Máy bay trinh sát không người lái Orlan-10 trên chiến hạm Uragan
Sự bổ sung máy bay trinh sát không người lái Orlan-10 sẽ giúp cho những chiến hạm Karakurt – Dự án 22800 nâng cao đáng kể khả năng trinh sát tầm xa.
Uragan (số hiệu 567) là chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu tên lửa tấn công nhanh tàng hình cỡ nhỏ Karakurt – Dự án 22800 của Hải quân Nga, con tàu chỉ có lượng giãn nước 800 tấn nhưng được trang bị hệ thống vũ khí cực mạnh, sánh ngang với nhiều chiến hạm hàng ngàn tần.
Trên tàu Uragan, phía sau cabin chỉ huy có cụm bệ phóng thẳng đứng đa năng UKSK mang 8 tên lửa hành trình Kalibr-NK, đi kèm với đó là pháo hạm AK-176MA cỡ 76,2 mm với tháp pháo thiết kế dạng tàng hình hóa, phía sau đuôi tàu là 2 pháo bắn nhanh AK-630M cỡ 30 mm.
Một điều đáng tiếc của chiếc Uragan đó là con tàu chưa được tích hợp 4 tấm radar mảng pha quét chủ động AFAR vốn được mệnh danh là mini Aegis như các tàu “chị em”, bên cạnh đó module tên lửa – pháo phòng không Pantsir-M vẫn vắng bóng.
Tàu tên lửa tấn công nhanh Uragan số hiệu 576 lớp Karakurt – Dự án 22800 của Hải quân Nga
Có vẻ như Hải quân Nga nhận thấy sự thua thiệt của chiếc Uragan so với những con tàu cùng lớp mà gần đây họ đã quyết định sẽ bổ sung cho chiếc chiến hạm này một khí tài mới, giúp nâng cao khả năng trinh sát tầm xa của nó, đó chính là máy bay không người lái Orlan-10.
Orlan-10 là loại UAV cỡ nhỏ triển khai từ ray phóng, khối lượng cất cánh chỉ 15 kg với tải trọng hữu ích 6 kg, nó sở hữu tốc độ bay 90 – 150 km/h, bán kính điểu khiển hoạt động trong khoảng 180 – 200 km, trần bay 5.000 m, hoạt động liên tục được trong vòng 16 – 18 tiếng.
Nhà sản xuất thông báo, Orlan-10 là một thành phần thuộc hệ thống giám sát và trinh sát trên không của Quân đội Nga với khả năng lập bản đồ 3D và xử lý các hoạt động tác chiến.
Do được thiết kế theo cấu trúc module nên Orlan-10 sẽ lựa chọn mang theo camera ảnh nhiệt, máy ảnh, máy thu phát vô tuyến… khi thực hiện nhiệm vụ.
Máy bay trinh sát không người lái cỡ nhỏ Orlan-10 của Nga
Orlan-10 có khả năng bay tự động và chụp ảnh, chỉ cần nhập tọa độ và độ cao rồi chiếc UAV sẽ tự động hành trình đến vị trí thông qua hệ thống định vị toàn cầu GLONASS hay GPS, thu thập thông tin sau đó mang về nếu vượt quá phạm vi liên lạc của trạm điều khiển.
Nhờ được bổ sung UAV Orlan-10, tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Uragan sẽ nhận biết được các đối tượng tác chiến nằm phía sau đường chân trời vô tuyến điện từ một cách chính xác, từ đó đưa ra phương án hiệu quả hơn trong cách tiếp cận.
Sau quá trình thử nghiệm trên tàu Uragan, khả năng cao là máy bay không người lái Orlan-10 sẽ còn được trang bị cho các chiến hạm Karakurt còn lại cũng như những lớp tàu chiến cỡ nhỏ khác, ví dụ như lớp Buyan-M – Dự án 21631.
Quân đội Nga triển khai máy bay không người lái Orlan-10