Chữ ký số – “Xương sống” của hoạt động chuyển đổi số trong Giáo dục & đào tạo tại Hải Phòng

Ngày 17/5, Sở Thông tin & Truyền thông TP Hải Phòng, Sở Giáo dục & Đào tạo, công ty SAVIS đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số (CĐS) lĩnh vực Giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) TP Hải Phòng”.
Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Chữ ký số – xương sống của CĐS

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức là trực tiếp và trực tuyến, kết nối đến 800 điểm cầu tại các trường Đại học, Cao đẳng, THPT, THCS, Tiểu học, Mầm non, các Phòng Giáo dục quận, huyện.

Thời gian qua, Hải Phòng đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ CĐS, phát triển kinh tế số với mục tiêu đến năm 2025, TP nằm trong “top” các tỉnh, thành dẫn đầu về CĐS. Hải Phòng đặt mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 03 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Vũ Đại Thắng cho biết: Ngày 26/10/2021, Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU của về CĐS TP Hải Phòng đến năm 2025, định hướng năm 2030. Mục tiêu chính của Nghị quyết nhằm hiện thực hoá CĐS trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội với 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, CĐS lĩnh vực GD&ĐT là một trong những nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong lộ trình phát triển xã hội số.

Phó giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP Hải Phòng Vũ Đại Thắng phát biểu tại hội thảo

Phó giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP Hải Phòng Vũ Đại Thắng phát biểu tại hội thảo

Tại Hải Phòng, ngành GD&ĐT đã đi đầu trong việc ứng dụng CNTT, cơ sở dữ liệu ngành đã được hình thành. Hiện có trên 800 cơ sở giáo dục, trên 32.000 giáo viên và hơn 521.000 học sinh có mã định danh riêng và gắn bó suốt trong quá trình công tác, học tập. Việc sử dụng văn bản điện tử, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử dần thay thế văn bản, hồ sơ tài liệu giấy. Khi cơ sở dữ liệu sổ điểm, học bạ của mỗi học sinh được số hóa và ký số, chỉ với mã số học sinh, phụ huynh cũng có thể tra cứu được tình hình điểm số của con em mình và quan trọng hơn sẽ chủ động đăng ký tuyển sinh, nhập học trực tuyến cho các em.

Theo đánh giá của Sở Thông tin & Truyền thông TP Hải Phòng, cùng với sự phát triển của CNTT và truyền thông, các giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Hạn chế lớn nhất trong các giao dịch điện tử chính là việc ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan và đảm bảo tính xác thực của các giao dịch. Chữ ký điện tử ra đời nhằm ký các văn bản điện tử để khắc phục các hạn chế trên và đẩy mạnh việc sử dụng các giao dịch điện tử.

Hải Phòng chú trọng đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực GD&ĐT.

Hải Phòng chú trọng đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực GD&ĐT.

Do đó, để sổ điểm điện tử, học bạ điện tử thực sự có thể trao đổi, giao dịch trên môi trường số thì cần có công cụ xác thực, bảo đảm tính đúng đắn chính xác, toàn vẹn của dữ liệu, đó chính là vai trò của chữ ký số.

Trong quá trình CĐS, chữ ký số và lưu trữ, liên thông điện tử đóng vai trò là xương sống. Tài liệu được ký số giúp hình thành tài liệu điện tử có giá trị pháp lý, sau đó được đưa vào lưu trữ, chia sẻ, kết nối, liên thông trên các hệ thống giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến giúp tạo nên những quy trình số hoàn chỉnh. Trước sự phát triển của công nghệ, các công cụ số thay thế dần giấy tờ truyền thống. Trong Giáo dục, hệ thống hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, học bạ điển tử, bảng điểm điện tử, chứng chỉ, chứng nhận điện tử… trở thành những thay đổi căn bản và thiết yếu. Vì thế, xây dựng hệ thống ký số, lưu trữ điện tử sẽ tạo nền tảng vững chắc để CĐS sâu rộng trong lĩnh vực GD&ĐT.

CĐS để thầy dạy tốt hơn, trò học dễ hơn

Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện Bộ GD&ĐT, Phó Cục trưởng Cục CNTT Tô Hồng Nam đã đưa ra những khuyến nghị dành riêng cho Hải Phòng. Theo đó, Hải Phòng cần xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện CĐS; đảm bảo 100% cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục triển khai phần mềm quản trị trường học đồng bộ với cơ sở dữ liệu toàn ngành và chuẩn bị nguồn lực tổ chức dạy học trực tuyến theo quy định tại Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 16/5/2021-PV), kho học liệu số.

Ông Tô Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT trình bày tại Hội thảo

Ông Tô Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT trình bày tại Hội thảo

Ngoài ra, Hải Phòng cũng cần tăng cường năng lực số cho cán bộ, giáo viên, chú trọng bồi dưỡng, tập huấn giáo viên trực tuyến kết nối TEMIS. Đối với học sinh, thế hệ công dân số tương lai, cần thông qua các hoạt động ngoại khóa, tự chọn về lập trình, Robotics, STEM để song hành với Chương trình chính khóa. Hải Phòng cũng cần nhanh chóng thí điểm chữ kí số xác thực hồ sơ điện tử trong phạm vi quản lý của Sở.

Bày tỏ quan điểm cốt lõi trong CĐS GD&ĐT, ông Nam nhấn mạnh: “CĐS sẽ khai thác tối đa tiến bộ công nghệ để giúp thầy dạy tốt hơn, trò học dễ hơn, quản lý nhẹ nhàng hơn”.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng Bùi Văn Kiệm chia sẻ thẳng thắn: Xác định CĐS là nhiệm vụ chiến lược, năm 2022, ngành GD&ĐT xây dựng 04 mục tiêu cụ thể. Trong đó, để tìm hướng đi phù hợp nhất cho việc triển khai chữ ký số đáp ứng yêu cầu số hóa sổ điểm điện tử, học điện tử, ngành GD&ĐT sẽ thực hiện thí điểm ký số đối với 05 trường THCS và 05 trường THPT. Trong tháng 5/2022, các giáo viên sẽ ký trên bản thể hiện sổ điểm, học bạ trên cơ sở dữ liệu ngành, hồ sơ số trên Hệ thống quản lý hồ sơ.

Tuy nhiên, việc triển khai ban đầu cũng vấp phải những khó khăn liên quan đến tính pháp lý của chữ ký số đối với hồ sơ điện tử đã được công nhận. Các thông tư mới ban hành của Bộ GD&ĐT cho phép sử dụng hồ sơ điện tử nhưng không đề cập đến vấn đề xác thực hồ sơ.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, ông Hoàng Nguyên Vân – Chủ tịch HĐQT công ty SAVIS cho rằng: “Với những phương thức ký số thông thường đang được sử dụng phổ biến hiện nay, tài liệu điện tử không được bảo vệ. Chứng thư số thường chỉ có giá trị trong khoảng từ 3 năm. Sau thời gian này, nếu không được ký lại thì tài liệu sẽ không thể xác thực được và trở thành file rác”.

Do đó, trong trường hợp yêu cầu lưu trữ dài hạn, toàn vẹn dữ liệu, tra cứu xác thực lâu dài thì việc triển khai chữ ký số cơ bản sẽ ko đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Thêm nữa, thời gian ký số là thời gian của thiết bị hoặc server ký số, có thể dễ dàng bị thay đổi bởi những công cụ đơn giản, khiến những tài liệu, chứng từ nhạy cảm về thời gian như học bạ điện tử, hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, chứng chỉ, chứng nhận điện tử… có khả năng dễ bị giả mạo, gian lận, dẫn đến việc không chứng minh được mốc thời gian tài liệu chính xác về hiệu lực chữ ký số khi xảy ra tranh chấp bất cứ vấn đề gì về pháp luật.

Để giải quyết bài toán này, theo ông Vân, nhiệm vụ xây dựng hệ thống ký số, lưu trữ điện tử chuẩn chỉnh ngay từ đầu để tránh lãng phí thời gian và chi phí khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, hội thảo đã có những trao đổi cởi mở, sâu sắc giữa các diễn giả và hơn 800 điểm cầu. Việc triển khai chữ ký số sớm là thách thức đặt ra, nhưng cũng là cơ hội để ngành GĐ&ĐT TP Hải Phòng trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu quá trình CĐS.

 

Theo Phương Thanh (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/chu-ky-so–xuong-song-cua-hoat-dong-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-dao-tao-tai-hai-phong-d182076.html