Chuẩn bị nguồn nhân lực xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để xây dựng một đề án căn cơ, cụ thể để chuẩn bị nguồn nhân lực về tham mưu để xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Đảm bảo đánh giá cán bộ xuyên suốt, đa chiều, có sản phẩm cụ thể

Đặt câu hỏi đầu tiên tại phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực nội vụ chiều nay, đại biểu Hà Sỹ Huân (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức luôn là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, trên thực tế việc đánh giá, xếp loại vẫn còn biểu hiện chưa thực chất, thậm chí có hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý.

Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp mà Bộ đã và sẽ triển khai giúp cho công tác đánh giá cán bộ được chính xác và phản ảnh thực chất trong thời gian tới.

Chuẩn bị nguồn nhân lực xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước ảnh 1
đại biểu Hà Sỹ Huân (đoàn Bắc Kạn).

Trả lời, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

“Thực chất, kết quả đánh giá trong những năm gần đây đã có chuyển biến tích cực hơn. Dẫn số liệu năm 2021 , Bộ trưởng cho biết, số cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ có khoảng 22 % trong khi trước đó, số liệu này là khoảng 30 %. Số cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2021 là 1,72 % trong khi ở những năm trước đó thì tỷ lệ này chỉ có khoảng từ 0,56 đến 0,64 %. Như vậy, đã có sự chuyển biến tích cực hơn”, Bộ trưởng thông tin.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, nhìn một cách tổng thể, việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn chưa sát với thực tiễn; chưa căn cứ vào sản phẩm, kết quả công việc đầu ra; cũng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, vẫn còn có những nội dung như đại biểu đã nêu.

Trong thời gian tới, để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tốt hơn, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, trước hết, cần tập trung để hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật về đánh giá đảm bảo đồng bộ, liên thông với các quy định của Đảng theo hướng xuyên suốt, đa chiều; có tiêu chí bằng sản phẩm cụ thể.

Thứ hai, phải tập trung để hoàn thành việc xác định vị trí việc làm, khung năng lực, từ đó làm cơ sở để đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm đảm bảo được yêu cầu tốt hơn.

Thứ ba, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương phải căn cứ quy định chung của Đảng, quy định chung của Chính phủ để cụ thể hóa trong cơ quan, đơn vị mình về xếp loại, đánh giá công khai, công bằng, dân chủ, chính xác, từ đó làm cơ sở, động lực để cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Đương nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể không ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời phải có những công cụ cụ thể để đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, Bộ trưởng Nội vụ nói.

Chuẩn bị nhân lực về tham mưu, xây dựng pháp luật

Chuẩn bị nguồn nhân lực xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước ảnh 2
Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (đoàn Trà Vinh) đề cập đến báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 có nêu, năng lực của nhiều tổ chức, cá nhân tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế.

“Cụ thể là, còn thiếu kỹ năng phân tích, dự báo, thiếu tầm nhìn, thiếu kinh nghiệm thực tiễn; nghiên cứu chính sách chưa sâu, chưa kỹ, chưa đánh giá hết các tác động của các chính sách ban hành; một số trường hợp còn thiếu trách nhiệm, nặng về lợi ích ngành, cơ quan, chưa quan tâm bố trí đủ công chức làm công tác pháp chế”, đại biểu nói.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga nhận thấy, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lãng phí tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân.

“Với trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiệu quả, chất lượng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV”, đại biểu nêu câu hỏi.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nội vụ cho hay, vừa qua, chúng ta đã rất quan tâm tới việc đào tạo lao động trên lĩnh vực về pháp luật. Tuy nhiên, thực tế, lực lượng này vào trong khu vực công không nhiều, nhất là trong những năm gần đây, do thị trường lao động, đặc biệt trên lĩnh vực này phát triển khá đa dạng, phong phú việc thu hút lực lượng này thì cũng có khó khăn. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để xây dựng một đề án căn cơ, cụ thể để chuẩn bị nguồn nhân lực về tham mưu để xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Chuẩn bị nguồn nhân lực xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước ảnh 3

Tiết kiệm 25.600 tỷ đồng từ sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế

Đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu) chỉ ra rằng, một trong những mục tiêu tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi phí thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.

Chuẩn bị nguồn nhân lực xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước ảnh 4
Đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu).

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong giai đoạn vừa qua, việc tinh giản biên chế có tác động thế nào đến việc thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đại biểu cũng cho biết, việc tinh giản biên chế trong giai đoạn vừa qua còn tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng giữa các địa phương, đơn vị, lĩnh vực, dẫn đến thiếu cục bộ một số lĩnh vực, địa phương.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính, giải pháp giải quyết vấn đề này trong thời gian tới thế nào và bao giờ thì giải quyết được?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định, trong thời gian qua, chúng ta đã sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp, cơ cấu lại, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách để cải cách hệ thống tổ chức bộ máy, cải cách đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Công tác này có tác động lớn, giúp tạo điều kiện để nâng lương cho đội ngũ.

“Từ năm 2019 đến nay, chúng ta đã tiết kiệm được hơn 25.600 tỷ đồng, đây là nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Mối quan hệ giữa việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế tác động rõ để tạo nguồn lực để thực hiện cải cách chính sách tiền lương”, Bộ trưởng thông tin.

Tới đây, công tác này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để có thêm nguồn lực, cơ cấu lại đội ngũ, tinh gọn đầu mối ở các cơ quan làm điều kiện cho việc cải thiện đời sống của người lao động trong khu vực công.

Về tinh giản biên chế, Bộ trưởng khẳng định, trong thời gian qua đã có sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị trong việc tinh gọn bộ máy, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cũng có tình trạng cào bằng, một mặt nào đó vẫn có việc giảm theo hướng cơ học ở một vài nơi.

Song, Bộ trưởng cho rằng, trong quá trình cơ cấu đội ngũ, thực hiện tinh giản, bước đầu phải thực hiện theo cách cơ học, giao chỉ tiêu để đạt được mục tiêu giảm 10% này biên chế mà trước đó nhiều năm không đạt được.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, tuy có tồn tại, hạn chế khi có nơi, có lúc còn xảy ra tình trạng cào bằng nhưng nhìn chung việc tinh giản biên chế, bộ máy đã đạt được mục tiêu đề ra, làm cơ sở cho việc tiếp tục cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.