Kết quả cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là sự kiện kinh tế quan trọng nhất trong năm 2019.
Vì sao Chiến tranh thương mại nổ ra?
Việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ không chỉ là sự chấn động ở Mỹ mà còn tạo ra nhiều sự rung lắc với cả thế giới. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump hứa sẽ sửa chữa cái gọi là “sự lạm dụng kéo dài của Trung Quốc với việc phá vỡ luật pháp quốc tế và các hành vi thương mại không công bằng”. Vấn đề lớn nhất là việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của nước này.
Hơn một năm sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã có những bước đi nhằm hiện thực hóa cam kết của mình trong quá trình tranh cử. Ngoài việc đánh thuế nặng tay với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump đang dựa vào Điều 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 để ngăn chặn cái họ gọi là hành vi buôn bán không công bằng và trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ. Điều này cho phép Tổng thống Mỹ có thẩm quyền hơn trong việc áp đặt các mức phạt với những đối tác thương mại bị coi là không công bằng hoặc gây tổn hại với lợi ích kinh doanh của Mỹ.
Tháng 8/2017, Mỹ mở một cuộc điều tra chính thức nhằm vào các hành động tấn công nhằm đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của nước này và các đồng minh, điều gây ra thiệt hại lên tới 225 tới 600 tỷ USD mỗi năm với riêng nước Mỹ.
Sau cuộc điều tra, Mỹ tin rằng Trung Quốc vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ bằng cách buộc các công ty nước ngoài liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc phải chia sẻ và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, giúp họ có thể sao chép hoặc đánh cắp công nghệ của Mỹ.
Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc thiết lập những hàng rào phi thuế quan nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nước này khỏi sự cạnh tranh từ bên ngoài. Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một trong những yếu tố được ông Trump nhắc đến nhiều trong suốt quá trình này.
Nổ súng
Ngày 6/7/2018 được xem là phát súng đầu tiên khai hỏa cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đúng 0h sáng ngày 6/7, Mỹ bắt đầu áp mức thuế 25% với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Ngay sau đó, Mỹ công bố kế hoạch đánh thuế tiếp theo nhằm vào lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD khác từ Trung Quốc với 284 mặt hàng.
Đáp trả, Trung Quốc đánh thuế 25% với 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ với trị giá 34 tỷ USD. Trọng tâm trong đợt đánh thuế đáp trả của Trung Quốc là các sản phẩm nông nghiệp, ô tô và thủy sản.
Ngày 10/7, Mỹ tiếp tục đưa 6.000 mặt hàng nhập khẩu khác của Trung Quốc, trị giá 200 tỷ USD, vào diện xem xét đánh thuế 10%. Ngày 2/8, ông Trump chỉ đạo xem xét đánh thuế 25% số hàng hóa này thay vì 10% nhưng dự định trước đó. Các mặt hàng nằm trong diện xem xét đánh thuế gồm sản phẩm tiêu dùng, hóa chất và vật liệu xây dựng, dệt may, công cụ, thực phẩm và nông sản, thiết bị điện tử thương mại và phụ tùng ô tô. Mỹ cũng bổ sung 44 doanh nghiệp Trung Quốc vào diện kiểm soát xuất khẩu với lý do gây ra những rủi ro đáng kể cho an ninh quốc gia của Mỹ.
Về phần mình, Trung Quốc đề xuất đánh thuế 5.207 hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ với trị giá 60 tỷ USD. Cụ thể, mức thuế sẽ là 25% với 2.493 sản phẩm (nông nghiệp, sản phẩm, thực phẩm, dệt may và sản phẩm, hóa chất, sản phẩm kim loại, máy móc); 20 phần trăm với 1.078 sản phẩm (thực phẩm, bìa, hóa chất nghệ thuật); 10 phần trăm với 974 sản phẩm (nông sản, hóa chất, thủy tinh); và 5 phần trăm với 662 sản phẩm (hóa chất, máy móc, thiết bị y tế).
Ngày 23/8, Mỹ chính thức đánh thuế lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 16 tỷ USD từ Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả bằng việc đánh thuế lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có giá trị tương đương.
Ngày 17/9, Mỹ ấn định thời điểm đánh thuế thêm lượng hành hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc. Một ngày sau, Bắc Kinh tuyên bố đáp trả bằng mức thuế đánh vào lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Mỹ. Thời điểm áp mức thuế là ngày 24/9.
Trong suốt quá trình này, Mỹ và Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cấp cao nhằm giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, những khác biệt lớn giữa hai nền kinh tế khiến chương trình đàm phán bị hủy bỏ ngày 22/9, hai ngày trước thời điểm các khoản thuế mới được thực thi.
Với vòng đánh thuế mới, Mỹ đã đánh thuế với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. 200 tỷ USD bị đánh thuế 10% sẽ tăng lên 25% vào ngày 1/1/2019. Thậm chí, Tổng thống Trump còn nhiều lần đe dọa sẽ đánh thuế toàn bộ hơn 500 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hệ lụy với kinh tế toàn cầu và cuộc gặp lịch sử
Trước mỗi động thái mới của Mỹ và Trung Quốc, thị trường tài chính toàn cầu lại chao đảo. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc được coi là trở lực lớn nhất của kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là ở những nền kinh tế hàng đầu.
Những biến động đã khiến năm 2018 trở thành một năm vô cùng khó khăn cho các nhà đầu tư. Bất chấp những thành tích lịch sử từ đầu năm, các phiên điều chỉnh mạnh đã thổi bay mọi thành quả trong năm 2018. Thậm chí, các chỉ số chứng khoán chính trên khắp thế giới liên tiếp có những phiên giao dịch “tắm máu”. Chiến tranh thương mại luôn là nguyên nhân hàng đầu được các nhà phân tích nhắc đến khi nói về những khó khăn trong năm 2018 và rủi ro với năm 2019.
Tuy nhiên, một cuộc điện thoại bất ngờ giữa ông Trump và ông Tập đã giúp nối lại các cuộc đàm phán cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc. Nó cũng là bước đi quan trọng để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Argentina bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, nơi ông Trump tuyên bố sẽ đánh thuế tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu không đạt được những tiến bộ đáng kể.
Viễn cảnh đáng sợ đã không trở thành hiện thực. Sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hôm 6/12, Mỹ và Trung Quốc đã tuyên bố ngừng bắn chiến tranh thương mại với thời hạn 90 ngày để giải quyết những khác biệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thời hạn Mỹ nâng thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng được lùi lại từ ngày 1/1/2019 sang tháng 3/2019.
Gáo nước lạnh
Chỉ vài ngày sau khi giới đầu tư đón nhận “tin vui” từ thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung Quốc, một vấn đề nghiêm trọng lại xảy ra. Đúng ngày ông Trump và ông Tập gặp nhau ở Argentina, Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, CFO tập đoàn Huawei của Trung Quốc theo yêu cầu của Mỹ. Bà Mạnh bị cáo buộc có liên quan tới các thương vụ làm ăn với Iran, quốc gia bị Mỹ cấm vận.
Sự việc ngay lập tức trở thành gáo nước lạnh dội vào những hy vọng xung quanh một tương lai tươi sáng sau hiệp định đình chiến thương mại. Nó cũng chỉ ra thực tế về những khác biệt còn tồn tại giữa Mỹ và Trung Quốc, điều khó có thể được giải quyết triệt để trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày 6/12.
Huawei là tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Trái với Alibaba hay Tencent, Huawei hoạt động trên phạm vi toàn cầu và được xem là trọng tâm của Trung Quốc trong cuộc đua 5G, yếu tố quan trọng trong lĩnh vực phát triển xe tự lái hay trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, Huawei nhiều lần bị Mỹ cáo buộc mở cửa sau trên hạ tầng mạng nhằm đánh cắp thông tin người dùng.
Mỹ và nhiều nước đồng minh đã có động thái mạnh tay với Huawei, bao gồm việc cấm chính phủ, quân đội và các công ty Mỹ có làm việc với chính phủ dùng phần cứng của Huawei. Mỹ đang hướng tới việc buộc các đối tác làm việc với chính phủ Mỹ phải loại bỏ phần cứng của Huawei khỏi hệ thống.
Sâu xa hơn, việc bắt CFO của Huawei còn được coi là nhát dao đâm thẳng vào tham vọng Made in China 2025 mà Bắc Kinh đang theo đuổi, điều mà Mỹ và nhiều nước đồng minh khác coi là mối đe dọa. Chính điều này làm những người lạc quan nhất cũng phải lo lắng về tương lai thỏa thuận thương mại mà Mỹ và Trung Quốc có 90 ngày để đạt được.
theo Tổng hợp