Champions League trở lại, nhưng hố sâu ngăn cách đang dần “giết chết” giải đấu

Tại sao Ajax lại được nhiều CĐV yêu mến khi vào tới bán kết mùa giải trước? Bởi họ đem tới niềm tin hiếm hoi cho các đội bóng nhỏ ở giải đấu mà hố ngăn cách giàu nghèo thể hiện quá rõ.

1. Đấu trường Champions League sẽ trở lại vào hôm nay, và hàng loạt những câu hỏi cũng như dự đoán cũng đã theo đó mà xuất hiện: Liệu Liverpool có thể bảo vệ được chiếc vương miện của họ? Liệu Pep Guardiola có ngừng nhồi nhét vào đội bóng của ông những triết lý quá phức tạp và sau 9 năm chờ đợi, cuối cùng cũng sẽ được nâng cao chức vô địch Champions League thứ ba trong sự nghiệp cầm quân của mình?

Liệu Juventus có thực hiện được ước mơ xưng vương tại đấu trường châu Âu với sự trợ giúp của Cristiano Ronaldo? Liệu Barcelona và Real Madrid có tiếp tục thể hiện một sức mạnh áp đảo trong những trận đấu của mình?

Liệu Paris Saint-Germain sẽ tiếp tục … thua ngược và trở thành một trò cười trước cái tên nào? Nhưng quan trọng nhất, là khi nào những trận đấu khốc liệt, gay cấn mới thực sự bắt đầu.

Liệu chúng ta có thể được chứng kiến những trận đấu kết thúc một cách vô cùng ngoạn mục, hoành tráng và tạo ra những dư âm trong suốt một thời gian dài sau đó? Ở mùa giải trước, chỉ có duy nhất một đội đủ nỗ lực và biết cách xoay sở để có thể vượt mặt một đội bóng có doanh thu hàng năm cao hơn họ ở vòng bảng.

Năm trước nữa, đã có 4 đội loại được những đối thủ có doanh thu hàng năm cao hơn họ ra khỏi cuộc chơi. Trong tổng số 48 đội đã lọt được vào vòng knock-out của ba mùa giải gần nhất, chỉ có 6 đội không bị khuất phục trước sự chênh lệch về sức mạnh tài chính và vượt qua những đối thủ được đánh giá cao hơn để tiến vào vòng trong.

Theo các tỷ lệ cược của nhà cái, các bảng A, B, D và E đều được xem là có thể định đoạt được kết cục ngay từ đầu. Chỉ có bảng F là được đánh giá rằng sẽ xuất hiện một “cuộc chiến 4 chiều” đúng nghĩa, khi mà nhà vô địch nước Nga Zenit được xem là chỉ nhỉnh hơn các đội còn lại một chút.

Điều đó có nghĩa là trong 7 bảng đấu còn lại, sẽ có 84 trận đấu để xác định xem liệu hệ thống pressing tầm cao của Atalanta có thể vượt qua được một Shakhtar đã không còn được dẫn dắt bởi Paulo Fonseca hay không, liệu Antonio Conte có thể tập trung đủ tâm huyết vào Internazionale để thách thức Borussia Dortmund hay không.

Và liệu Valencia có thể vượt qua được sự hỗn loạn sau khi sa thải huấn luyện viên của họ, Marcelino, trong tuần qua để đánh bại Ajax hay không.

Hoặc nói cách khác, có đến 6 trong 8 bảng đấu có một đội được dự đoán về khả năng đứng đầu bảng thấp đến mức có tỷ lệ cược là 50-1 (1 ăn 50). Khả năng về việc nhà vô địch của Cộng Hòa Cezch, Slavia Prague có thể cầm hòa Barcelona, Dortmund và Inter cũng là một việc gần như bất khả thi với tỷ lệ cược là 100-1.

2. Đây chính là mặt tiêu cực của Champions League: Nhóm các “siêu câu lạc bộ” có sức mạnh hoàn toàn vượt xa những đội còn lại đã không còn là “thiểu số” nữa.

Điều đó có nghĩa là sẽ có một nhóm các đội tham dự vào giải đấu hàng đầu châu Âu với tư tưởng hoàn toàn vô vọng về việc được lọt vào vòng sau và chỉ mong đợi những lợi ích thu được bên ngoài sân cỏ thông qua việc được góp mặt ở đấu trường danh giá nhất châu Âu.

Ví dụ, Dinamo Zagreb đã giành được đến 13 chức vô địch Croatia trong 14 mùa giải gần nhất; và trong khoảng thời gian đó, họ chỉ giành được tổng cộng… 4 điểm sau các trận vòng bảng tại đấu trường Champions League. Thua cuộc, nhận tiền thưởng, rời cuộc chơi, về quê nhà, vô địch giải quốc nội và lặp lại cái vòng tuần hoàn đó hết mùa này qua mùa khác.

Champions League trở lại, nhưng hố sâu ngăn cách đang dần giết chết giải đấu - Ảnh 1.

Nhiều mùa giải qua, và cả mùa giải năm nay, loạt trận vòng bảng của Champions League đã diễn ra theo một cách rất thiếu cân bằng

Có lẽ Dinamo và các đội bóng khác cùng cấp độ với họ đã cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn với tình trạng hiện tại.

Họ có thể kiếm được rất nhiều tiền mà không cần phải quá nỗ lực và vẫn duy trì được vị thế bá chủ ở giải quốc nội, trong khi lại có thêm được một đấu trường đầy hào nhoáng và lý tưởng để có thể “quảng cáo” những tài năng trẻ mà họ đang sở hữu nhằm mục đích bán đi với giá cao để kiếm lời.

Như một báo cáo mà UEFA đã đưa ra vào mùa hè này đã cho thấy, các đội bóng nằm ngoài 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu thực sự “nhập cuộc” ở đấu trường châu Âu đang giảm mạnh, cùng với đó là sự chú ý đang dần đổ dồn toàn bộ vào những đội bóng trong “giới đẳng cấp cao”.

Và các câu lạc bộ lớn trong giới “thượng đẳng” dường như cũng hoàn toàn hài lòng với tình trạng này. Bản thân bóng đá là một môn thể thao được trình diễn và nhìn nhận trên sân cỏ, đó là một sự thật phải luôn được ghi nhớ – thế nhưng, ở hiện tại, cái tư tưởng đó đang dần không còn quá được xem trọng nữa.

Giám đốc điều hành của Real Madrid, ông Jose Ángel Sánchez, nhận định rằng các câu lạc bộ đang phải tự xem mình giống như Disney, với tư cách là các nhà sản xuất nội dung.

Trong khi đó, các trận đấu vòng bảng của Champions League lại cung cấp một nguồn nội dung na ná: Phấn khích khi Cristiano Ronaldo lập hattrick! Thích thú khi Neymar khiến các hậu vệ cánh khốn khổ! Kinh ngạc khi Lionel Messi vượt qua 4 hậu vệ đối phương!

Các clip ngắn trên Youtube hiếm khi truyền tải một sự thật rằng, những gương mặt đang bị hành hạ kia chỉ là những cầu thủ được trả lương hàng tuần ít hơn hàng trăm lần so với các ngôi sao hàng đầu đang tỏa sáng trước họ.

Nhưng cái logic không thể chối cãi của chủ nghĩa tự do kinh tế trong bóng đá đã tạo ra những sự ảnh hưởng rõ rệt. Champions League đã khiến những câu lạc bộ vốn đã giàu lại càng thêm giàu hơn, đến mức mà các danh hiệu quốc nội đã hoàn toàn trở nên vô nghĩa đối với họ.

Đó là lý do vì sao Juventus lại quyết định đánh cược với Ronaldo vào mùa giải trước, chi ra đến 100 triệu Euro để mang về một cầu thủ 33 tuổi, mà theo như họ thấy, là có đủ đẳng cấp để tạo ra một thứ sức mạnh đáng sợ trên hàng công để giúp họ có thể được chạm vào chiếc cúp châu Âu lần đầu tiên kể từ năm 1996.

Khi chiến dịch “chinh phạt” châu Âu tiếp theo đã kết thúc với thất bại ở vòng tứ kết trước Ajax, huấn luyện viên Max Allegri, mặc dù đã giúp họ giành được 5 chức vô địch Serie A liên tiếp, đã phải thu dọn hành lý ra đi.

Champions League trở lại, nhưng hố sâu ngăn cách đang dần giết chết giải đấu - Ảnh 2.

Trong khi những đội bóng nằm ngoài 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu có xu hướng “buông” Champions League, thì những đội bóng hàng đầu châu Âu lại đặt tham vọng rất lớn ở đấu trường này, và điều đó lại càng khiến cho sự chênh lệch, mất cân bằng trở nên lớn hơn

Nhìn chung, bối cảnh trên cũng mang một cái “chất” rất đặc biệt, lấy những chủ đề đã quá quen thuộc về tham vọng và quyết tâm, đặt chúng bên cạnh một Ronaldo vẫn đang thi đấu với một phong độ cực kì cao và luyện tập ở cường độ như một vận động viên đang ở độ tuổi trẻ trung, sung sức nhất dù cho đã bước sang giai đoạn cuối của sự nghiệp.

Không thể phủ nhận, đó là một content hết sức tuyệt vời. Nhưng về mặt bóng đá, không may thay, nó lại khiến cho chúng ta phải đến tận tháng Hai mới có thể được chứng kiến những trận đấu thực sự hấp dẫn giữa các “siêu câu lạc bộ”.

Ít ai ngờ rằng, giới “đẳng cấp cao” của bóng đá châu Âu cũng đang rất muốn thay đổi định dạng của Champions League, mà cụ thể nhất, chính là đề xuất gần đây của chủ tịch Juventus, Andrea Agnelli về một giải đấu gồm 4 bảng đấu, mỗi bảng có 8 đội.

Champions League rõ ràng cần phải được thay đổi. Một vòng bảng có đến 80% các trận đấu là vô nghĩa trong khi chỉ làm cho sự bất cân bằng được tạo ra từ khả năng tài chính càng trở nên lớn hơn và rõ ràng hơn, sẽ không thể nào đứng vững được.

Hãy nhìn vào Premier League, rõ ràng, yếu tố khiến cho giải đấu này trở nên nổi tiếng như hiện tại, chính là việc ngoài khả năng marketing đỉnh cao ra, thì đây còn là một giải đấu rất khó dự đoán hơn bất cứ giải vô địch quốc gia nào khác ở châu Âu. Chắc chắn, giải vô địch hàng đầu nước Anh sẽ là một tấm gương, một bài học mà Champions League cần nhìn vào và học hỏi.