Bất chấp thời tiết nắng nóng, các công nhân vẫn miệt mài đắm mình dưới dòng sông Tô Lịch (Hà Nội) để nạo vét bùn, chất thải nhằm cải thiện sự ô nhiễm của dòng sông.
Sông Tô Lịch tiếp tục được nạo vét bùn để cải thiện ô nhiễm.
Ngày 15/6, sông Tô Lịch đã được thí điểm dự án làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản (Nano-Bioreactor). Sau 3 tuần triển khai, công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật – Việt (JVE) đã có báo cáo về kết quả thí điểm. Theo kết quả, lượng bùn và mùi hôi tại sông Tô Lịch đã được cải thiện.
Được biết, công nghệ Nano-Bioreactor có thể xử lý 1,35 triệu m3/ngày đêm, ngoài ra tốc độ xử lý bằng 6 lần tốc độ âm thanh nên chất ô nhiễm sẽ được xử lý trong ngày.
Theo đại diện của JVE, sẽ có kết quả cải thiện rõ ràng hơn sau khoảng 2 tháng áp dụng công nghệ này do lượng bùn và chất thải ở dưới lòng sông Tô Lịch sẽ bị phân hủy.
Về xử lý mùi hôi bốc lên từ sông Tô Lịch, đại diện JVE cũng cho biết, bọt khí Nano phân hủy phá vỡ cấu trúc phân tử của H2S, NH3 làm cho sông hết mùi trong thời gian ngắn.
Đến ngày 5/7, các công nhân mang trang phục của công ty thoát nước Hà Nội lại tiếp tục tiến hành nạo vét bùn tại sông Tô Lịch đoạn cầu vượt Trần Duy Hưng – Láng bất chấp thời tiết nắng nóng.
Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận được:
Từ 13h30, khoảng 20 công nhân mang trang phục của công ty thoát nước Hà Nội đã bắt đầu tiến hành nạo vét bùn dưới sông Tô Lịch.
Nhiều thuyền bè lớn, nhỏ và máy cẩu cũng được huy động để hỗ trợ vớt bùn làm sạch dòng sông.
Theo các công nhân tại đây cho biết, công việc nạo vét bùn tại sông Tô Lịch sẽ được triển khai liên tục trong 1 tháng liên tiếp góp phần cải thiện môi trường đoạn sông này.
Các công nhân bắt đầu công việc nạo vét từ 13h30 – 16h.
Theo một công nhân làm việc tại đây chia sẻ, sau khi sông được thí điểm công nghệ làm sạch Nhật Bản, mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, nước trong sông vẫn còn ô nhiễm trầm trọng.
Công nhân mệt mỏi khi phơi mình dưới thời tiết oi nóng để nạo vét bùn dưới sông Tô Lịch
Vào buổi chiều, công việc nạo vét sông đều được thực hiện thủ công bằng tay.
Sau khi mang lên bờ, bùn được tích trữ vào thùng, đậy bạt tránh mùi hôi để chờ xe đến vận chuyển đến điểm tập kết.
Thuyền nhỏ được dùng để di chuyển dưới lòng sông kiểm tra lượng bùn còn sót lại.
16h cùng ngày, các công nhân kết thúc buổi làm việc mệt nhọc. Theo các công nhân tại đây cho biết, công việc này sẽ kéo dài khoảng 1 tháng liên tiếp.
Nước thải được xả ra sông Tô Lịch với số lượng lớn.