Ở Sài Gòn có vô số nghề độc đáo nhưng để làm giàu từ sự độc lạ ấy thì có lẽ không nghề nào bằng nghề nuôi… ruồi. Nghe có vẻ buồn cười vì loài ruồi luôn bị coi là dịch bệnh ô nhiễm nhưng nhờ nó mà chàng kỹ sư trẻ đã bỏ việc để kinh doanh loài côn trùng này, doanh thu khoảng 80 triệu đồng/tháng.
Nhắc đến ruồi, ai cũng muốn tránh xa, loại bỏ vì nó luôn xuất hiện tại những nơi ô nhiễm, nhưng thời gian gần đây, nhờ loài côn trùng này mà một chàng kỹ sư trẻ ở huyện Củ Chi (TP. HCM) ăn nên làm ra.
Đó là anh Nguyễn Chí Cảnh (28 tuổi, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi), một kỹ sư ngành xây dựng sẵn sàng sàng bỏ công việc ở thành phố để về quê làm giàu từ nghề nuôi… ruồi. Theo anh Cảnh, loài ruồi mà anh nuôi là ruồi lính đen với tên khoa học là Hermetia Illucens, loài côn trùng thuộc họ Stratiomyidae. Nếu tên gọi theo cách thuần Việt: “ruồi lính đen” thì loài côn trùng này giống như đội quân lính đi làm việc để làm giàu cho người nông dân.
Khu vực chuồng nuôi nhộng ruồi được anh Cảnh thiết kế toàn bộ bằng vải bạt để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, việc nuôi ruồi lính đen cũng cần giữ nhiệt độ ổn định từ 25-37 độ để chúng phát triển tốt.
Nhiều người thích thú với mô hình nuôi ruồi lính đen lấy trứng nên đã tìm đến trang trại anh Cảnh học hỏi quy trình nuôi.
Về cơ duyên đến với nghề “kinh doanh ruồi”, anh Cảnh cười vì ban đầu khi anh định bỏ việc xây dựng với thu nhập 10 triệu đồng/tháng để về quê nuôi ruồi thì ai cũng cười nhạo anh. Thậm chí, gia đình anh đều phản đối mạnh mẽ, nhưng anh vẫn bảo vệ quan điểm quyết tâm kinh doanh ruồi. Anh muốn tự làm giàu bằng khả năng của mình, tự làm chủ chứ không muốn làm thuê cho người khác.
“Trong một lần tình cờ nói chuyện với bạn bè, tôi biết đến nghề nuôi ruồi và cảm thấy rất hứng thú. Sau khi tìm hiểu kỹ về cách nuôi và hiệu quả kinh tế thì tôi quyết bỏ việc xây dựng về quê nuôi ruồi luôn. Tôi tận dụng không gian dưới tán rừng cao su để nuôi ruồi lính đen. Sau đó nhận thấy hiệu quả nên cuối năm 2018, tôi làm hẳn một trang trại nuôi ruồi tại đây”, anh Cảnh chia sẻ.
Hiện trang trại của anh chủ yếu tập trung sản suất trứng ruồi để bán. Còn nhộng ruồi lính đen cung cấp cho các trang trại làm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng trong chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản… Một kg trứng ruồi lính đen có thể nở và phát triển thành 3 – 4 tấn nhộng.
Chàng kỹ sư trẻ bỏ nghề kỹ sư xây dựng để quyết tâm làm giàu nhờ nuôi ruồi lính đen.
Anh Cảnh cho hay, trung bình mỗi tháng anh thu khoảng 4 kg trứng ruồi lính đen với giá bán từ 15 – 20 triệu đồng/kg, kiếm khoảng 80 triệu/tháng. Với mức doanh thu như thế này, anh Cảnh tự tin mô hình kinh doanh ruồi sẽ thành công hơn nữa trong tương lai.
Loài ruồi thông thường sẽ tự tìm thức ăn ôi thiu để bám vào, thì ruồi lính đen có nguồn thức ăn cũng gần như tương tự. Theo anh Cảnh, thức ăn chính của ruồi lính đen là các loại rác thải hữu cơ như rau củ quả, các loại bã đậu nành, bã củ mì, cơm thừa.
“Ruồi lính đen bố mẹ sẽ tự chết sau khi hết vòng đời, chúng sẽ được tận dụng làm phân bón hữu cơ. Còn lượng phân sau khi dùng nuôi ấu trùng sẽ chuyển thành phân bón hữu cơ phục vụ trồng rau và hoa quả chất lượng cao”, anh Cảnh chia sẻ thêm.
Chàng trai trẻ cũng cho biết loài ruồi này khi trưởng thành có màu đen, dài 12–20mm, có vòng đời khoảng 40 ngày, bắt đầu từ trứng, ấu trùng, nhộng và cuối cùng lột xác thành ruồi lính đen. Ruồi trưởng thành chỉ sống được khoảng 1 tuần rồi chết. Ruồi cái trưởng thành đẻ từ 500 – 800 trứng.
Chàng trai trẻ sở hữu trang trại ruồi lính đen hàng trăm ngàn con. Mô hình kinh doanh mới lạ ở Sài Gòn.
Trứng ruồi lính đen được bán với giá từ 15-20 triệu đồng/kg.
Anh Cảnh đang thu hoạch trứng ruồi để chờ khách đến lấy.
Tuy nhiên anh sẽ để lại một số lượng trứng ruồi để ấp. Trứng ruồi sẽ được cho vào hũ nhựa để ấp khoảng 5-7 ngày, khi lớn đến cỡ đầu chiếc tăm sau đó chuyển đến chỗ khác để nuôi.
Ấu trùng đã trải qua nhiều giai đoạn mới lớn như thế này (khoảng 18 ngày). Ấu trùng khi chuẩn bị đóng kén sẽ chuyển sang màu đen.
Công đoạn thu hoạch ấu trùng.
Khi ấu trùng đã đóng kén hết sẽ bỏ vào các khay đựng để nuôi đến lúc nở thành ruồi lính đen.
Đây là bên trong khu vực nuôi ruồi lính đen đã trưởng thành để đẻ lấy trứng.
Khu vực đẻ trứng. Khi ruồi chuẩn bị đẻ chúng sẽ tìm đến các giá thẻ đã được chuẩn bị từ các thanh gỗ để đẻ trứng. Bình quân mỗi con ruồi sẽ đẻ từ 500-800 trứng.
Cận cảnh con ruồi lính đen trưởng thành, không gây hại cho môi trường và con người dù tiếp xúc trực tiếp.
Dưới tán rừng cao su, trang trại nuôi ruồi lính đen của anh Cảnh sẽ tiếp tục mở rộng thêm hàng ngàn mét vuông, hứa hẹn sẽ phát triển hơn nữa.