“Chợ ma” đồ công nghệ ở Thâm Quyến – hiện thực u ám phía sau tham vọng công nghệ cao của Trung Quốc

Đây là một góc nhìn khác về Hoa Cường Bắc, khu bán buôn điện tử lớn nhất thế giới, chỉ diễn ra khi màn đêm buông xuống tại thành phố được mệnh danh là Thung lũng Silicon ở Trung Quốc.

Hoa Cường Bắc (Huaqiangbei) là nơi có thị trường bán buôn điện tử lớn nhất thế giới. Ban ngày, khu vực này là nơi chen chúc bận rộn của những người mua, chuyên săn lùng những món hời trong các khu phức hợp khổng lồ, nơi bán mọi thứ từ dây cáp điện thoại cho đến camera siêu nhỏ.

Nhưng gần nửa đêm, không lâu sau khi các chủ gian hàng khó tính nhất cũng đóng sập cửa để kết thúc một ngày làm việc của mình, một thị trường khác xuất hiện trong bóng tối của trung tâm bán đồ điện tử lớn này.

Ngay khi những du khách hoặc người lạ bước chân vào khu chợ này ban đêm, rất nhiều người bán hàng rong sẽ ngay lập tức ra hiệu, nhằm gây sự chú ý với người đi đường. Và tại đây, bạn có thể nhìn thấy vô số thứ từ dây cáp, máy chơi game cũ, radio bóng bán dẫn, điện thoại thông minh, điện thoại phổ thông chỉ có các tính năng cơ bản… Nói chung, chúng hầu hết đều có thể coi là “rác”.

Được biết đến như một “khu chợ ma”, bởi vì nó chỉ hoạt động vào ban đêm và sẽ biến mất trước bình minh, các hoạt động tại đây đã diễn ra vài năm và không có ngày nào ngừng nghỉ.. Có ba quy tắc bất thành văn tại khu chợ này: Không đặt câu hỏi về tính xác thực, không đặt câu hỏi về nguồn gốc và không hoàn lại tiền sau khi bán.

Có thể nói, người mua sẽ phải cảnh giác mọi lúc mọi nơi từ khi bắt đầu bước chân vào, cho tới lúc đi ra. Những gì bạn thấy là những gì bạn sẽ nhận được.

“Tại sao bạn đi lang thang bên ngoài lúc muộn thế này?”, một người bán hàng nam giới, cổ đeo đầy vòng vàng hét lên vui vẻ khi có khách đi ngang qua đống đồ của anh ta. “Hãy cẩn thận. Về nhà ngay đi!”

Tại khu chợ này, người mua và người bán chủ yếu là đàn ông. Nhưng không khí nói chung sẽ không gây cho bạn cảm giác thiếu an toàn mà ngược lại, bởi ai cũng trưng ra một khuôn mặt và cá tính đầy thân thiện. Tuy nhiên, tới khoảng 2 giờ sáng, đám đông mau sắm sẽ giảm dần, khiến khu chợ bắt đầu trở nên hoang vắng.

Chợ ma đồ công nghệ ở Thâm Quyến - hiện thực u ám phía sau tham vọng công nghệ cao của Trung Quốc - Ảnh 1.

Người bán và người mua đang tranh cãi về giá cả các món hàng.

Hoa Cường Bắc khởi đầu là một chợ linh kiện điện tử nhỏ, được tạo ra nhằm hỗ trợ ngành sản xuất điện tử, trước khi các món đồ công nghệ cao như laptop hay smartphone phổ biến ở Trung Quốc. Bởi chỉ cách chợ một giờ lái xe, người ta có thể tìm thấy hàng ngàn nhà máy gia công, sản xuất đồ công nghệ ở rìa thành phố Thâm Quyến cũng như ở vùng lân cận là Đông Quan và Huệ Châu.

Khu vực này cũng nổi tiếng là nơi khai sinh của Tencent, tập đoàn truyền thông xã hội và trò chơi lớn nhất của Trung Quốc. Sự tiến bộ của Thâm Quyến trong những năm qua cũng ghi dấu nó như một nơi được những gã khổng lồ công nghệ đặt trụ sở điều hành, như Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông và DJI, nhà sản xuất máy bay không người tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Bắc Kinh có kế hoạch hợp nhất Thâm Quyến và 10 thành phố lân cận khác để tạo thành một trung tâm tài chính và khu vực đổi mới công nghệ đổi. Và Thâm Quyến được thiết lập cho giai đoạn chuyển đổi tiếp theo, kể từ khi nó trở thành địa điểm ban đầu cho các thí nghiệm cải cách và mở cửa chính sách 40 năm trước. Thành phố này cũng đã được chính phủ Trung Quốc đánh dấu là nơi phải tạo ra một chuẩn mực toàn cầu về sự cạnh tranh, đổi mới và ảnh hưởng.

Nhưng nếu Hoa Cường Bắc ban ngày đại diện phần nào cho tham vọng và sự đổi mới mà chính quyền Trung Quốc kỳ vọng, thì khu chợ đêm tại đây lại gợi nhớ về những ký ức xa xôi hơn trong quá khứ. Và không ai biết khu chợ mà này sẽ còn tồn tại bao lâu.

Wang Shuyao, người đàn ông dáng vẻ trung niên, ngồi ở vị trí giữa hai cái cây lớn với bộ sưu tập các thiết bị của mình. Một số trong đó thậm chí chính anh cũng không nhận ra nó là gì. Anh sẽ đề nghị cho khách hàng lấy một số thiết bị hình hộp, có kích thước bằng một nửa điện thoại di động, thứ được quảng cáo là có thể giúp gian lận trong các kỳ thi.

Bạn cũng có thể phát hiện ở giữa đám đồ này những thứ trông giống iPhone thế hệ đầu tiên và máy chơi game cổ của Nintendo. Để mua hàng, khách sẽ phải đào bới giữa hàng đống thiết bị điện tử cũ nát. Đôi khi, bạn sẽ nhận ra rằng chúng có thể được nhặt ra từ bãi rác hoặc những nơi tương tự. Nhóm phóng viên đã phải đến một cửa hàng tiện lợi để mua thuốc khử trùng tay sau khi thăm khu chợ này.

Một quầy trái cây gần đó cũng mở cửa nhưng kinh doanh khá kém. Bởi không nhiều người muốn mua trái cây vào lúc 1 giờ sáng. Chợ đêm cũng là một nơi tốt để kiểm tra xem mắt bạn có tốt hay không, bởi vì hầu hết các thương nhân không thể cho bạn biết các sản phẩm mình bán là gì và nó hoạt động như thế nào.

Nếu đã quen với việc mua đồ trực tuyến với giá cả cố định, bạn sẽ phải học lại kỹ năng mặc cả của mình tại đây. Mặc dù nhiều mặt hàng rất rẻ tiền, trên thực tế bạn vẫn có thể hạ giá chúng xuống thấp hơn nữa. Một mẹo mua bán được nhắc nhở khi tới đây mua hàng đó là hãy xin được tặng thêm các món đồ khác. Ví dụ như mua xác điện thoại cũ hãy luôn yêu cầu được lấy thêm dây sạc miễn phí.

Chợ ma đồ công nghệ ở Thâm Quyến - hiện thực u ám phía sau tham vọng công nghệ cao của Trung Quốc - Ảnh 2.

Khu chợ đêm này có đầy đủ các thiết bị điện tử đã qua sử dụng như radio, máy chơi game và điện thoại.

“Tại sao bạn không mặc cả với tôi nếu bạn nghĩ rằng 5 nhân dân tệ (khoảng 16.000 đồng) là quá đắt cho cái đèn này?”, một người bán đã hỏi một khách mua hàng. Cuối cùng món đồ được bán với giá 2 nhân dân tệ (khoảng 6.500 đồng). Người bán hàng sau đó càu nhàu rằng anh ta đã bị cướp, trước khi giao chiếc đèn và yêu cầu được thanh toán bằng ứng dụng thanh toán di động WeChat.

Một người này đến từ Ấn Độ, tự giới thiệu tên mình là Kapil, nói rằng anh đã hy vọng tìm được một chiếc điện thoại thông minh cũ giá rẻ. Anh xem một chiếc Xiaomi Mi 9 đã qua sử dụng, pin không còn hoạt động với giá 60 nhân dân t (khoảng 200.000 đồng). Người bán nói đây là một món hời và cố gắng thuyết phục Kapil mua chiếc điện thoại này.

Nhưng khi thấy Kapil không ưng ý và trông như sắp rời đi, người này vội rút chiếc điện thoại thương hiệu Oppo khác ra khỏi túi và cố gắng bán nó với giá 1.200 nhân dân tệ. “Đây là một sản phẩm cao cấp, có giá gốc là hơn 3.000 nhân dân tệ”, ông ta nói. Nhưng Kapil vẫn lắc đầu và rời đi.

Đến khoảng 2 giờ sáng, đám đông bắt đầu vắng đi một cách rõ rệt. Nhiều người trong số những người bán cũng bắt đầu dọn dẹp, đóng gói đống đồ của mình.

Trong vài giờ nữa, mặt trời sẽ mọc và một ngày nhộn nhịp khác sẽ lại bắt đầu tại Hoa Cương Bắc.

Tham khảo SCMP