Cần có những khối óc vĩ đại, những người hùng quả cảm cùng khát khao giải mã bí ẩn không gian, nhân loại mới có thể hiện thực hóa chiến công vũ trụ hiển hách nhất mọi thời đại.
Khi loài người bước lên Mặt Trăng 50 năm trước, đó là một trong những khoảnh khắc đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử, không chỉ bởi thành tựu khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại này là đỉnh cao của cuộc đua giữa 2 siêu cường Mỹ-Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh, mà còn bởi đó là chuyến đổ bộ đầu tiên của nhân loại xuống một thế giới khác trong vũ trụ.
Nhà báo nổi tiếng Mỹ Walter Cronkite – người được công chúng Mỹ tôn vinh là “nhân vật đáng tin cậy nhất nước Mỹ” – nói rằng: Dù 500 năm nữa có trôi qua, thì những người của thời tương lai đó vẫn công nhận cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng năm 1969 là chiến công hiển hách nhất mọi thời đại!
Tuy nhiên…
Thành tích này thực sự mới chỉ là khởi đầu của nhân loại.
Khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong tầm nhìn không ngừng mở rộng của nhân loại về vũ trụ, về những nơi chúng ta có thể khám phá, thậm chí có thể sinh sống về sau. Chính Neil Armstrong (một trong ba phi hành gia thuộc sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng đầu tiên) đã từng nói: “Bí ẩn khơi gợi sự tò mò, sự tò mò là chất liệu tạo nên khát vọng thông hiểu của loài người.”
Câu nói của phi hành gia Mỹ Neil Armstrong khi anh đặt những bước chân đầu tiên của con người xuống bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: NASA
Chúng ta là những người ham học hỏi, luôn mang trong mình khát vọng tìm hiểu nguồn gốc của loài người, của Trái Đất và vũ trụ. Thành tựu vĩ đại năm 1969 là bước đệm, và củng cố niềm tin rằng loài người có thể tiến sâu hơn vào không gian, xa hơn nữa là mục tiêu trở thành loài người liên hành tinh. Trái Đất có thể không còn đủ để mô tả chúng ta là ai!
Thành công ngoài sức tưởng tượng của Sứ mệnh Apollo 11 chỉ sau 66 năm kể từ chuyến bay đầu tiên của anh em nhà Wright. Điều này chứng minh cho sự phát triển vượt bậc không ngừng của nhân loại và khoa học.
Bước sang thế kỷ 21, Mặt Trăng trở thành đích đến của chúng ta, của một thế hệ mới, của những con người áp dụng công nghệ và khoa học để đáp ứng lợi nhuận và những tham vọng khám phá không gian sâu hơn về sau.
Để hiểu chiến công vũ trụ vĩ đại hồi thế kỷ 20 này được dệt nên từ những cống hiến và khát vọng lớn thế nào, National Geographic cung cấp bài viết toàn cảnh về những ngày đầu của kỷ nguyên vũ trụ đến những chiến lược vũ trụ tương lai, nhằm mục tiêu lớn nhất: Đưa con người trở thành loài người liên hành tinh.
Yuri Gagarin, Alan Shepard, John Glenn, Neil Armstrong… là những cái tên xuất chúng nhất trong lịch sử ngành du hành vũ trụ của nhân loại thế kỷ 20. Họ chính là những “hạt giống” được tôi luyện từ môi trường quân đội đầy chất “thép”, trải qua những cuộc thí nghiệm khắc nghiệt nhất trên mặt đất, để thật sẵn sàng cho những sứ mệnh hiểm nguy đến tính mạng ngoài không gian.
Nhưng, trước khi lịch sử ghi danh họ, các nhà khoa học ít nhiều cần nghiên cứu những tác động của không gian lên sinh vật sống trước khi “mạo hiểm” đưa con người tiếp cận vùng không gian đầy rẫy hiểm họa.
Tính đến cuối những năm 1950, khoa học còn rất mơ hồ về những tác động của các chuyến bay ra ngoài vũ trụ lên cơ thể con người. Để có được bước tiến dài, tạo nên “buổi bình minh chinh phục vũ trụ của loài người”, tất yếu phải thực hiện các thí nghiệm. Và động vật là đích mà giới khoa học nhắm đến để “đo” tác động của không gian lên sinh vật sống trước tiên.
Ruồi giấm, khỉ, chuột, chó, thỏ chính là những “phi hành gia” vũ trụ đầu tiên của chúng ta thực hiện sứ mệnh tiên phong, chúng dọn đường cho các nhà du hành vũ trụ hoàn thành những sứ mệnh mang tính lịch sử, trở thành “sứ giả” tiếp cận thế giới bí mật rộng lớn của không gian.
3 năm trước khi phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin (1934-1968) trở thành người đầu tiên bay ra ngoài vũ trụ với hành trình bay vòng quanh Trái Đất trong 108 phút ngày 12/4/1961, Liên Xô đã vang danh thế giới khi trở thành quốc gia cho chú chó Laika bay vòng quanh Trái Đất đầu tiên trong lịch sử vào năm 1957.
Mặc dù “hy sinh” trong chuyến bay, nhưng Laika đã mở đường cho các nhà khoa học vũ trụ Liên Xô cái nhìn cụ thể về những tác động của trọng lực và không gian lên sinh vật sống, từ đó tạo tiền đề cho sứ mệnh bay ra ngoài không gian của Yuri Gagarin.
Chiến tranh Lạnh (1946-1989), xét dưới góc độ khoa học công nghệ, đã phần nào đưa nhân loại bước vào những bước tiến đột phá trong hành trình khám phá không gian. Nhờ cuộc so găng không ngừng giữa Mỹ và Liên Xô, thế giới mới biết đến những người hùng vũ trụ cùng những thành tựu vĩ đại song hành, mà nếu không có chúng, ước mơ ngàn đời thoát khỏi lực hút Trái Đất để sải cánh ngoài vũ trụ có lẽ mãi mãi chỉ là hư không.
Sau sự kiện Laika bay vào vũ trụ, Mỹ cũng đưa một chú tinh tinh tên Ham vào không gian. Ham sống sót trước những tác động khôn lường của quá trình bay, dọn đường cho Alan Shepard (1923-1998) trở thành người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ tháng 5/1961.
Lịch sử ngành du hành vũ trụ cũng không quên lưu danh những nữ phi hành gia tiên phong của mình. Đầu tiên phải nhắc đến nữ toán học Kinda Johnson, người có công rất lớn trong việc tính toán chi tiết quỹ đạo chuyến bay giúp John Glenn trở thành người Mỹ đầu tiên bay vòng quanh Trái Đất năm 1962.
Không đứng ở hậu trường như nữ toán học Kinda Johnson, phi hành gia người Liên Xô Valentina Tereshkova ghi tên mình vào lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên bay lên quỹ đạo Trái Đất năm 1963.
Hai thập kỷ sau, Sally Ride trên tàu con thoi Challenger đã trở thành nữ phi hành gia Mỹ đầu tiên bay lên vũ trụ.
Cha đẻ ngành du hành vũ trụ hiện đại, nhà khoa học lý thuyết người Nga Konstantin Tsiolkovsky (1857-1935) tin rằng, định mệnh của loài người là chinh phục vũ trụ để khám phá thế giới chứa đựng vô vàn bí mật và thú vị của không gian, từ đó làm biến đổi sâu sắc bộ mặt của cuộc sống loài người.
Đầu những năm 1900, ông đã tìm ra phương trình giúp con người thoát khỏi lực hút của Trái Đất. Ông cũng tưởng tượng các tên lửa đẩy lên Mặt Trăng sẽ hoạt động như thế nào: Sử dụng hỗn hợp nhiên liệu lỏng và đốt cháy nhiều giai đoạn.
Không hẹn mà trùng ý tưởng, cả Hermann Oberth và Robert Goddard đã đưa ra kết luận tương tự. Năm 1926, Robert Goddard, người Mỹ, đã chế tạo và phóng tên lửa nhiên liệu lỏng đầu tiên. Cũng trong khoảng thời gian đó, Hermann Oberth, sống ở Đức, đã xác định tên lửa nhiều tầng đóng vai trò quan trọng cho các chuyến bay không gian.
4 thập kỷ sau, những ý tưởng của “bộ ba” Konstantin Tsiolkovsky – Hermann Oberth – Robert Goddard trở thành hiện thực bùng nổ khi thế hệ tên lửa đẩy Saturn V khổng lồ nâng cánh giúp các nhà phi hành đoàn của Apollo thoát khỏi lực hút Trái Đất, tiến thẳng lên Mặt Trăng.
Với chiều cao 111 mét và được cung cấp nhiên liệu là hydro lỏng, oxy lỏng và dầu hỏa, Saturn V là tên lửa mạnh nhất từng được chế tạo, được mệnh danh là tên lửa Mặt Trăng.
Dưới thiết kế của Wernher von Braun (một nhà khoa học tên lửa của Đức Quốc xã, người đã chuyển phần lớn đội ngũ của mình sang làm việc cho Mỹ sau Thế chiến II), Saturn V có 3 tầng, có khả năng kéo dài sử dụng nhiên liệu lỏng.
Nhiều năm về sau, ngành sản xuất tên lửa đẩy (tên lửa vũ trụ) vẫn còn nhiều chi phối từ phương trình của Konstantin Tsiolkovsky, tuy nhiên, chưa có tên lửa nào đủ mạnh để làm lu mờ Saturn V – phương tiện giúp con người tiến gần đến các vì sao hơn bao giờ hết.
Trong thập niên 1960, Mặt Trăng vẫn là một thế giới bí ẩn. Để khám phá địa hình của vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái Đất này, NASA đã cho các tàu Apollo hạ cánh ở nhiều địa điểm khác nhau trên Mặt Trăng, bao gồm các vùng đồng bằng tối, hố va chạm, cao nguyên..
Từ năm 1969 đến năm 1972, các phi hành gia Mỹ đã hạ cánh tại 6 địa điểm trên Mặt Trăng, mỗi địa điểm được chọn đều nhằm phục vụ cho các mục tiêu khoa học khác nhau.
Tất cả các địa điểm hạ cánh của NASA đều ở nửa nhìn thấy của Mặt Trăng, đây là vùng đã được các quỹ đạo Mặt Trăng nghiên cứu kỹ càng. Trong 4 năm, các phi hành gia của NASA đã mang về tổng 382kg vật chất Mặt Trăng về Trái Đất nghiên cứu.
Một mẫu vật Mặt Trăng ký hiệu 15016, được bảo quản trong một tủ thép không gỉ chứa đầy khí nitơ tinh khiết. Nguồn: Trung tâm Không gian Johnson của NASA.
Khoa học công nghệ phát triển đã chắp cánh cho con người khám phá Mặt Trăng và nhiều vệ tinh/hành tinh khác nhau trong Hệ Mặt Trời. Bằng việc phóng những tàu thăm dò không có người lái, chúng ta có thể nhìn được những vùng đất xa xôi khác trong Thái Dương Hệ.
Các thế hệ tàu thăm dò đã khám phá 60 mặt trăng khác nhau, thậm chí đổ bộ thành công xuống mặt trăng Titan của sao Thổ.
50 năm kể từ khi hạ cánh lên Mặt Trăng, ISS là nơi thứ hai loài người ở trong không gian. Tổng 12 phi hành gia Mỹ thuộc Chương trình Apollo đã đổ bộ Mặt Trăng, Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi con người ghé thăm Mặt Trăng lần cuối vào năm 1972, ngoài các trạm vũ trụ quay quanh Trái Đất, con người chưa từng đặt chân đến bất cứ một nơi nào khác trong vũ trụ.
Trong 8 năm qua, kể từ khi NASA từ bỏ chương trình con thoi, cách duy nhất để đưa một phi hành gia người Mỹ đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là “đi nhờ” Roscosmos (Cơ quan vũ trụ Nga) với tấm vé khứ hồi giá 82 triệu USD.
Robot tự hành sao Hỏa Curiosity của NASA. Nguồn: NASA
Cái đáng quý nhất của con người đó là không ngừng khám phá và sáng tạo. Bên cạnh việc phóng những trạm nghiên cứu quay quanh Trái Đất, con người liên tục gửi đi những tàu robot để khám phá bề mặt sao Hỏa, nghiên cứu sao Mộc và tìm hiểu về Thái Dương Hệ – ngôi nhà khổng lồ chúng ta đang sinh sống – giúp mang lại những bức ảnh và kho dữ liệu đáng kinh ngạc.
Nếu như Liên Xô và Mỹ hồi thế kỷ 20 có công mở ra kỷ nguyên khám phá vũ trụ cho loài người thì bước sang thế kỷ 21, cả nhân loại đang bước vào buổi bình minh của kỷ nguyên định cư ngoài không gian, tiến đến tương lai của loài người liên hành tinh (loài người sống ở hành tinh khác).
Đầu năm 2019, Trung Quốc đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên đổ bộ tàu thăm dò Chang’e-4 thành công xuống nửa tối của Mặt Trăng – thành tựu mà cả Mỹ và Liên Xô chưa từng đạt được.
Không chịu thua kém, Mỹ tất yếu bước vào cuộc đua thế kỷ 21 lên Mặt Trăng bằng tham vọng đưa người quay lại vệ tinh này, thậm chí xây căn cứ trên Mặt Trăng nữa. Nga, ESA (Cơ quan vũ trụ châu Âu), Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, cùng một số cơ quan vũ trụ tư nhân như SpaceX (của tỷ phú Elon Musk), Blue Origin (của tỷ phú Jeff Bezos)… đều đang nuôi hy vọng chinh phục Mặt Trăng sau những năm 2020.
Nguồn dữ liệu: NASA, USGS; NASA/JPL, Đại học Arizona (Mỹ), Carnegie Institution of Washington. Thiết kế gốc: Matthew W. Chwastyk/National Geographic Masthead Staff
Blue Origin của tỷ phú giàu nhất hành tinh (năm 2019) Jeff Bezos khiến cả thế giới chấn động với thông báo hồi tháng 5/2019 rằng công ty này đang xây dựng tàu đổ bộ Mặt Trăng có tên Blue Moon. Tỷ phú Jeff Bezos đã gọi Blue Moon là một “phương tiện phi thường”, nó có thể chở tới 7 tấn hàng hóa và có thể đưa các phi hành gia đổ bộ Mặt Trăng vào năm 2024.
Tại sao chúng ta đổ bộ Mặt Trăng? Ở thời thế kỷ 20, câu trả lời là vì tự hào dân tộc và khám phá khoa học; nhưng cũng cùng câu hỏi này, câu trả lời trong thời đại này đã có phần thay đổi, hay ít ra là trọng tâm của sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng đã chuyển hướng nhằm phục vụ cho những lợi ích, lợi nhuận nhất định.
Đó là lý do, không chỉ có các cơ quan vũ trụ mang tầm quốc gia hay châu lục như NASA, ESA, mà các công ty vũ trụ tư nhân của các tỷ phú thế giới cũng nhận thấy lợi ích trên Mặt Trăng.
Thứ nhất, Mặt Trăng là một “mỏ trời” dồi dào khoáng sản quý hiếm. Không tự nhiên mà các nhà khoa học ví Mặt Trăng là “Vịnh Ba Tư của Thái Dương Hệ”. Không chỉ chứa vàng, bạch kim cùng nhiều kim loại quý khác, Mặt Trăng còn được cho là chứa “vựa” Helium-3 khổng lồ. Đây là nguyên liệu cực kỳ quý hiếm và đắt đỏ trên Trái Đất, được sử dụng cho các tên lửa đẩy hạt nhân trong tương lai.
Thứ hai, Mặt Trăng chỉ mang 1/6 trọng lực của Trái Đất, do đó, so với việc cất cánh từ Trái Đất của chúng ta, một tên lửa đẩy không phải mất quá nhiều năng lượng để đưa một con tàu cất cánh từ Mặt Trăng ra ngoài không gian.
Tựu chung 2 lý do này, (Mặt Trăng vừa cung cấp nhiên liệu vũ trụ, đồng thời vừa là nơi cất cánh cho tàu vũ trụ dễ dàng hơn trên Trái Đất) Mặt Trăng đã nằm trong tầm ngắm chiến lược không gian tương lai của nhiều quốc gia khi họ biến nó trở thành “trạm không gian” để thực hiện các sứ mệnh khám phá vũ trụ sâu hơn.
NASA không có mốc thời gian cụ thể để con người đổ bộ Hành tinh Đỏ. Trong khi đó, cơ quan này cũng nhiều quốc gia khác đang đặt trọng tâm là đưa con người trở lại Mặt Trăng như một cách để chứng minh tiềm lực kinh tế, tiến bộ khoa học thời đại mới.
Thomas O. Paine, người đứng đầu NASA năm 1969, từng tin tưởng rằng, loài người sẽ đặt chân lên sao Hỏa và các mặt trăng của sao Mộc trong những năm đầu thế kỷ 21. Dự đoán của Thomas O. Paine vẫn có thể trở thành sự thật, vào dịp kỷ niệm 100 năm Sứ mệnh Apollo 11.
Khát vọng giải mã bí ẩn không gian hứa hẹn đưa con người đến những chân trời mới. Ảnh mang tính minh họa/Nguồn: Mediumjessebravo
Với cột mốc 50 năm lần đầu tiên bước lên Mặt Trăng, con người đã bước sang Thời đại vũ trụ 2.0. Trong tương lai, nhờ tiến bộ khoa học cùng những khát khao thông hiểu vũ trụ của loài người, chúng ta sẽ tiếp tục bước đến các thời đại vũ trụ 3.0, 4.0… để khám phá không những Mặt Trăng, sao Hỏa mà còn nhiều hành tinh, vệ tinh khác trong Thái Dương Hệ; xa hơn nữa là các ngoại hành tinh có kích thước và tính chất tương tự Trái Đất.
Tỷ phú Elon Musk là một người hết lòng vì sứ mệnh đổ bộ sao Hỏa. Ông ấn định thời điểm tàu vũ trụ của SpaceX đổ bộ Hành tinh Đỏ là năm 2024.
Tháng 4/2019, chính phủ Mỹ cho rằng để phải đến năm 2034, NASA mới có thể hội đủ ngân sách cùng tiến bộ công nghệ để đưa người đổ bộ sao Hỏa.
“Mặt Trăng là đích đến định hình hiện tại. Còn sao Hỏa là mục tiêu thế kỷ định hình tương lai.” – Jim Bridenstine, người đứng đầu NASA kết luận.
Tựu chung lại, giới khoa học luôn đau đáu về “ngôi nhà” liên hành tinh mà con người có thể tìm và tạo dựng cuộc sống tại đó. Bởi trong một tương lai rất xa, một ngày nào đó, Mặt Trời sẽ chết, Trái Đất cũng lụi tàn vì những vấn đề thời sự như thiên thạch khổng lồ, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, dân số quá tải, chiến tranh, dịch bệnh…
Đó là lý do, những nhà khoa học có bộ óc mang tầm vũ trụ đã phải nghĩ đến một “Trái Đất 2.0” để giống nòi của loài người có cơ hội sống sót và bảo tồn trong vũ trụ bao la.
Hành trình ấy… còn rất dài nhưng chứa đầy hy vọng!
Chuyển ngữ từ: National Geographic