Giống như bức tường Vạn Lý Trường Thành năm xưa, Đại Tường Lửa là bức tường ảo ngăn sự thâm nhập của các luồng thông tin trên thế giới tới Trung Quốc.
Nhắc đến internet Trung Quốc không thể không nhắc đến hệ thống kiểm duyệt nội dung phức tạp và tinh vi nhất thế giới về nội dung số: Great Firewall – Đại Tường Lửa – biệt danh lấy cảm hứng từ bức tường Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng của Trung Quốc.
Với 854 triệu người dùng internet, số người trực tuyến tại Trung Quốc thậm chí còn nhiều hơn gấp đôi dân số Mỹ. Nhưng đối với đa số người dùng, hệ thống kiểm duyệt và chặn kết nối tinh vi trên là nguyên nhân khiến cho không phải website nào nổi tiếng của thế giới cũng có thể truy cập được tại Trung Quốc.
Cái tên Đại Tường Lửa không phải là tên chính thức do chính phủ Trung Quốc đặt ra. Cái tên này xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí Wired vào năm 1997 và sau đó nó trở thành thuật ngữ phổ biến cho đến tận ngày nay.
Khởi đầu của việc kiểm soát internet
Trên thực tế, Đại Tường Lửa này không xuất hiện ngay từ những ngày đầu của internet Trung Quốc. Nó bắt đầu xuất hiện khoảng 10 năm sau khi email đầu tiên được gửi đi từ Trung Quốc. Sau khi nước này bắt đầu truy cập được vào hệ thống world wide web vào năm 1994, các quán café internet bắt đầu mọc lên như nấm sau mưa tại các thành phố lớn. Dần dần, cả cư dân mạng Trung Quốc lẫn chính phủ đều nhận ra rằng, các luồng thông tin trực tuyến có thể có tác động lớn đến chính trị.
Do vậy, chính phủ Trung Quốc nhận ra rằng họ cần phải hành động. Vào năm 1996, họ bắt đầu có những bước đi đầu tiên nhằm kiểm soát internet.
Năm đó, chính phủ Trung Quốc ban hành Mệnh lệnh của Hội đồng Nhà nước có tên “Quy định tạm thời về điều chỉnh Mạng thông tin máy tính và Internet“. Nó yêu cầu mọi luồng kết nối tới internet phải được chuyển tới các cổng quốc tế được thiết lập và duy trì bởi Bộ Bưu chính Viễn thông, đặc biệt không một nhóm hoặc cá nhân nào được thiết lập hoặc sử dụng bất kỳ phương tiện nào khác để giành quyền truy cập internet.
Mệnh lệnh này cũng làm tiền đề cho việc kiểm soát chặt chẽ hơn trong tương lai.
Ông Fang Xinbing, người được cư dân mạng Trung Quốc xem là “Cha đẻ của Đại Tường Lửa”.
Năm 1998, khi mới có khoảng gần 2,1 triệu người Trung Quốc đang sử dụng internet, chính phủ đã cho thấy rõ rằng họ nghiêm túc thế nào về việc kiểm soát các hành vi trực tuyến. Trong năm đó, một kỹ sư phần mềm đã bị tống vào tù vì chia sẻ 30.000 địa chỉ email Trung Quốc tới một tạp chí tại Mỹ.
Để xây dựng cả hệ thống kiểm duyệt nội dung tinh vi phức tạp như hiện nay, chắc chắn một người không thể làm được. Nhưng đối với cư dân mạng Trung Quốc, người thường quy cho là “Cha đẻ của Đại Tường Lửa” này là ông Fang Binxing.
Theo một cuộc phỏng vấn với trang tin Global Times năm 2011, vốn là một giáo sư về khoa học máy tính tại Viện Công nghệ Harbin, ông Fang trở thành nhà thiết kế trưởng của dự án sau này được biết đến với cái tên Đại Tường Lửa từ năm 1998.
Có rất ít thông tin được công khai về dự án này, nhưng các báo cáo cho thấy, nó được Trung tâm Điều phối/Kỹ thuật Ứng phó Khẩn cấp về Mạng máy tính Quốc gia Trung Quốc (CNCERT hay CNCERT/CC) phát triển. Tổ chức này được cho thành lập vào năm 1999 và trực thuộc Bộ Công nghệ và Công nghệ Thông tin (MIIT).
Màn thử lửa đầu tiên của Đại Tường Lửa: Google
Từ thời điểm này, việc kiểm soát internet của Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn. Cùng thời điểm này, Google ra mắt cỗ máy tìm kiếm của họ với phiên bản bằng tiếng Trung Quốc vào năm 2000. Tuy nhiên, nó thường chạy chậm, không ổn định và bị chặn trong khoảng 10% thời gian. Năm 2002, lần đầu tiên Google bị chặn hoàn toàn ở quốc gia này, nhưng nó chỉ kéo dài trong 9 ngày.
Một người dọn dẹp đang quét dọn logo Google Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng Một năm 2010.
Cỗ máy tìm kiếm của Google bị chặn một lần nữa vào năm 2013. Theo trả lời phỏng vấn của ông Fang, đó cũng là năm Đại Tường Lửa của Trung Quốc bắt đầu trực tuyến.
Trung Quốc chưa bao giờ tiết lộ công khai các chi tiết kỹ thuật về Đại Tường Lửa này, nhưng các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã nghiên cứu nó và kết luận rằng nó chứa nhiều kỹ thuật bên trong, bao gồm chặn các địa chỉ IP, tấn công DNS và lọc các đường link URL cũng như các từ khóa cụ thể bên trong đường link URL đó. Tuy nhiên, việc lọc các từ khóa và đường link URL ngày càng khó hơn khi giao thức mã hóa HTTPS đang ngày càng trở nên phổ biến.
Nhưng cũng giống như mạng lưới web, Đại Tường Lửa là một hệ thống phức tạp với nhiều tầng, nhiều lớp khác nhau và liên tục tiến triển. Điều này làm những người bên ngoài dự án khó có thể hiểu một cách chính xác cách nó hoạt động. Các nhà nghiên cứu nhận thấy cơ chế chặn internet của Trung Quốc thường xuyên thay đổi để đáp ứng với các tình huống khác nhau, và chúng có thể thay đổi dựa theo nhà cung cấp internet và theo từng vùng.
Cư dân mạng Trung Quốc còn chẳng buồn lách qua Đại Tường Lửa
Sau nhiều năm, số lượng website bị chặn tại Trung Quốc đã vượt xa con số 10.000. Danh sách đen này bao gồm cả các cái tên như Facebook, Instagram và WhatsApp. Bên cạnh đó còn có các trang tin nổi tiếng như Bloomberg, Wall Street Journal và New York Times. Tất nhiên là còn có Google và toàn bộ dịch vụ của họ. Các ứng dụng chia sẻ như Dropbox cũng bị chặn.
Dù dịch vụ VPN có rất nhiều tại Trung Quốc nhưng cũng chỉ có một tỷ lệ nhỏ người dùng quan tâm đến chúng.
Trong khi nhiều người cho rằng Đại Tường Lửa này sẽ ngăn cản sáng tạo và đổi mới tại Trung Quốc, nhiều người khác cũng cho rằng nó giúp các công ty công nghệ trong nước giảm được sự cạnh tranh, dẫn tới việc tăng trưởng nhanh cho những người khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Baidu, Tencent, cùng với nhiều sản phẩm công nghệ độc đáo khác hướng tới người dùng trong nước.
Mặc dù vậy, với những người thích truy cập các trang tin bị chặn hay ngắm Instagram của các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, họ sẽ phải dùng đến các công cụ như VPN hay các proxy Shadowsocks để qua mặt tường lửa. Tuy nhiên, hệ sinh thái công nghệ đang nở rộ trong nước khiến cư dân mạng Trung Quốc không còn nhiều lý do để vượt qua bức tường này. Các báo cáo từ những nhà nghiên cứu và các trang tin cho thấy đa số mọi người không mấy quan tâm đến việc này.
Ngay cả khi hầu hết những công cụ này đều miễn phí, cư dân mạng Trung Quốc cũng không muốn sử dụng chúng. Một cuộc khảo sát của New York Times nhận thấy gần một nửa trong số 1.000 sinh viên đại học tại Bắc Kinh không sử dụng các công cụ miễn phí để qua mặt Đại Tường Lửa. Thậm chí nhiều người còn chẳng dành thời gian đọc các tin tức bị kiểm duyệt.
Trung Quốc cũng có nhiều dịch vụ internet thay thế cho sản phẩm quốc tế, làm nhu cầu qua mặt Đại Tường Lửa của cư dân mạng Trung Quốc không còn nhiều.
Một nghiên cứu năm 2014 về chặn internet và hành vi người dùng còn kết luận rằng mọi người sẽ tiếp tục sử dụng các website trong nước ngay cả khi Đại Tường Lửa được gỡ bỏ bởi vì sự ưu tiên cho những gì gần gũi với văn hóa của người dùng.
Những kẽ hở của Đại Tường Lửa
Như mọi bức tường khác, dù cho phức tạp và tác động lớn đến thế nào đi nữa tới hành vi của người dùng, Đại Tường Lửa không phải không có kẽ hở. Ngay cả người sáng tạo ra nó, ông Fang Xinbing cũng rất cởi mở khi nói về những vấn đề của nó.
Trong cuộc phỏng vấn với Global Times vào năm 2011, ông cho biết hệ thống này đang dần chậm chạp hơn và cần được cải thiện. Theo ông Fang, hậu quả là nó đang có hiệu năng nghèo nàn, và nhiều lúc không chính xác. Nó lọc bỏ cả các thông tin được xem là gây hại cũng như không gây hại.
Chính ông Hu Xijin, Tổng biên tập của Global Times, một trang tin nhà nước cũng phải lên Weibo phàn nàn rằng, việc thắt chặt kiểm soát internet đang ảnh hưởng đến tờ báo của ông trước thềm kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Mặc dù vậy, không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ sẽ nới tay khi các website nước ngoài tiếp tục bị chặn tại quốc gia này. Trong tháng Sáu năm nay, các trang tin như Washington Post và The Guardian tiếp tục bị đưa vào danh sách đen của nước này. Một ví dụ đáng chú ý khác là Twitch, nền tảng streaming trực tiếp game đã bị chặn từ tháng 9 năm 2018.
Nhưng có lẽ người dùng Trung Quốc cũng không quá tiếc nuối nền tảng này. Tại quê nhà họ có thể sử dụng Douyu hoặc Huya, hai nền tảng đang được hưởng lợi Đại Tường Lửa của Trung Quốc.
Tham khảo AbacusNews