Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 31/2023/NĐ-CP ngày 9/6/2023, Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt. Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về trồng trọt (trừ phân bón) là 100 triệu đồng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 31/2023/NĐ-CP ngày 9/6/2023 quy định xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt.
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt.
Trong đó, Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về trồng trọt (trừ phân bón) đối với cá nhân là 50 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Cụ thể, đối với các hành vi vi phạm quy định về sản xuất giống cây trồng, Nghị định quy định phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi sản xuất giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính nhằm mục đích buôn bán nhưng chưa tự công bố lưu hành hoặc chưa được cấp Quyết định công nhận lưu hành hoặc Quyết định công nhận giống cây trồng mới hoặc Quyết định công nhận đặc cách hoặc chưa được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng đã tự công bố lưu hành hoặc đã có Quyết định công nhận lưu hành hoặc Quyết định công nhận giống cây trồng mới.
Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Sản xuất giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính nhằm mục đích buôn bán không đúng nội dung trong Quyết định công nhận lưu hành hoặc Quyết định công nhận giống cây trồng mới hoặc Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng;
– Sản xuất giống cây trồng khi chưa có hoặc chưa thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng hoặc tiêu chuẩn cơ sở trong trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia.
Đối với hành vi sản xuất giống cây ăn quả lâu năm, cây công nghiệp lâu năm bằng phương pháp vô tính không lấy vật liệu nhân giống của cây đầu dòng hoặc vườn cây đầu dòng đã được cấp Quyết định công nhận bị phạt tới 30 triệu đồng tùy theo số lượng cây giống sản xuất.
Buôn bán giống cây không bảo đảm truy xuất nguồn gốc bị phạt tới 10 triệu đồng
Đối với hành vi vi phạm quy định về buôn bán giống cây trồng, Nghị định quy định phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi sau:
– Buôn bán giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính mà không có thông tin tự công bố lưu hành giống cây trồng hợp lệ theo quy định của pháp luật về trồng trọt;
– Buôn bán giống cây trồng nhưng không thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi buôn bán giống cây trồng những thông tin về địa chỉ giao dịch, tên tổ chức, cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ.
Đối với hành vi buôn bán giống cây trồng (trừ giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm) không có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, hồ sơ chất lượng lô giống cây trồng theo quy định bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng.
Không kiểm định ruộng giống theo quy định bị phạt tới 20 triệu đồng
Về kiểm định ruộng giống, Nghị định quy định phạt tiền từ 5 – 7 triệu đồng đối với hành vi kiểm định ruộng giống không theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp kiểm định ruộng giống.
Phạt tiền từ 7 – 10 triệu đồng đối với hành vi thực hiện kiểm định ruộng giống nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ kiểm định ruộng giống.
Phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng đối với hành vi sản xuất giống nhưng không thực hiện kiểm định ruộng giống theo quy định.
Nghị định nêu rõ, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt là 01 năm. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm trong các trường hợp sau: 1- Vi phạm hành chính về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng; 2- Vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng; 3- Vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón.
Phạm Duy
Nguồn Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam: https://www.phapluatplus.vn/dien-dan-luat-su-chuyen-gia/chinh-phu-ban-hanh-quy-dinh-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-ve-trong-trot-d194744.html