Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng lâu nay TP.HCM không có sự tương xứng giữa đầu tư kinh tế với đầu tư văn hóa. Ngoài việc xây dựng nhà hát 1.500 tỷ đồng, TP.HCM cũng đang cố gắng triển khai các dự án nghìn tỷ khác như chống ngập, xây dựng bệnh viện…
Tại kỳ họp thứ 10 (kỳ họp bất thường), HĐND TP.HCM đã thông qua tờ trình xây dựng Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Việc này khiến dư luận xã hội dậy sóng vì cho rằng, TP.HCM cần tiền đầu tư dự án khác về giao thông, hạ tầng để giải quyết vấn nạn kẹt xe, ngập nước… đang cấp thiết hơn.
Nhà hát này dự kiến được xây dựng tại vị trí đất “vàng” ở Thủ Thiêm, có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao.
Trao đổi với báo chí bên lề một hội thảo khoa học, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Kỳ họp thứ mười HĐND vừa qua để đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Trong nghị quyết 54 có vấn đề cho phép thành phố thực hiện các đề án nhóm A. Đáng lý ra đề án nhóm A phải xin Thủ tướng, nhưng bây giờ được giao cho HĐND TP.HCM.
Vừa qua có những dự án thuộc nhóm A vượt quá mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng đã được giải quyết. Lần này trong các dự án được giải quyết có công trình Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
“Công trình này đã được Thủ tướng đồng ý rất lâu rồi và thêm mấy lần nghị quyết. TP.HCM là trung tâm phát triển như thế, mình đầu tư hạ tầng bao nhiêu tiền như thế nhưng mảng văn hóa thời gian vừa qua ra sao? Đã không có sự tương xứng giữa đầu tư kinh tế và đầu tư văn hóa và việc này đã có từ lâu rồi, đâu phải mới đây”, ông Phong so sánh.
Lý giải về việc nhiều người cho rằng tại sao không dùng 1.508 tỷ đồng này để đầu tư hạ tầng cấp thiết hơn, ví dụ như chương trình chống ngập, ông Phong cho biết TP.HCM vẫn đang nỗ lực làm chứ đừng nói TP không làm, đây là hai việc riêng biệt, nói vậy là không khách quan.
“Kỳ họp thứ 10 vừa qua đã thông qua rất nhiều nội dung, trong đó có chương trình sữa học đường hơn 1.100 tỷ đồng. Vừa qua Chính phủ cũng đã đồng ý cho TP.HCM xây dựng ba bệnh viện gồm bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn và bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức với tổng mức đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng”, Chủ tịch UBND TP.HCM kết luận.
Nếu không làm bây giờ thì bao giờ mới làm?
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, thành phố muốn xây nhà hát này cách đây 20 năm, kinh phí cũng chuẩn bị sẵn từ việc bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn được hơn 1.400 tỷ đồng.
Mỗi năm, TP.HCM tập trung chi khoảng 8.000 tỷ đồng cho giao thông, hạ tầng và còn cả dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đang triển khai đồng thời với các dự án xây dựng bệnh viện cửa ngõ như bệnh viện Nhi TP, bệnh viện Ung bướu, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình…
Chủ tịch HĐND TPHCM nhận định, nhiều ý kiến từ dư luận xã hội như xây dựng nhà hát 1.500 tỷ đồng thì lãnh đạo phải lắng nghe và cần cân nhắc. “Nhưng nếu không đủ bản lĩnh thông qua thì mãi mãi không làm được cái gì lớn. Với dự án tầm cỡ như vậy thì phải có thời gian để chuẩn bị. Nếu bây giờ mình không làm thì bao giờ mới làm”, bà Tâm chia sẻ.