Bốn tên không tặc đều đã chết nhưng câu hỏi đặt ra là bọn chúng có đồng phạm hay không, ai là kẻ chủ mưu?
Chân dung kẻ chủ mưu
Chiếc máy bay số hiệu 501 của Hàng không dân dụng Việt Nam hạ cánh an toàn sau vụ gần 52 phút đấu trí căng thẳng của phi hành đoàn với những tên không tặc trên bầu trời. Tất cả hành khách đều bảo toàn được tính mạng.
Ban chuyên án ngay lập tức được thành lập để điều tra vụ án. Và câu hỏi mà ban chuyên án đặt ra là cả 4 tên không tặc Châu Đình Dũng, Trần Văn Thảo, Chênh Sênh Công, Châu Đình Kính đều đã tử vong. Bọn chúng có đồng bọn hay không? Bằng cách nào bọn chúng đưa được vũ khí lên máy bay?
Phi hành đoàn trên chiếc máy bay số hiệu 501 của Hàng không dân dụng Việt Nam trong vụ không tặc năm 1978
Những câu hỏi ấy liên tục được đặt ra trong những cuộc họp của ban chuyên án vụ án. Ban chuyên án nhận định bọn chúng chắc chắn có đồng bọn cùng tham gia vụ việc nhưng việc điều tra vô cùng khó khăn.
Ông Ngô Văn Liêu (nguyên Phó trưởng Công an huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ) và ông Huỳnh Xuân (nguyên Tổ phó tổ bảo vệ chính trị Công an huyện Hòa Vang) là những cán bộ điều tra vẫn nhớ như in nhận định của ông Nam Hà (nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) lúc đó là một trong những chỉ huy ban chuyên án.
Ông Hà nhận định vụ án này đặc biệt nghiêm trọng nên quyết tìm ra chân tướng đứng ở đằng sau.
Ông Nam Hà (trái), một trong những chỉ huy điều tra vụ không tặc
Tìm gặp ông Nam Hà, ông cho hay, quá trình điều tra bắt đầu bằng việc rà soát danh sách hành khách có mặt trên chuyến bay bị không tặc. Danh tính 4 tên không tặc gồm Châu Đình Kính, Trần Văn Thảo, Chênh Sênh Công và Châu Đình Dũng và hồ sơ lý lịch, các mối quan hệ nhanh chóng được các trinh sát tìm hiểu.
Ngoài ra, các hành khách khác trên chuyến bay đều có thông tin rõ ràng. Trinh sát được cử về địa chỉ thường trú của từng hành khách để xác định nhân thân.
Trong số hàng chục hành khách, xuất hiện anh nông dân Lý Quảng (trú xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Anh Quảng là nông dân, điều kiện kinh tế không đủ để có thể mua vé máy bay.
Làm việc với cơ quan điều tra, Quảng cho hay chưa từng đi máy bay lần nào. Anh Quảng cho biết bị mất giấy tờ tùy thân trước khi vụ không tặc diễn ra khoảng hai tuần nhưng không trình báo với công an việc mất CMND.
Khu vực cầu Cẩm Lệ ngày nay, nơi 2 tên không tặc tử vong khi lao từ không trung ra khỏi máy bay
“Từ chi tiết này chúng tôi chắc chắn có kẻ đã mượn danh anh Quảng để mua vé máy bay rồi lên chuyến bay đó. Đầu mối vụ án dần được hé mở nên mọi người trong ban chuyên án đều rất nỗ lực làm rõ”, ông Nam Hà nói.
Hồ sơ trinh sát thu thập được càng nhiều thì kẻ mạo danh anh Quảng càng nhanh chóng được xác định. Đó chính là Nguyễn Văn An (trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
An bị bắt ngay sau đó để tiến hành điều tra nhưng liên tục quanh co chối tội và cho rằng không liên quan đến vụ không tặc. Nhưng trước những chứng cứ mà cơ quan điều tra đưa ra, An đành cúi đầu nhận tội.
Y nguyên là đại úy công binh ngụy và cũng chính là kẻ chủ mưu vụ cướp máy bay. Trong vụ không tặc, An là một trong những hành khách bị thương nặng nhất do mìn nổ. Do vậy, y nghĩ rằng đó chính là bằng chứng ngoại phạm tuyệt vời trước khi bị vạch mặt.
Đền tội
Ngay sau khi bị bắt, An nhanh chóng khai ra đồng bọn lên kế hoạch cướp chiếc máy bay số hiệu 501 của Hàng không dân dụng Việt Nam nhằm mục đích lái ra nước ngoài. Ngoài An và và 4 tên không tặc đã chết còn có Huỳnh Thị Sương, Phan Ngọc Huệ, Hồ Thị Trúc Mai và Cao Văn Sơn.
Những người này đều có mặt trên máy bay khi vụ cướp diễn ra. Bọn chúng ngồi im trên ghế để tiếp ứng khi cần thiết. Tuy nhiên, khi vụ việc thất bại, chúng nhanh chóng trà trộn vào các hành khách khác như nạn nhân để thoát thân và trốn tránh sự điều tra.
Cơ quan điều tra sau đó đã khám xét nhà tên An và thu được nhiều vật chứng, tài liệu liên quan đến vụ án. Kết thúc điều tra, lực lượng CA tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Viện kiểm sát quân sự Trung ương để truy tố trước Toà. Cơ quan điều tra sau đó đã khởi tố vụ án và bắt giam toàn bộ nhóm không tặc để đưa ra xét xử.
Diễn tập chống khủng bố. Ảnh minh họa
Ngày 4/10/1978, Tòa án Quân sự đã diễn ra phiên tòa xét xử An và đồng bọn. Tại tòa, An khai nhận vào đầu tháng 6/1978 đã gặp Châu Đình Kính tìm hiểu và biết được ý đồ của nhau.
Cả hai cùng lên kế hoạch tổ chức việc cướp máy bay để trốn ra nước ngoài. An và Kính còn móc nối thêm một số đối tượng khác là Dũng, Thảo, Công để phân công nhiệm vụ thực hiện vụ không tặc.
An là người đứng ra chịu trách nhiệm lo giấy tờ và vé máy bay cho đồng bọn. Ngoài ra, An dụ dỗ Huệ, Sương, Trúc Mai và Sơn tham gia đóng góp tiền bạc với lời hứa vụ việc thành công sẽ đưa ra nước ngoài sinh sống.
Để đưa được vũ khí lên máy bay, An lên kế hoạch ngụy trang vũ khí vô cùng bất ngờ khiến lực lượng an ninh sân bay không thể ngờ tới. An tìm mua lựu đạn, súng rồi rồi giấu trong một bức tượng làm bằng thạch cao.
Bức tượng được đặt trong hộp với dòng chữ ghi bên ngoài : “xin nhẹ tay, dễ bể – Ty giáo dục Quảng Nam-Đà Nẵng kính tặng phòng Học vụ thành phố Hồ Chí Minh”. Nhóm không tặc dễ dàng đưa vũ khí lên chuyến bay với màn ngụy trang là món quà tặng.
Kết thúc phiên tòa, Toà án Quân sự xử tuyên phạt Nguyễn Văn An mức án tử hình. Các tên đồng bọn của An lãnh mức án từ 2 đến 8 năm tù.