Theo đó, sim rác có thể hiểu là sim không chính chủ hoặc được kích hoạt dưới tên của người khác, sử dụng cho nhiều mục đích xấu như: giả danh công an, giáo viên, cơ quan thuế, tòa án, nhà mạng… để gọi điện thực hiện các chiêu thức lừa đảo; không những vậy sim rác còn “lộng hành” đến cả việc vu khống và đòi nợ thuê.
Các đối tượng lừa đảo “núp” dưới nhiều hình thức. (Ảnh minh họa)
Với mong muốn loại bỏ được vấn nạn số điện thoại rác, sim rác, những năm gần đây các công ty viễn thông liên tục thực hiện nhiều biện pháp “khai tử sim rác” cụ thể như: năm 2021 đã thu hồi được 1,1 triệu sim rác; năm 2022 tiến hành kiểm tra 7 doanh nghiệp viễn thông di động cả nước; đặc biệt, trong năm 2023 Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức ra quyết định khóa các thuê bao di động không chuẩn hóa thông tin cá nhân từ ngày 31-3-2023. Lợi dụng vấn đề trên, các đối tượng xấu gia tăng các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liệu đến bao giờ sim rác chính thức bị xóa sổ vẫn là một câu hỏi lớn.
Trên thực tế, để dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo một số đối tượng còn sử dụng giọng nói tự động, yêu cầu thực hiện chủ thuê bao thao tác nhấn phím công cụ hoặc kèm theo đường link yêu cầu họ cập nhật thông tin chủ thuê bao điện thoại. Sau khi có đầy đủ thông tin các đối tượng thực hiện hành vi chiếm quyền sử dụng sim, đồng thời sử dụng app giao dịch chuyển tiền khỏi tài khoản của khách hàng để chiếm đoạt.
Chia sẻ với PV, anh T. L ở phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa cho biết: “Theo tôi, tình trạng mua bán sim rác vẫn còn phổ biến, việc mua được một hay nhiều sim cùng lúc không phải điều khó; bạn có thể mua với các mức giá rẻ và không cần điều kiện chính chủ hay phải có chứng minh Nhân dân như trước. Nên khó có thể kiểm soát được tình trạng sim rác và cũng tình trạng lừa đảo qua điện thoại hay trên mạng ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Mới đây, vào tuần trước là gọi điện mạo danh giáo viên, nhà trường mà tuần này đã là mạo danh nhà mạng. Phải nói các đối tượng này liên tục thay đổi phương thức và ngày càng tinh vi hơn. Người dân như chúng tôi khó mà cảnh giác kịp thời.”
Các cuộc gọi giả danh nhà mạng ngày càng nhiều. (Ảnh minh họa)
“Giờ đây, khi mạng xã hội phát triển không ít những cá nhân vô tư hay sơ ý chia sẻ các thông tin cá nhân như số điện thoại, nơi ở, CCCD, tài khoản ngân hàng… hoặc khai báo khi sử dụng các app tiện dụng, giao dịch thương mại điện tử, tham gia trò chơi trực tuyến cũng như khi truy cập trang quảng cáo trên các website cũng có thể trở thành “miếng mồi béo bở” của tội phạm mạng. Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải cho việc người dân liên tục nhận được các tin nhắn, cuộc gọi bất chợt mời chào vay tiền, mua nhà, mua chứng khoán, tham gia các khóa học… Hoặc lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của học sinh, sinh viên những đối tượng lừa đảo với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao” chia sẻ về vấn nạn trên, chị L.O cho hay.
Các đối tượng giả danh nhà mạng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Để góp phần ngăn chặn vấn nạn trên, nhiều nhà mạng và các cơ quan chức năng đã đưa ra khuyến cáo trên các phương tiện truyền thông nhằm giúp người dân tỉnh táo trước chiêu trò lừa đảo của các đối tượng qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội… Bản thân mỗi cá nhân cần ý thức bảo mật thông tin cá nhân của chính mình cũng như người thân khi tham gia không gian mạng, không nhẹ dạ, cả tin mà “sập bẫy” của kẻ xấu.
Lan Phú
Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/an-ninh-trat-tu/canh-giac-voi-nhung-chieu-tro-lua-dao-gia-danh-nha-mang-tu-sim-rac/181713.htm