Thời điểm đó, người dân nhận thấy hàng xóm mình là xã Cương Gián giàu lên trông thấy nhờ xuất khẩu lao động nên cũng đã đi theo.
“Cứ như vậy đến hiện tại đã có trên 2000 người đang đi xuất khẩu các nước, trong đó chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…
Từ ngày đó đến nay, cuộc sống người dân cải thiện lên trông thấy, hiện tại có những gia đình đã thoát nghèo, làm giàu”, ông Cát chia sẻ.
Nhà “Hàn Quốc”, nhà “Nhật Bản” mọc lên như nấm
Dứt lời, ông Cát bước ra hành lang cơ quan chỉ cho chúng tôi những căn nhà, biệt thự mọc san sát nhau và nói đó là nhà từ tiền đi nước ngoài.
Hình ảnh nhà cao tầng được xây dựng từ tiền đi xuất khẩu lao động ở Xuân Liên.
Ghi nhận của PV, hiện tại xã Xuân Liên có rất nhiều nhà giá trị hàng trăm triệu đến tiền tỷ mọc san sát nhau.
Đời sống người dân được nâng cao rõ rệt, đường sá, điện đường trường trạm được đổi mới khang trang, sạch sẽ.
Đường sá khang trang, sạch sẽ ở Xuân Liên.
Người dân nơi đây vẫn nói đùa rằng những căn nhà sang trọng này là nhà “Hàn Quốc”, nhà “Nhật Bản”, bởi đây là tiền từ người đang lao động ở hai nước này gửi về.
Không chỉ có xây nhà, nhiều người cho biết, có những người đi nước ngoài đã gần chục năm nay, đi cả vợ chồng, thậm chí có gia đình đi gần hết hiện đang gửi ngân hàng tiền tỷ.
“Quê chúng tôi xưa nghèo lắm, đến cơm cũng không có để ăn cho no bụng, may mà người dân họ theo nhau đi nước ngoài lao động, giờ mới thoát nghèo, sống khá giả được. Nhìn nhà cửa, đường sá trông chẳng khác gì thị trấn, thị xã”, người phụ nữ vui vẻ nói.
Hình ảnh một xã Xuân Liên giàu có, sầm uất sau những năm người dân nơi đây đi xuất khẩu lao động.
Ông Cát chia sẻ thêm, hiện tại hàng năm, địa phương này vẫn có rất nhiều người đi nước ngoài lao động, ở xã này cũng có một số trường hợp đi nước Anh, Đức nhưng mấy năm nay chưa thấy trở về.
Ông nói rằng, ở đây không đi nước ngoài thì dân chẳng biết làm gì để sống, đi nước ngoài cho họ rất nhiều thứ.
Song ông cũng thừa nhận rằng, phía sau sự giàu có, đi xuất khẩu lao động cũng đem tới những điều không tốt, những hệ lụy đáng buồn mà không ai muốn nhắc đến…