Theo quan điểm cá nhân, chị Phan Hồ Điệp cho rằng công nghệ có thể đem lại lợi ích tuyệt vời cho trẻ nếu các cha mẹ biết cách kiểm soát hợp lý và có nguyên tắc.
Trong xã hội hiện đại, sử dụng máy tính bảng, điện thoại để học hát, học tiếng Anh, giải trí…được khá nhiều các bậc phụ huynh áp dụng cho con em mình. Tuy nhiên bên cạnh đó, không ít cha mẹ lại tỏ ra ngần ngại vì lo sợ khả năng trẻ em trở nên quá say mê, thậm chí “nghiện” các thiết bị công nghệ.
Trao đổi với chúng tôi tại sự kiện ra mắt chương trình Giáo dục tiếng Anh về chủ quyền biển đảo Việt Nam Monkey Stories và chương trình Toán tiếng Anh chuẩn Mỹ cho trẻ em Monkey Math của công ty Early Start (đơn vị chủ quản của ứng dụng Monkey Junior), chị Phan Hồ Điệp, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ quan điểm cá nhân về việc cho con sử dụng các thiết bị công nghệ.
Theo chị Điệp: “Việc sử dụng công nghệ giống như con dao hai lưỡi, nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên cực đoan từ chối vì công nghệ là biểu hiện của sự phát triển văn minh. Chỉ có điều với cương vị là người làm cha mẹ, chúng ta nên cố gắng kiểm soát một cách có nguyên tắc”.
Cụ thể hơn với Nhật Nam, chị Điệp cho biết Nam bắt đầu tiếp xúc với Ipad và điện thoại từ khi 1 tuổi rưỡi, nhưng chỉ giới hạn 10 phút mỗi ngày và đều có nguyên tắc cụ thể trong mỗi lần sử dụng. Về sau khi Nam lớn dần lên, thời gian chị cho phép con dùng các thiết bị thông minh được kéo dài hơn, các nguyên tắc cũng nhiều hơn nhưng đều có các điểm chính sau:
1. Quy định rõ ràng thời gian sử dụng
Vào năm Nam học lớp 1, Nam được sử dụng trong 30 phút. Nếu hôm nào Nam mải làm việc gì đó mà bị quá thời gian thì khoảng thời gian vượt ra sẽ bị cắt vào lần sử dụng sau.
2. Không quan tâm đến quá trình mà quan tâm đến kết quả
Chị Điệp không quá để ý trong khoảng thời gian ấy Nam làm gì vì không muốn con mình bị căng thẳng. Sau 30 phút Nam sẽ nói lại cho mẹ thông tin bài thuyết trình hay bài báo mà mình đã nghe, đã đọc.
3. Sau khi sử dụng thiết bị điện tử sẽ có khoảng thời gian dành cho vận động.
Ví dụ sau 30 phút làm việc trên mạng, 10 phút tiếp theo Nam vận động tại chỗ.
Nếu được sử dụng công nghệ hợp lý sẽ giúp trẻ phát triển cả mặt ngôn ngữ cũng như kiến thức.
“Các nguyên tắc ấy đều được tôi làm thành bảng dán tại chỗ Nam ngồi học để bạn ấy có thể nhớ được và thực hiện nghiêm túc”, chị Điệp tiết lộ. “Việc này sẽ giúp Nam tận dụng được tiến bộ của công nghệ nhưng đồng thời hiểu được rằng sử dụng điện thoại, iPad chỉ là một phần trong đời sống, còn ngoài ra các trải nghiệm sống với thiên nhiên, hoạt động bên ngoài mới là quan trọng”.
Trước câu hỏi về việc có lo lắng con sẽ dùng điện thoại, iPad để truy cập các nội dung không phù hợp nếu mẹ không ngồi cạnh kiểm soát, chị Điệp khẳng định tâm lý chung của các bậc làm cha mẹ đều là lo lắng. Tuy nhiên chị khuyên các cha mẹ hãy hiểu rằng dù có lo lắng hay kiểm soát thế nào, một ngày nào đó con cái sẽ vẫn vượt ra khỏi vòng kiểm soát ấy.
“Vì vậy, cha mẹ nên là người động viên, khuyến khích, đưa ra gợi ý, chứ không nên kiểm soát toàn bộ quá trình để xem con mình đang sử dụng điện thoại làm gì. Nếu chúng ta kiểm soát quá mức, đến khi đi học xa hay ở một mình, con cái lại dễ sa đà hơn”.
“Tôi khuyên các ông bố bà mẹ hãy kiểm soát từ xa, và có nguyên tắc. Bởi sử dụng công nghệ đúng cách và phù hợp có thể đem đến cho các con cái nhìn rất mới mẻ và toàn diện về thế giới”, chị Điệp kết luận.