Khách sạn Panorama nằm ngay trên hẻm vực Tu Sản, được xây dựng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Nhà cao 7 tầng, nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn.
Clip flycam cận cảnh toà nhà 7 tầng xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng.
Mã Pì Lèng (Hà Giang) được mệnh danh “Đệ nhất hùng quan”, một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam. Đèo là đoạn quốc lộ 4C dài khoảng 20 km nối liền hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Đỉnh đèo cao 2.000 m, là con đường hiểm trở nhất trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Một bên đèo là vách núi đá vôi hiểm trở, bên kia là vực sông Nho Quế. Đèo Mã Pì Lèng được công nhận là Danh thắng quốc gia năm 2009.
Nhiều ngày nay, cư dân mạng kêu gọi tẩy chay khách sạn, nhà hàng, quán cà phê 7 tầng trên đèo Mã Pì Lèng có tên Mã Pì Lèng Panorama. Công trình này được cho là xây dựng trên đất trồng cây lâu năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xâm phạm danh thắng quốc gia.
Toà nhà này bị xem là những cái “răng sâu” bê tông lổn nhổn dọc bờ dốc hùng vĩ Mã Pì Lèng.
Khách sạn Mã Pì Lèng Panorama nằm ngay trên hẻm vực Tu Sản, được xây dựng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Nhà cao 7 tầng, nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn.
Mã Pí Lèng Panorama do bà Vũ Ngọc Ánh (SN 1962, trú tại TP Hà Giang) làm chủ đầu tư. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Vũ Thị Ánh do Sở TN&MT cấp ngày 31/5/2016, thuộc loại đất trồng cây hằng năm.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang, dù công trình này đã đi vào hoạt động nhưng chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng; chưa được cấp giấy phép xây dựng và công trình chưa có văn bản thỏa thuận đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cục Di sản Văn hoá cho biết, tuy công trình này nằm ngoài vùng bảo vệ II của danh thắng Mã Pì Lèng, nhưng theo Luật Di sản văn hóa, công trình ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và môi trường thì phải có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý văn hóa. Tuy nhiên, nhà nghỉ này chưa có ý kiến của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ngày 12/7/2019, Cục Di sản văn hóa đã có Công văn số 495/DSVH-DT đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương xác minh thông tin, kiểm tra quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đối với công trình xây dựng nói trên, có biện pháp bảo vệ Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng theo Điều 36 của Luật di sản văn hóa. Cho đến hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của Tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng.
Cục Di sản văn hóa khẳng định tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang thực hiện các biện pháp đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định tại Luật Di sản văn hóa để tham mưu, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án xử lý về vấn đề này theo đúng các quy định của Luật di sản văn hóa.
Phần nhà hàng, quán cà phê của Mã Pì Lèng Panorama có tầm nhìn ra hẻm vực sông Nho Quế và quang cảnh núi non hùng vĩ.
Trên Agoda, Panorama Mã Pì Lèng được đánh giá tới 8,8 điểm (ở mức Tuyệt vời), trong đó điểm dành cho vị trí đạt tối đa tới 10 điểm (mức Trên cả tuyệt vời), được gắn tag “Vị trí hiếm có”.
Mặc dù vậy, công trình này đang vấp phải làn sóng tẩy chay của dư luận khi được cho là sẽ phá hỏng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
“Bạn lên Mã Pì Lèng là để thấy nước mình có những nơi đẹp đến kỳ ảo. Nhưng nếu bạn vào sử dụng dịch vụ của quán – khách sạn này, là bạn đã góp một phần để đẩy cái ngày không còn cảnh quan Mã Pì Lèng để thưởng ngoạn đến gần hơn. Vì một cái kiếm được, rất nhanh thôi những cái khác sẽ mọc lên. Con cháu bạn sau này sẽ chỉ thấy những cái “răng sâu” bê tông lổn nhổn dọc bờ dốc hùng vĩ này”, nhà báo Trần Đăng Tuấn khẳng định.