Ngăn chặn hành động thao túng tỷ giá sẽ là một biện pháp giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại toàn cầu tuyệt vời.
Donald Trump có lý khi phàn nàn về việc người nước ngoài đang “huỷ hoại” nước Mỹ trong lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên trong khi tổng thống Mỹ mải miết theo đuổi bóng ma thuế quan và thoả thuận thương mại, vấn đề thực sự là thao túng tiền tệ.
Vào những năm 1990 và 2000, nhiều quốc gia, nổi bật nhất là Trung Quốc, đã dìm giá đồng nội tệ của họ nhằm duy trì mức thặng dư thương mại lớn. Và đổi lại là tình trạng thâm hụt ở Mỹ (và Anh). Động thái thao túng tiền tệ là một trong những nguyên nhân thúc đẩy quá trình đi xuống của nhiều nhà sản xuất phương Tây và góp phần gây ra khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ngày nay, một số quốc gia vẫn thao túng tiền tệ. Ngăn chặn hành động này sẽ là một biện pháp giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại toàn cầu tuyệt vời. Tuy nhiên, không may rằng Tổng thống Trump lại châm ngòi chuỗi chiến tranh thuế quan vô ích, trong khi có một cơ hội vàng để hình thành một liên minh mới chống thao túng tiền tệ và chấm dứt tình trạng này mãi mãi.
Hầu hết những nhà thao túng tiền tệ trước đây, bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản, không còn ép giá đồng tiền của mình nữa. Thêm vào đó, lợi ích cơ bản của những cường quốc Đông Á này đã thay đổi: họ sẽ mất nhiều hơn nếu các quốc gia khác thao túng tiền tệ.
Theo Joseph Gagnon và Tessa Morrison từ Viện Peterson, bảy nền kinh tế xuất khẩu không có tài nguyên (gồm Thuỵ Sĩ, Ma Cao, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Israel và Thái Lan) đã thao túng tỷ giá trong giai đoạn từ 2015-2017. Ở mức độ nhẹ hơn nhưng Hàn Quốc và Thuỵ Điển cũng có thể được thêm vào danh sách. Mỗi trường hợp có mức độ khác nhau, nhưng kết quả là giống nhau.
Một số đã đạt được mức thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ. Theo IMF, mức thặng dư của Đài Loan đạt 14,5% GDP năm 2017, của Singapore là 18,8% và Thái Lan là 10,6%. Thặng dư của quốc gia này sẽ là thâm hụt của quốc gia khác.
Trong suốt những năm 2000, Bắc Kinh đã thao túng đồng nhân dân tệ ở mức độ đáng kinh ngạc, nhưng tới năm 2015, quốc gia này đã bán dữ trự ngoại hối nhằm ngăn chặn dòng vốn bị rút ra ồ ạt và hỗ trợ tỷ giá. Đồng nhân dân tệ đã giảm mạnh vì chiến tranh thương mại trong thời gian qua, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy lần giảm giá này là do áp lực thị trường và Trung Quốc đang nỗ lực ngăn đồng tiền này giảm giá thay vì chủ động giảm giá nhân dân tệ như trước.
Liệu Trung Quốc có tiếp tục thao túng tiền tệ quy mô lớn trong tương lai? Khả năng là rất thấp. Trung Quốc hiện đã là một cường quốc kinh tế hùng mạnh, do đó, can thiệp tỉ giá hối đoái không còn dễ dàng như trước kia. Thao túng tiền tệ có thể gây tháo vốn; và để ngăn chặn tháo vốn cần áp dụng những biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt mới. Ép giá tiền tệ có thể là một biện pháp trả đũa hấp dẫn trước thuế quan của Trump, nhưng đó không còn là lợi ích dài hạn lớn nhất của Trung Quốc.
Thao túng tiền tệ cũng không còn giúp đem lại lợi ích tốt nhất cho Nhật Bản. Đôi khi, Tokyo đe doạ ép giá đồng yên, nhưng từ bỏ biện pháp này là tốt hơn cả. Là chủ nợ lớn nhất thế giới với cơ cấu dân số già hoá nhanh, Nhật Bản sẽ không thu được lợi nếu cố tình làm cho giá các mặt hàng xuất khẩu thấp một cách giả tạo.
Nếu Trump tiếp tục áp thuế quan, sẽ rất khó để chú tâm tới chính sách tiền tệ; nhưng nếu G20 mong muốn tìm điểm chung với tổng thống Mỹ, họ có thể cân nhắc đề cập tới chính sách tiền tệ.
theo FT