Từ giữa tháng 4 đến nay, số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại, có ngày vượt mốc 3.000 ca mắc mới. Đối với tỉnh Phú Thọ, từ đợt tái bùng phát dịch (tính từ ngày 12/4/2023) đến nay có trên 1.560 ca mắc COVID-19, trong đó có 105 ca khỏi bệnh và ra viện, không có ca tử vong. Theo dự báo của Bộ Y tế, dịch COVID-19 sẽ có thể gia tăng sau kỳ nghỉ lễ. Phóng viên (PV) Báo Phú Thọ đã có cuộc phỏng vấn TS. Lê Quang Thọ – Phó Giám đốc Sở Y tế xung quanh vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
TS. Lê Quang Thọ – Phó Giám đốc Sở Y tế
PV: Thưa đồng chí, đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh COVID – 19 trên địa bàn tỉnh diễn biến như thế nào?
TS: Lê Quang Thọ: Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh hiện vẫn đang tiếp tục được kiểm soát tốt. Từ đầu năm 2023 đến ngày 15/4/2023, trung bình mỗi ngày toàn tỉnh ghi nhận 1-2 ca mắc mới COVID-19, rải rác khắp các huyện, thị, thành. Kể từ ngày 12/4/2023 đến nay, làn sóng mới của đại dịch COVID-19 được ghi nhận tại tỉnh Phú Thọ với trung bình mỗi ngày có từ 70-100 ca mắc mới và từ 350-500 ca mắc đang điều trị tại mỗi thời điểm, trong đó hơn 95% ca mắc được điều trị tại nhà/nơi cư trú, 958 (46,3%) ca mắc COVID-19 không có triệu chứng, 1.071 (51,72%) ca mức độ nhẹ, 41 (1,98%) ca mức độ trung bình, không có ca mắc mức độ nặng và không có tử vong do COVID-19.
PV: Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tăng trở lại trên cả nước, tỉnh Phú Thọ có những giải pháp nào nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt sau kỳ nghỉ lễ, các trường học bước vào kỳ thi, nhất là thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT và đại học, các chuyên gia, công nhân lao động trở lại làm việc, học tập trên địa bàn tỉnh?
TS. Lê Quang Thọ: Để đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân, hạn chế tối đa dịch COVID-19 bùng phát trở lại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và an ninh chính trị của tỉnh, Sở Y tế đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ. Đối với UBND các huyện, thị, thành cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm trên người của địa phương; tiếp tục công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là trong các cơ sở giáo dục, y tế, các khu/cụm công nghiệp và tại cộng đồng. Bố trí các nguồn lực phù hợp, bảo đảm chủ động sẵn sàng ứng phó các tình huống dịch theo phương châm “bốn tại chỗ”, tổ chức đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo chính quyền cấp xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, nhất là với trẻ em và các nhóm có nguy cơ cao, hoàn thành mục tiêu hơn 95% các đối tượng được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin phòng COVID-19. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông tới người dân về tình hình dịch bệnh, lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin; tiếp tục khuyến cáo sử dụng 2K tại nơi công cộng, các địa điểm, sự kiện tập trung đông người.
Đối với các sở, ban, ngành, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch số 1040/KH-UBND ngày 28/3/2023 của UBND tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm trên người để triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Đặc biệt, Sở Y tế tiếp tục tăng cường theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2; kịp thời phát hiện các ổ dịch mới nổi, có diễn biến bất thường để tổ chức lấy mẫu, đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác định biến chủng. Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn duy trì các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị các trường hợp mắc COVID-19, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi. Thực hiện nghiêm kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị. Đảm bảo đủ thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, cơ sở vật chất liên quan và nhân lực phù hợp, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch COVID-19.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường, tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng bệnh cho giáo viên và học sinh, quản lý sức khỏe học sinh, kịp thời thông báo cho các đơn vị y tế khi phát hiện có trẻ mắc bệnh để phối hợp xử lý. Chỉ đạo các trường học phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai hiệu quả các chiến dịch tiêm chủng vắc xin tại trường học, đặc biệt là các chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em.
Các cơ quan, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tuân thủ việc đeo khẩu trang theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. Hướng dẫn cán bộ, công nhân, người lao động chủ động tự xét nghiệm mắc COVID-19, khai báo y tế trên Cổng thông tin F0 Phú Thọ tại http://f0.phutho.vn/ để đảm bảo được cách ly, theo dõi và điều trị theo quy định.
Tập trung rà soát, vận động, hoàn thành mục tiêu hơn 95% các đối tượng được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
PV: Nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, khuyến cáo người dân thực hiện tốt thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine+ thuốc+ điều trị + công nghệ + ý thức người dân, ngành Y tế tỉnh sẽ tập trung triển khai công tác này như thế nào, thưa đồng chí?
TS. Lê Quang Thọ: Ngày 05/5/2023, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho biết quyết định này không có nghĩa nguy hiểm đã qua, đại dịch vẫn chưa kết thúc, tình trạng khẩn cấp có thể được khôi phục nếu tình hình thực tế thay đổi. Do đó, việc luôn đề cao tinh thần cảnh giác, khuyến cáo người dân thực hiện tốt thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn)+ vaccine + thuốc + điều trị+ công nghệ + ý thức người dân vẫn đã và đang là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, khuyến cáo người dân thực hiện tốt, ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình dịch, công tác phòng, chống dịch cũng như ý nghĩa của tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong công tác phòng, chống dịch hiện nay. Không để người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh, chủ động thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch cá nhân như đeo khẩu trang, khử khuẩn; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong để khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo phân bổ vắc xin của Bộ Y tế. Hoàn thành mục tiêu trên 95% các đối tượng được tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để tình trạng vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí. Tiếp tục rà soát kế hoạch tiêm sáu tháng cuối năm 2023 và xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin năm 2024. Theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch trên địa bàn; tập trung hướng dẫn người dân chủ động khai báo tình hình mắc trên Cổng thông tin F0 Phú Thọ tại địa chỉ https://f0.phutho.vn để cơ quan y tế giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Chủ động tham mưu chính quyền các cấp có giải pháp ứng phó với ổ dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát nguy cơ bùng phát tại các địa phương. Tiếp tục tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị các trường hợp mắc COVID-19, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi. Thực hiện nghiêm kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị; chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân theo quy định. Chủ động các phương án bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Ngọc Tuấn (Thực hiện)
Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/y-te/chu-dong-ung-pho-voi-dich-covid-19/193033.htm