Ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Cty CP gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) nói, công ty này không hề ký hợp đồng xử lý dầu thải với Lý Đình Vũ, bản thân ông cũng không biết người này.
Bộ phận kho Công ty gốm sứ Thanh Hà xuất dầu thải vào thùng nhựa cho các đối tượng
Sáng 20/10, đối tượng Lý Đình Vũ (SN 1982, trú ở Thuận Thành, Bắc Ninh), chủ mưu trong việc xả chất thải làm ô nhiễm nguồn nước sông Đà đã đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội.
Theo lời khai ban đầu, Vũ được một người phụ nữ tên là Trang ở Phú Thọ thuê đổ chất thải. Người phụ nữ yêu cầu Vũ đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) lấy chất thải, sau đó đem đến chỗ nào vắng người thì đổ.
Theo báo Dân trí, trong lời khai của Vũ, người phụ nữ tên Trang thuê Vũ mang dầu đi đổ là con dâu của Giám đốc Công ty gạch trên Phú Thọ.
Trao đổi với PV vào tối 20/10, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) xác nhận, dầu thải mà các đối tượng đổ trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà là của công ty mình.
Ông Truyền cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc, ông đang đi Đà Nẵng nên không hề biết việc các đối tượng vào công ty lấy dầu thải và chỉ đến khi xem TV mới biết sự việc.
“Sau khi xem TV và bạn bè gọi điện tôi mới biết và lập tức gọi điện cho bảo vệ công ty, được xác nhận đúng là có sự việc như vậy.
Bảo vệ công ty có trao đổi lại với tôi: có 1 xe ô tô tải đi vào công ty và bộ phận kho đã xuất dầu thải vào các thùng nhựa cho các đối tượng trên, rồi cho xe đó ra khỏi công ty”, ông Truyền nói và khẳng định, không có ai ký lệnh xuất dầu thải, thủ kho cũng không báo cáo với ông sự việc trên.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP gốm sứ Thanh Hà khẳng định, bản thân ông không hề biết đối tượng Vũ và đồng phạm. Ông đã yêu cầu trưởng bộ phận kho làm báo cáo về vụ việc và sẽ có hình thức kỷ luật. “Sai đến đâu chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm đến đó”, ông Truyền nói.
Theo thông tin ông Truyền cung cấp, dầu mà các đối tượng lấy là loại dầu thải từ máy ép và dầu nhờn thải từ máy ra. Một năm sẽ có khoảng hơn 200 lít dầu thải từ máy ép ra. Theo chu kỳ 6 tháng phải thay dầu thải 1 lần.
Dầu thải của công ty được chứa vào 2 téc đặt nổi trên nhà máy, việc xử lý do Công ty Môi trường Xanh thực hiện theo hợp đồng.
“Công ty Môi trường Xanh yêu cầu, lượng dầu thải tầm khoảng 15-20 khối mới đến chở đi, vì từng đó mới đủ một xe vào chở. Còn các đối tượng vào lấy dầu thải kia tôi không hề quen biết, không biết ai”, ông Truyền nói.
Theo ông Truyền, Cty chỉ ký hợp đồng xử lý chất thải với Cty Môi trường Xanh, ngoài ra không ký kết với bất cứ ai khác.
Công ty gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ)
Công ty gốm sứ Thanh Hà có một số nhân viên nữ tên Trang
Đối với thông tin liên quan đến lời khai ban đầu của Lý Đình Vũ về người phụ nữ thuê tên Trang, ông Truyền nhấn mạnh, ông không có con dâu nào tên là Trang.
“Tôi tôi chỉ có 3 cô con gái chứ không có con trai nên chẳng có con dâu nào tên là Trang cả. Tôi cũng mong có con dâu lắm nhưng không được.
Công ty cũng không có ai là Phó Giám đốc tên Trang mà chỉ có một số nhân viên tên Trang ở phòng vật tư, phòng kinh doanh.
Tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ thông tin từ lời khai ban đầu của Vũ”, ông Truyền nêu ý kiến.
Người đứng đầu Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà nói, ông không bao giờ ủng hộ, bao che cho các hành động phá hoại môi trường.
“Từ khi sự việc xảy ra đến bây giờ, tôi đã yêu cầu tất cả nhân viên của công ty, phối hợp cùng với các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ vụ việc.
Tôi cũng nêu rõ, với công ty chúng tôi, nếu ai kể cả tôi, làm sai phải nhận, chịu trách nhiệm và khắc phục, sửa chữa”, ông Truyền nói thêm.
Vị này nhận định, sau khi lấy được dầu thải, nhóm của Vũ đã mang về Hưng Yên và có thể định dùng nhiệt để tái chế, nhiều khả năng định sử dụng lại dầu nhớt.
Ông nói, dầu thải này có thể tái chế, sau khi xử lý xong, nước có thể tưới cây được. Chưa rõ vì nguyên nhân gì những người kia không xử lý mà đem xả thải trộm ở Hòa Bình, ngay đầu nguồn nước sông Đà như vậy.
Về thông tin cho rằng, trước đây, người dân có vào xin công ty số dầu thải này về để diệt chuột, ông Truyền cho hay, điều này không hoàn toàn chính xác.
“Cách đây vài năm, nông dân có vào công ty xin dầu thải này về vẩy lên lúa để chuột ăn vào thấy đắng, không cắn lúa nữa chứ không phải là để diệt chuột”, ông Truyền nói thêm.