Theo báo cáo nhanh ngày 8/9 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên trong ngày và đêm 08/9, mưa to đến rất to tập trung ở khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Cảnh báo, từ ngày 7-9/9, ở Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên thượng lưu các sông Bắc Bộ từ 1-3m; thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình từ 3-6m, hạ lưu từ 2-4m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ thượng lưu sông Thao và sông Lô có khả năng lên mức báo động 1; đỉnh lũ ở thượng lưu các sông Thanh Hóa đến Quảng Bình lên mức báo động 1 – báo động 2, hạ lưu các sông ở mức báo động 1 và dưới báo động 1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ ở vùng núi Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình: cấp 1.
Về tình hình lũ lớn trên sông Cửu Long, mực nước sông Cửu Long đang biến đổi chậm. Mực nước lúc 7h00 ngày 08/9 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu 4,02m (trên mức báo động 2 là 0,02m); trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,61m (trên mức báo động 2 là 0,11m).
Dự báo, trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long sẽ lên nhanh. Đến ngày 12/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 4,35m, dưới báo động 3 là 0,15m; tại Châu Đốc lên mức 3,85m, dưới báo động 3 là 0,15m.
Cảnh báo, đến ngày 15/9, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức báo động 3, các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2 – báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt là Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2-3.
Về tình hình thiệt hại về người do thiên tai, hiện vẫn còn 3 người mất tích (Lai Châu: 01 người, Thanh Hóa: 02 người).
Về đê điều, theo báo cáo của Vụ Quản lý đê điều, ngày 04/9/2018, tại Hà Nội, trên tuyến đê tả Đáy tại các đoạn từ K15+965- K15+995 (xã An Thượng, huyện Hoài Đức), K21+710 và K21+850 – K21+950 (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) đã xảy ra sự cố sạt mái đê phía thượng lưu với tổng chiều dài 160m, đỉnh khối sạt tụt xuống từ 0,5-1,0m. Hiện Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Hoài Đức và quận Hà Đông chỉ đạo, tổ chức cắm biển cảnh báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố.
Về công tác di dời, sơ tán người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long: Tỉnh An Giang đã tổ chức di dời, sơ tán 114 hộ dân vùng ngoài đê bao thuộc huyện An Phú, Phú Tân. Tính đến 22h00 ngày 07/9, lũ sớm đã gây thiệt hại cho tỉnh An Giang, Kiên Giang làm: An Giang: 923 ha lúa (98 ha lúa Hè Thu và 825 ha lúa Thu Đông; thiệt hại trên 70%); vỡ 01 cống bảo vệ tiểu vùng sản xuất vụ Thu Đông thuộc huyện Tri Tôn (hiện đã khắc phục); Kiên Giang: 316 ha lúa (thiệt hại trên 70%).
Về sự cố hồ chứa nước thải nhà máy hóa chất DAP ở tỉnh Lào Cai, theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, hồi 12h ngày 7/9, hồ chất thải của Nhà máy DAP số 2 (Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem) tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng (Bảo Thắng, Lào Cai) đã bị sự cố vỡ với chiều dài khoảng 20m, không có thiệt hại về người. Hiện Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng chính quyền địa phương đã xuống hiện trường kiểm tra di dời khẩn cấp 41 hộ dân đến nơi an toàn và tổ chức khắc phục hậu quả.
Hiện tại các địa phương đang khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ, đặc biệt là thông tuyến tại các điểm sạt lở ảnh hưởng đến giao thông; một số tuyến đường vào huyện Mường Lát (Thanh Hóa) dự kiến thông xe vào ngày 8/9/2018.
Để ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, lưu lượng về hồ Sơn La, Hòa Bình và lũ sông Cửu Long, lũ trên các sông, suối nhỏ ở Bình Thuận; chuyển các bản tin tới Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để chủ động các biện pháp ứng phó. Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó.
Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ tiếp tục công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, nhất là khắc phục để học sinh đến trường. Các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, rà soát các phương án để chủ động phòng tránh; tăng cường công tác thông tin truyền thông về tình hình lũ, chỉ đạo từ các cơ quan chuyên môn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1127/CĐ-TTg ngày 31/8/2018; Công điện số 45/TWPCTT ngày 27/8/2018 về ứng phó với lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, học sinh, trẻ em khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ; khẩn trương thu hoạch lúa hè thu và bảo đảm an toàn cho diện tích lúa Thu Đông. Các tỉnh An Giang và Kiên Giang tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó với việc vận hành xả lũ đập tràn Trà Sư, Tha La theo nội dung công văn số 438/TWPCTT-VP ngày 29/8/2018 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam, Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam, Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo, Chi cục Phòng, chống thiên tai miền Nam cung cấp các thông tin dữ liệu, xây dựng các bản đồ ứng phó với lũ; bố trí cán bộ giao ban hàng ngày tại Văn phòng Chi cục phòng, chống thiên tai miền Nam. Đảm bảo an toàn hệ thống đê bao, bờ bao và xử lý sự cố giờ đầu.
Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1127/CĐ-TTg ngày 31/8/2018 về việc phòng tránh và khắc phục hậu quả mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo an toàn chống lũ của hệ thống đê điều. Triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn đặc biệt là các tỉnh Bắc trung Bộ. Tiếp tục huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục, thông tuyến các tuyến đường bị ách tắc, chia cắt do mưa lũ, sạt lở đất tại Thanh Hóa. Các địa phương khu vực hạ du hồ Hòa Bình triển khai phương án đảm bảo an toàn dân cư, đê điều, công trình thủy lợi và các hoạt động trên sông khi hồ xả lũ. Các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp để ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Đối với các hồ chứa khu vực Bắc Bộ, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, các bản tin dự báo, cảnh báo, tiến hành tính toán tham mưu cho Ban chỉ đạo điều hành liên hồ chứa theo quy trình. Hàng ngày có báo cáo về Văn phòng thường trực (qua trực ban) và các Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, các chủ hồ, các đơn vị, các cơ quan phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Đối với các hồ chứa khu vực miền Trung, tổ chức tính toán, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, lưu lượng đến các hồ chứa để sẵn sàng tham mưu cho Ban chỉ đạo điều hành đảm bảo an toàn hạ du./.