Hàng chục năm nay, bà Cúc vẫn lặn lội khắp nơi để thu nhận xác thai nhi bị bỏ rơi về chôn cất. Từ những lần như thế, bỗng chốc bà cũng đã trở thành bà mẹ “bất đắc dĩ” của 3 cháu bé. Trong số đó, có 2 bé sinh đôi khi mẹ các cháu phải đi “xây dựng hạnh phúc mới”.
“Thấy các ‘con’ nằm nơi xú uế tôi không kìm được lòng nên phải đưa về”
Căn nhà nhỏ của bà Đỗ Thị Cúc, 48 tuổi tại làng Phú Đa (xã Công Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) nằm sâu trong một con ngõ ở vùng thôn quê. Những chiếc tiểu nhỏ được xếp nằm chồng chất bên một góc nhà.
Những chiếc tiểu nhỏ được xếp nằm chồng chất bên một góc nhà bà Cúc.
Vẫn như mọi ngày, bà Cúc thường rong ruổi khắp các bệnh viện, ngõ ngách để tìm kiếm những thai nhi bị bỏ rơi hay phá bỏ rồi quấn gói cẩn thận. Trung bình mỗi tháng, bà gói ghém được hơn 300 thai nhi để trôn cất cẩn thận.
Vợ chồng bà Cúc có 4 người con, 2 trai và 2 gái. Người con lớn đang trong thời gian đi bộ đội, con thứ hai đi làm lao động tự do cùng với bố ở gần nhà, 2 người con út đang theo học trung học.
Kinh tế cũng không thuộc dạng khá giả nhưng chồng và các con bà luôn ủng hộ bà làm công việc này suốt hơn 10 năm nay.
“Trời còn cho tôi sức khỏe thì tôi còn đi đón các con về”.
Bà Cúc đến với việc cứu rỗi các linh hồn thai nhi như một cơ duyên. Vào năm 2009, trong một lần đi nhặt rác bà đã phát hiện 7 thai nhi bị vứt bỏ trong túi nilon.
“Hôm đó tôi ra bãi rác đang lượm nhặt rác thì vô tình phát hiện một túi nilon nhìn khác lạ, mở ra thì trong đó có 7 thai nhi. Nhìn thương xót quá nên tôi quyết định mang về chôn cất.
Do là lần đầu tiên làm việc này, chưa có kinh nghiệm nên hôm đó trên đường về tôi chỉ kịp mua một ít khăn trắng để gói các con rồi mấy hộp nhựa để chôn cất tử tế”, bà Cúc trầm tư nhớ lại.
7 thai nhi đầu tiên được bà Cúc đem về chôn cất.
Từ đó, cứ mỗi lần ra bãi rác, bà đều phát hiện thấy có thai nhi bị vứt bỏ: “Thấy các ‘con’ nằm nơi xú uế như vậy, không kìm được lòng nên phải đưa về”.
Những ngôi một chôn cất hàng chục nghìn sinh linh do bà Cúc đón về.
Khu chôn cất đang mở rộng dần ra do mỗi tháng bà Cúc đón về khoảng hơn 300 thai nhi.
Cứ như vậy, bà làm công việc này trong âm thầm rồi dần tìm đến các bệnh viện, phòng khám thai ở những vùng lân cận để “xin nhận xác thai nhi về an táng”.
Thời gian đầu khi bà đến các các phòng khám cả trong và ngoài tỉnh để xin xác những hài nhi xấu số về chôn cất gặp rất nhiều khó khăn, cùng với nhiều lời gièm pha, dị nghị. Sau khi nghe bà thuyết phục bản thân làm việc này vì mục đích tâm linh, tình thương nên các bác sĩ cũng đã trao các em cho bà.
Bà Cúc nhớ lại những ngày tháng gian nan bắt đầu làm công việc nhặt xác thai nhi.
Từ đó, những cuộc điện thoại gọi bà đến nhận xác hài nhi cũng tăng dần lên. Thời gian đầu chưa có xe máy, bà vẫn đạp xe hàng chục km đi đón các “con” về không quản thời tiết mưa gió, giá lạnh.
Những bộ quần áo được người dân, nhà chùa ủng hộ cho các thai nhi do bà Cúc chôn cất.
“Lần làm tôi nhớ nhất là ở Hưng Yên, đang trên đường về thì thấy đôi trai gái đó xách một túi bóng đen đi xe máy phía trước tôi. Khi đến gần bãi rác bên đường thì 2 người này vừa đi xe vừa quăng xuống ven đường.
Tôi cũng không biết đó là gì nhưng thấy linh cảm không lành nên dừng lại, đôi này liền phóng xe đi luôn. Mở ra thì xót lắm, đứa bé nằm trong 2 lớp túi nilon nặng 2,7kg, tôi mà đuổi được thì tôi sẽ đuổi theo bắt mang về chôn cất rồi”, bà Cúc xót xa.
Bà Cúc kể lại những kỷ niệm đáng nhớ sau 10 năm làm công việc này.
Bên cạnh việc mang các thai nhi về chôn cất, bà cũng thường khuyên nhủ mọi người giữ lại thai nhi mỗi khi họ có ý định phá bỏ. Tính đến nay, bà đã khuyên nhủ thành công 79 trường hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Trở thành bà mẹ bất đắc dĩ của 3 đứa trẻ
Tính đến thời điểm hiện tại, bà Cúc đã chăm sóc, nuôi nấng 3 đứa bé từ khi mới lọt lòng. Trong đó, 2 bé trai sinh đôi vào năm 2014 là bé Trần Bảo Quốc và Trần Bảo Khánh và bé út là Đỗ Thị Hồng Ân.
Bé Trần Bảo Quốc và Trần Bảo Khánh được bà Cúc chăm sóc từ nhỏ.
Hai bé chụp ảnh cùng gia đình.
“Lúc đầu, mẹ các con định bỏ đi nhưng sau tôi khuyên ngăn mãi nên giữ lại. Sau khoảng 5 tháng, mẹ chúng nó lại muốn phá đi nhưng tôi bảo cố giữ thêm mấy tháng cho các bé được ra, sau không nuôi được thì tôi nuôi cho. Sau đó tôi nhận 2 bé về nuôi.
Đến giờ, chúng nó đều đã lớn cả rồi nhưng 2 đứa mắt bị lé bẩm sinh nên không chữa được. Nhiều lúc tôi trêu chúng nó ‘mẹ đen thế, vớ ngay phải 2 đứa mắt lé’ thì chúng nó leo lẻo miệng ‘con đâu có bị lé đâu, vẫn nhìn được đó’. Giờ nghĩ lại thấy vui lắm”, bà Cúc kể.
Bé Đỗ Thị Hồng Ân rất ngoan ngoãn, không quấy khóc mẹ bao giờ.
Đứa bé thứ 3 là cháu Đỗ Thị Hồng Ân bà nhặt được vào buổi tối trên một triền đê: “Lúc đó khoảng 9h tối, tôi đang đi qua đoạn gần bờ đê Yên Lệnh, gần cầu Yên Lệnh (bắc qua sông Hồng, nối 2 tỉnh Hưng Yên và Hà Nam) thì nghe thấy tiếng khóc.
Chạy lên thì thấy cháu, trên người cháu chỉ có một chiếc khăn quấn, một bộ quần áo lọt lòng và một cái mũ lọt lòng. Bên người không có giấy tờ gì bên người cả”.
Khi được bà Cúc mang về nuôi, bé Ân chỉ nặng 3kg.
Do vừa mới sinh thì bị bỏ rơi, bé Ân được bà đưa đi cắt lại dây rốn cẩn thận. Như hiểu được tấm lòng của bà Cúc, khi về nhà bé rất ngoan, chỉ ăn và ngủ chứ không hề quấy khóc. Tính đến nay, bé Ân đã được 10 tháng tuổi.
Theo bà Cúc, ông trời còn cho bà sức khỏe thì bà sẽ vẫn còn đi khắp các ngõ ngách để đón các em về. Bà cũng mong sao “các bà mẹ sẽ ngừng bỏ rơi con mình”.