Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đặt tiệc nhà hàng

Hiện nay có rất nhiều chiêu thức lừa đảo khác nhau, trong đó nổi cộm về thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo quản lý, nhân viên nhà hàng giả đặt tiệc, đặt mua rượu và quà theo thông tin đối tượng cung cấp, từ đó các đối tượng liên kết với nhau để chiếm đoạt tài sản.

Cảnh giác hành vi lừa đảo đặt tiệc tại các nhà hàng và giao dịch qua mạng xã hội. (Ảnh minh hoạ)

Cảnh giác hành vi lừa đảo đặt tiệc tại các nhà hàng và giao dịch qua mạng xã hội. (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể, vào ngày 7/3, tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai tài khoản zalo của chị B.N.P.T (quản lý nhà hàng Song Trang Rose Garden, huyện Long Thành) nhận được tin nhắn từ tài khoản zalo Văn Hiệp với nội dung đặt các món đặc sản tại nhà hàng cho 30 khách ăn tối trong ngày 7/3.

Đối tượng này, tự giới thiệu là nhân viên của một công ty Hàn Quốc và là khách thường xuyên đặt tiệc tại nhà hàng. Sau khi hai bên thống nhất nội dung đặt tiệc, đối tượng Hiệp chỉ định cần một loại rượu vang dùng cho buổi tiệc, tất nhiên loại rượu này nhà hàng không có, mặc dù nhà hàng đã liên hệ nhiều nơi nhưng vẫn không tìm thấy loại rượu khách yêu cầu.

Đúng như kế hoạch, Hiệp gửi cho T. số điện thoại 036.2484784 nơi bán loại rượu theo yêu cầu. Thấy thông tin người bán rượu tại TP. Biên Hoà nên T. đã tin tưởng và đặt mua rượu tại đây. Tuy nhiên phía bán rượu yêu cầu chuyển đủ số tiền mua sẽ giao hàng hàng vì đây là giao dịch lần đầu.

Cùng lúc này, đối tượng Hiệp nâng số lượng khách lên 40 người và đặt một lượng lớn nước uống Hồng Sâm của Hàn Quốc để làm quà tặng cho khách dự tiệc. Vì nhà hàng không có, nên T. tiếp tục liên hệ với số điện thoại mà Hiệp cung cấp để đặt mua nước Hồng Sâm.

Để bớt rủi ro, T. đã yêu cầu Hiệp đặt cọc tiền, rồi T. sẽ mua theo yêu cầu. Đến khoảng 17h00 cùng ngày, T. nhận được hình ảnh thể hiện đối tượng Hiệp đã chuyển khoản thành công số tiền 350 triệu đồng. Do chưa nhận được tin nhắn của ngân hàng nên T. đã liên hệ với nhân viên ngân hàng thì được giải thích có thể số tiền đến chậm do chuyển khoản liên ngân hàng.

Để T. rơi vào trạng thái tâm lý bị dồn ép, Hiệp liên tục gọi điện hối thúc và thông báo khách sắp đến nhà hàng dự tiệc. Vì vậy, chị T. đã chuyển tiền mua rượu và quà tặng với tổng số tiền 350.000.000đ.

Sau đó, T. chờ mãi không nhận được rượu như đã hẹn, gọi thì máy liên tục không liên lạc được. Đến giờ khai tiệc cũng không có vị khách nào đến dự. Lúc này, tài khoản Zalo của người đặt tiệc cũng đã chặn T. và xóa bạn bè.

Tương tự trường hợp của T. đầu tháng 3, chị N. (quản lý nhà hàng Ẩm Thực Phương Nam tại huyện Long Thành) đã chuyển 20 triệu đồng tiền mua rượu vào tài khoản do kẻ lừa đảo chỉ định.

Đây là thủ đoạn lừa đảo có tổ chức, rất tinh vi. Chúng sử dụng sim “rác”, cùng nhiều tài khoản Zalo ảo với ảnh đại diện và tên tài khoản phù hợp nên rất khó phát hiện. Đồng thời, chúng còn sử dụng công nghệ thiết kế hình ảnh giả về thông tin đã giao dịch chuyển tiền thành công cho bị hại.

Để tránh những hành vi lừa đảo trên, người dân và tất cả mọi người cần đề cao cảnh giác, nhất là các cơ sở kinh doanh ăn uống và nhà hàng. Từ đó nêu cao tình thần cảnh giác tội phạm khi đối tượng lừa đảo yêu cầu đặt tiệc hoặc giao dịch qua mạng xã hội.