Sinh ra 2 đứa con trai thì cả 2 đều mắc bệnh tâm thần, dù đã 30 tuổi nhưng vẫn ngây dại như đứa trẻ lên ba khiến cuộc sống của vợ chồng cô Dung chưa lúc nào bớt khổ.
2 đứa con trai tâm thần bên người cha bại liệt
Hơn một năm nay, người dân ởxã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang không còn xa lạ với hình ảnh một người phụ nữ lớn tuổi, tất bật đi làm thuê, gom góp tiền mua gạo về nuôi 2 đứa con tâm thần cùng người chồng bệnh tật.
Dù đã ở cái tuổi ngũ tuần nhưng cuộc sống của cô Tiêu Thị Mỹ Dung (54 tuổi) chưa một ngày nhàn hạ. Mấy chục năm trời nặng gánh bán buôn để lo cho 2 đứa con “có lớn mà không có khôn”, giờ đây cô Dung lại phải săn sóc cho chú Nguyễn Văn Cương (51 tuổi, chồng cô Dung) bị tai biến nằm một chỗ.
Chăm sóc 2 đứa con tâm thần, giờ cô Dung phải lo cho người chồng tai biến.
Cuộc sống không biết cách nào thoát khổ của gia đình cô Dung.
Căn nhà cấp 4 xập xệ được dựng tạm bợ trong con hẻm nhỏ thuộc ấp Trà Cuôn là nơi sinh sống của 4 người nhà cô Dung. Loay hoay chuẩn bị bữa cơm chiều, cô Dung bới ra những tô cơm nhỏ, lần lượt đút cho hai con trai rồi đến chồng của mình. Vì mắc phải chứng bệnh tâm thần bẩm sinh nên cả hai người con của cô Dung chỉ biết ú ớ, cười nói suốt ngày, đến cả việc vệ sinh cũng không ý thức được.
Ngồi trước cửa nhà, cô Dung vừa dỗ ngọt, đút cơm cho Thanh Hùng (21 tuổi), vừa ra ký hiệu rồi cười đùa với Anh Nhẫn (33 tuổi). Cách đó vài bước chân, trên chiếc giường bệnh, chú Cương cố nhíu đôi mắt nhìn cô Dung, cố hết sức để ngồi dậy, muốn đến phụ vợ chăm sóc 2 đứa con trai tâm thần nhưng không thể.
Anh Hùng bị khuyết tật cả tay chân, không đi đứng được.
Anh Nhẫn bị tâm thần bẩm sinh, ngây ngô như một đứa trẻ lên 3.
Sau cơn tai biến đột ngột, từ chỗ trụ cột gia đình, suốt hơn 1 năm nay, chú Cương chỉ có thể nằm, ngồi tại chỗ, chẳng làm lụng, phụ giúp gì được cho vợ con.
Khẽ quệt những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má, cô Dung cho biết, sau khi kết hôn với chú Cương, cuộc sống của hai vợ chồng sum vầy hạnh phúc khi lần lượt đón những đứa con chào đời. Trớ trêu thay, cả 2 người con trai của cô chú đều mắc phải chứng bệnh tâm thần, càng lớn bệnh càng nặng, suốt ngày chỉ biết la hét, ú ớ cười đùa.
Từ ngày chú Cương bị bệnh, 2 người con trai khờ bên cạnh cha.
Cô Dung buồn bã không biết làm cách nào để lo cho chồng con.
Dù có thể đi đứng được nhưng anh Nhẫn mắc bệnh tâm thần nặng, không nhận thức được mọi việc. Riêng anh Hùng thì bị tật nguyền, cả đôi tay lẫn chân đều cong vẹo, không đi lại, cầm nắm được vật gì, mọi sinh hoạt hằng ngày đều do một tay cô Dung săn sóc.
Dù biết 2 đứa con không được lành lặn như những đứa trẻ khác nhưng cả 2 vợ chồng cô Dung quyết không bỏ con, cố gắng làm lụng để nuôi con. “Lúc trước, cả hai vợ chồng đi chở đồ thuê cho người ta ở chợ, cô thì buôn bán nhỏ. Tuy vất vả nhưng cũng đủ ăn, thằng Hùng cũng được cho đi học trường khuyết tật, chú Cương đưa đi đón về. Nhưng giờ thì…”, cô Dung bật khóc.
Anh Nhẫn bên cạnh chú Cương.
Dù bị tâm thần nhưng anh Nhẫn rất thương cha của mình, ân cần chăm sóc cho cha.
Hướng mắt về phía chồng, cô Dung nghẹn ngào: “Ổng giờ ngồi một chỗ, có đi lại gì được nữa đâu. Đến cả việc tắm rửa, vệ sinh cũng không làm được, thằng Hùng cũng nghỉ học luôn rồi, đau đớn lắm cháu ơi”.
Theo cô Dung, kể từ khi chú Cương ngã bệnh, một mình cô vừa làm mẹ, vừa làm cha, lại phải săn sóc cho cả chồng khiến cô Dung rơi vào bế tắc. Cơm ngày ba bữa cũng gom góp lại làm một, 2 đứa con khờ đói bụng, ăn chẳng đủ no. “Nhiều lúc chán nản, cô muốn bỏ cuộc, uống một liều thuốc rồi đi cho bớt khổ. Nhưng nhìn thấy thằng Nhẫn, thằng Hùng hồn nhiên cười đùa, chú thì nằm đó, cô phải tự động viên mình cố gắng mà sống tiếp”, cô Dung nói.
Cô Dung nghẹn lòng khi bữa cơm của gia đình không còn đủ đầy như trước.
Bát cơm trắng chan xì dầu dành cho những người con.
“Hai đứa nó khùng nhưng biết thương mẹ, thương cha!”
Ngồi cạnh chú Cương trong lúc mẹ chuẩn bị bữa cơm chiều, cả anh Nhẫn và Hùng đều ngoan ngoãn xoa đôi bàn tay, bóp vai cho cha. Cố nhướng người dậy uống ly nước do anh Nhẫn mang lại, chú Cương xúc động nói: “Hơn một năm nay, chú chỉ muốn chết đi cho xong. Mình là trụ cột gia đình, giờ lại làm khổ vợ con, đến cả đi vệ sinh cũng nhờ cô chăm sóc. Hai đứa này tuy khùng điên nhưng ngoan lắm. Nó là con mình mà, sao mà không thương cho được. Con có điên, có dại cũng là con của mình”.
Ở cái tuổi 21, anh Hùng vẫn ngây ngô như một đứa trẻ lên ba.
Anh Nhẫn cười thích thú khi chú Cương nhéo vào lỗ tai.
Từ phía dưới bếp, nghe tiếng bước chân của cô Dung, anh Hùng múa đôi bàn tay siêu vẹo, miệng cười lớn, vỗ vỗ bàn tay ú ớ nhìn về phía mẹ. Hai mấy năm trời, người mà anh Hùng mở mắt thức dậy mỗi ngày đều là người mẹ của mình. Thấy em trai cười mừng rỡ, anh Nhẫn cũng phá lên cười theo, hai anh em ngây dại nhìn nhau rồi ú ớ từng tiếng như đứa trẻ lên ba.
Dù anh Hùng bị khuyết tật chân, tay, không đi lại được, chỉ biết bò lết trong nhà nhưng rất thông minh. Mấy năm trước, anh Hùng được vợ chồng cô Dung cho đi học ở trường khuyết tật, anh Hùng học rất giỏi, còn nhận được bằng khen của nhà trường.
Khoe cả giấy khen mà Hùng nhận được khi học trường khuyết tật.
Nhưng kể từ khi chú Cương bị tai nạn, Hùng cũng nghỉ học.
Khó nhọc cầm tấm giấy khen rồi múa đôi tay khoe với mọi người, Hùng cười ngặt nghẽo. Có lẽ đối với Hùng, việc được bố mẹ cho đi học, được gặp thầy cô, bạn bè đã là điều may mắn. Chỉ tiếc là, kể từ lúc chú Cương ngã bệnh, cơm ăn còn không đủ no, Hùng cũng tạm gác lại việc học tập cũng như điều trị vật lý trị liệu của mình.
Ăn uống vệ sinh đều do một tay cô Dung lo liệu.
Hiếm hoi cô Dung mới cười hạnh phúc khi vui đùa cùng đứa con trai khuyết tật.
“Thằng Hùng nó ham học lắm, từ lúc bố nó bị tai nạn, không ai chở đi đến trường được, nó buồn mấy tháng liền. Nhưng cô phải lo đi làm mướn, bán lặt vặt rồi chăm sóc bố con nó, sao đưa rước đi học được nữa. Giờ tiền gạo mắm qua ngày còn thiếu, cô vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện cho Hùng đi học trở lại”, cô Dung buồn bã nói.
“Gần đến Tết người ta lo sắm sửa, mua đủ thứ còn nhà cô cơm còn không đủ để ăn. Mấy lần hết gạo, thằng Nhẫn đói bụng lại la hét, 2 năm rồi có biết Tết là gì đâu”, cô Dung bật khóc.
Chú Cương đã nhiều tháng không đủ tiền để lên Chợ Rẫy tái khám bệnh.
Hi vọng điều kỳ diệu sẽ đến với cả nhà cô Dung để bữa cơm chiều không còn thiếu nữa.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình cô Dung khi 2 người con đều mắc bệnh tâm thần, chồng bị tai biến nằm một chỗ, cơm ngày 3 bữa Tết không đủ no, chúng tôi tha thiết kêu gọi quý độc giả gần xa giúp đỡ để gia đình có điều kiện mua thuốc men, chữa bệnh cho chồng, 2 đứa con trai tâm thần và giúp cái Tết của gia đình cô Dung ấm áp hơn.
Mọi đóng góp xin vui lòng liên hệ cô Tiêu Thị Mỹ Dung, số điện thoại: 0828383360.
Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 0741000669554.
Chủ tài khoản:Tiêu Thị Mỹ Dung, ngân hàng Vietcombank, chi nhánh tỉnh Trà Vinh.
Xin chân thành cảm ơn!