Theo PGS TS Phạm Duệ nhiều bệnh nhân ngộ độc Paraquat và đến khi tử vong bệnh nhân vẫn tỉnh táo chỉ là phổi xơ trắng xoá, oxy không vào được và chết.
Những cái chết ám ảnh
Mới đây, Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu 2 bé ngộ độc paraquat do mẹ bé cho vào sữa. Vì mâu thuẫn với chồng người mẹ tìm đến cách tự tử này mong ba mẹ con chết nhưng cuối cùng bé trai 4 tuổi tử vong sau 4 ngày cấp cứu, bé gái vẫn chống chọi với ngộ độc còn người mẹ đã ra viện.
Trước đó, dư luận đặc biệt chú ý quan tâm đến trường hợp bệnh nhân T.T.U (14 tuổi, Cam Lâm, Khánh Hòa) suy đa tạng sau khi uống trà sữa trân châu.
Theo người nhà bệnh nhân cháu U đi mua trà sữa về uống sau đó nôn ói, đau bụng dữ dội kèm theo tiêu chảy. Gia đình của cháu đưa vào viện với những thông tin ban đầu các bác sĩ và gia đình nghi ngờ bé ngộ độc trà sữa.
Bệnh nhân ngộ độc Paraquat nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn tìm đến nó.
Tuy nhiên, khi bé được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cấp cứu thì bệnh nhi T.T.U đã tử vong. Theo các bác sĩ, trong quá trình điều trị, cháu T.T.U cho biết đã uống thuốc diệt cỏ và các kết quả xét nghiệm sau đó khẳng định bé bị ngộ độc thuốc diệt cỏ.
Bé tỉnh táo từ khi uống thuốc đến lúc tử vong là 2 tuần.
Theo báo cáo của Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi năm cả nước có khoảng 1.000 ca tử vong do ngộ độc hóa chất diệt cỏ paraquat. Riêng Trung tâm chống độc số ca tử vong mỗi năm vào khoảng trên 300 ca. Điều đáng nói là số bệnh nhân ngộ độc hóa chất paraquat đều là người trẻ và đang ở độ tuổi lao động.
Những trường hợp nặng có thể tử vong trong vài ba ngày, đại đa phần trong 5-7 ngày. Trường hợp muộn nhất được ghi nhận tử vong là 3 tháng sau khi uống.
Paraquat làm khó bác sĩ như nào?
Theo PGS Phạm Duệ – Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ngộ độc Paraquat nguy hiểm và bệnh nhân chết trong cái ám ảnh của bác sĩ cũng như gia đình.
Hiện nay, với nồng độ paraquat đang pha đóng lọ ở Việt Nam 100ml thì 1 người lớn 50 kg uống 10 ml có thể tử vong vì độc tính rất cao.
Theo PGS Duệ Paraquat vào cơ thể lắng đọng ở phổi gây viêm phổi, suy hô hấp, suy hô hấp bán cấp hoặc mãn tính tuỳ theo mức độ nhiễm nhiều hay ít.
Nếu bệnh nhân uống và suy hô hấp cấp sẽ tử vong rất nhanh.
Còn trường hợp uống ít hơn bị suy hô hấp bán cấp sau vài tuần thì xơ phổi và phổi trắng ra tử vong. Mãn thì vài tháng gây xơ phổi và gây tử vong. Ngoài ra, Paraquat còn gây suy thận, vô niệu và có thể tử vong nhanh chóng
PGS Duệ cho biết nếu người bệnh uống Paraquat vào chưa đủ để viêm phổi sẽ gây suy thận và qua vòng tuần hoàn chất độc trong paraquat lại vào phổi vì trong phổi có các tế bào ái tính với Paraquat và gây xơ phổi dần dần. Các nghiên cứu đã chứng minh lượng paraquat trong phổi bao giờ cũng cao hơn trong máu và không thải ra ngoài.
PGS Phạm Duệ chia sẻ về ngộ độc Paraquat
Chính vì thế, bác sĩ Duệ cho biết có nhiều bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ tự tử và được đưa vào cấp cứu, khi đến bệnh viện bệnh nhân mới thấy mình dại dột. Bác sĩ rửa dạ dày, bệnh nhân thấy mình khoẻ, không còn các triệu chứng buồn nôn, đau rát họng đã hết tưởng mình đã hết ngộ độc. Nhưng sau 5-7 ngày, thậm chí đến 3 tháng sẽ bị suy hô hấp do phổi không nạp được oxy mà chết.
Các bác sĩ chống độc cho rằng ngộ độc Paraquat luôn làm khó các bác sĩ. Vì thuốc ngấm vào phổi, làm xơ phổi, khiến bệnh nhân suy hô hấp. Tuy nhiên, nếu dùng máy thở oxy trợ giúp thì oxy sẽ kết hợp với chất độc Paraquat và tạo thành chất độc hơn, vẫn khiến bệnh nhân tử vong.
Mặc dù, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4D và paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, dựa trên các bằng chứng khoa học khẳng định các hoạt chất này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường. Tuy nhiên đến tháng 2/2019 thuốc này mới được cấm lưu hành.
Theo các chuyên gia chống động cấm sớm ngày nào thì sẽ hạn chế những người bệnh uống thuốc diệt cỏ tự tử. Nếu họ muốn tìm đến cái chết nhưng bệnh nhân sử dụng các phương tiện tự tử khác thì bác sĩ còn cách cứu còn uống diệt cỏ thì rất khó.
Trong các thuốc trừ cỏ chứa 2.4D đều có một lượng chất chlorophenol không được tổng hợp hết gọi là phenol tự do. Chlorophenol có nhiều ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe con người và môi trường sống do trong tự nhiên, Chlorophenol tồn tại tương đối lâu và có thể chuyển hóa thành chất Dioxin.
Chất Dioxin có khả năng kích thích tế bào ung thư phát triển, gây đột biến tế bào và dị dạng cơ thể người và động vật máu nóng.