Chủ đàn chó dữ cắn bé trai 7 tuổi tử vong đối diện hình phạt nào?

Đàn chó của gia đình bà An cắn cháu Ng tử vong vào chiều 3/4.

Theo quan điểm của luật sư, chủ của đàn chó cắn bé trai tử vong có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hơn một ngày qua, người dân tại thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên bàn tán xôn xao trước sự việc bé trai Đào Đức Ng (SN 2012, quê Thuận Thành, Bắc Ninh) bị đàn chó dữ tấn công tử vong khi đi từ sân vận động Kim Động cũ về nơi gia đình thuê trọ.

Sau khi sự việc xảy ra, nhiều người dân trong khu vực tỏ ra rất bức xúc trước việc bà Lê Thị An (trú thôn Đồng Lý, thị trấn Lương Bằng) không nhốt, rọ mõm đàn chó dữ lại để chúng gây ra vụ việc đau lòng.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi liệu việc bà An nuôi đàn chó dữ không nhốt, thả rông không rọ mõm cắn chết người có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không?

Chủ đàn chó dữ cắn bé trai 7 tuổi tử vong đối diện hình phạt nào? - Ảnh 1.

Đàn chó nhà bà An được nhốt lại vào sáng 4/4.

Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng Luật sư Chinh Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Có thể nói việc chó chạy rông, không có người trông coi, không rọ mõm tại nơi công cộng tạo ra những nguy hiểm tiềm tàng, cao độ cho những người xung quanh.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp người dân bị chó cắn thiệt hại đến sức khỏe, tiền bạc và không ít trường hợp còn nguy hiểm đến cả tính mạng. Bên cạnh đó, thả rông chó cũng gây mất vệ sinh công cộng do phóng uế bừa bãi nhưng chủ nuôi không dọn dẹp.

Chủ đàn chó dữ cắn bé trai 7 tuổi tử vong đối diện hình phạt nào? - Ảnh 2.

Khu vực cháu Ng bị đàn chó nhà bà An cắn tử vong.

Ngoài ra, chó thả rông chạy trên đường còn cản trở hoặc gây tai nạn đối với người tham gia giao thông.

Luật sư Cường cho hay: Đã có quy định cụ thể, rõ ràng về việc chó phải rọ mõm và có người dắt khi đi ở nơi đông người.

Đối với trường hợp bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên bị đàn chó thả rông cắn tử vong, theo quy định pháp luật chủ nuôi là bà Lê Thị An có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

“Tại điều 7 Nghị định này quy định đối với hành vi không tiêm phòng dại cho chó, mèo và để chó, mèo cắn người thì người chủ nuôi sẽ bị phạt từ 1,2 – 1,6 triệu đồng.

Đây là mức phạt chung cho 2 hành vi: không đeo rọ mõm cho chó khi ra đường (phạt tiền từ 600.000 – 800.000 đồng) và không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng (mức phạt tiền từ 600.000 – 800.000 đồng).

Ngoài ra, theo quy định này, chủ nuôi chó còn phải bồi thường cho người bị hại cả vật chất lẫn tinh thần như thanh toán chi phí tiêm phòng dại và các chi phí khác phát sinh (nếu có)…”, Luật sư Cường phân tích.

Luật sư Cường cho biết thêm, trong vụ việc này chủ đàn chó là bà Lê Thị An có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” quy định tại điều 295 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Mức hình phạt đối với hành vi này là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.

Ngoài ra, việc bà An không quản lý chó nuôi cẩn thận, thả rông chó, khiến chó tấn công cắn cháu Ng đã xâm phạm đến tính mạng cháu bé.

Việc bồi thường được trong trường hợp này được quy định tại khoản 1 điều 603 Bộ luật Dân sự 2015.

“Cụ thể chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại gây ra cho người khác. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm, chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, thiệt hại khác do luật quy định…“, Luật sư Cường nói.

Luật sư Cường nêu quan điểm: Bên cạnh các chế tài xử phạt, cơ quan chức năng cần thắt chặt công tác quản lý đối với gia súc đặc biệt là đối với chó.

Cần công khai và có biện pháp nghiêm minh đối với các hộ không đăng ký chó nuôi, thả rông chó, không chấp hành tiêm vắc xin phòng dại chó. Cần thành lập tổ bắt chó thả rông theo đúng quy định pháp luật và áp dụng.