BS Đinh Hữu Nghị cho biết, kết quả đo chỉ số UV ở Hà Nội trong những ngày qua nằm trong khoảng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người.
Chỉ số UV tăng cao
Những ngày qua ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chìm trong nóng nắng. Chỉ số tia cực tím hay còn gọi tia UV rất cao có thể gây hại cho sức khoẻ đặc biệt là mắt và da.
Thời gian gây bỏng da nếu mức độ UV từ ngưỡng 0 – 2 là 60 phút và theo cơ chế tăng dần. Khi tia UV đạt chỉ số lớn hơn 11 thì khả năng gây bỏng cho làn da chỉ còn 10 phút nếu con người tiếp xúc với nắng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu tiếp xúc với tia UV ở mức độ mạnh nhất có thể bị bỏng da cấp tính và nếu tiếp xúc liên tục trong một thời gian dài có nguy cơ cao bị ung thư da thậm chí có thể tử vong.
Nắng nóng ảnh hưởng tới làn da thậm chí ung thư da
Tia UV có trong ánh nắng mặt trời, ngay cả khi chúng ta không cảm thấy nắng thì tia UV vẫn tấn công chúng ta một cách vô hình và lặng lẽ.
Mức độ tia UV đạt cực đại ở thời gian từ 11 đến 14h hàng ngày. Từ đầu mùa hè đến nay chỉ số tia UV ở Hà Nội khoảng 8 – 10 chỉ số và theo dự báo trong khoảng 2 tháng nữa tia UV ở Hà Nội vẫn ở chỉ số rất cao.
Bác sỹ Đinh Hữu Nghị, Giám đốc Trung tâm đào tạo – Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết kết quả đo chỉ số UV ở Hà Nội trong những ngày qua nằm trong khoảng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người.
Bác sĩ Nghị cho rằng trong thời điểm này việc tránh nắng rất quan trọng.
Tia UV nằm trong phổ ánh sáng mặt trời, có bước sóng ngắn có các loại UVA, UVB, UVC. Trong đó UVA là tia gây lão hoá da, ung thư da, UVB gây sạm da, lão hoá da, UVC gây phá huỷ rất nhiều nhưng may mắn loại tia này được hấp thụ và phản xạ bởi tầng ozon nên không thấy ở mặt đất. Hiện nay, các tia UVA và UVB tác động trực tiếp đến da.
Khi tiếp xúc với tia UV gây bỏng da, bỏng nắng, tăng sắc tố da và tiếp xúc lâu dài, UV tác động tới nhân tế bào gây tác động tới nhân tế bào có thể gây ra ung thư da đặc biệt là ung thư tế bào hắc tố nguy hiểm.
Cần có các biện pháp che nắng cho da khi ra nắng
Tại Bệnh viện Da liễu trung ương các bác sĩ nghiên cứu những người làm việc dưới ánh nắng mặt trời thì tỷ lệ ung thư da gấp 1 – 3 lần người bình thường. Trong khi đó ghi nhận tại Bệnh viện Da liễu trung ương ung thư da ngày càng tăng, tỷ lệ phát hiện sớm ung thư da tăng cao do bệnh nhân bắt đầu quan tâm tới các biến đổi trên da.
Chống nắng như thế nào?
Từ đầu mùa hè số bệnh nhân đến khám vì vấn đề liên quan tới da tại bệnh viện Da liễu trung ương tăng 15%. Trong đó có nhiều bệnh nhân đến bệnh viện điều trị bỏng da do nắng nóng.
Trường hợp của chị Nguyễn Vy L. – Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội đến khám trong tình trạng bỏng da nặng. Chị L. kể gia đình chị đi nghỉ mát ở miền Trung. Mặc dù chị đã sử dụng kem chống nắng nhưng vẫn bị bỏng da do nắng.
Về nhà được một tuần, da của chị L. đỏ và lột niêm mạc da kèm theo cảm giác rát ở da. Chị đi khám bác sĩ cho biết da bị bỏng do nắng và đến nay làn da chuyển sang màu thâm do tăng sắc tố. Quá trình điều trị phải mất 6 tháng mới có thể phục hồi do da tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài và da tăng sắc tố.
Bác sĩ Nghị cho biết nhiều người có quan niệm sai lầm trong việc chống nắng. Họ cho rằng việc chống nắng chỉ cần che chắn là đủ hoặc khi trời râm mát không cần chống nắng nhưng trên thực tế ngay cả trời râm cũng cần chống nắng.
Nếu chống nắng chỉ bằng đội mũ, đeo khẩu trang thôi vẫn chưa đủ mà cần sử dụng kem chống nắng. Việc sử dụng kem chống nắng đúng cách, đủ liều lượng và số lần bôi rất quan trọng. Bôi không đủ liều, không lặp lại thì việc kem chống nắng không còn tác dụng.
Khi chỉ số UV cao lên tới 10 thì nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF trên 30 +++ trở lên, kem chống nắng cần chống được cả tia UVA và UVB…
Ngoài ra, quan niệm cứ mặc áo dài, đội mũ nhưng áo, mũ không đủ dày, không đúng màu sắc thì việc cản tia UV cũng không có tác dụng.
Việc đeo kính râm cản tia UV thì cũng giúp chống lại tăng sắc tố da. Bác sĩ Nghị cho biết có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc đeo kính râm không chỉ bảo vệ mắt mà còn bảo vệ da.
Bởi vì khi ánh nắng chiếu trực tiếp vào mắt qua cơ chế sinh học cơ thể sinh ra các sắc tố melamin gây sạm da nên việc đeo kính râm cũng có tác dụng giảm tăng sắc tố trên da. Kính râm phải đảm bảo chống tia UV vì kính đen bình thường vẫn không đạt được tác dụng.