Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đòi hỏi này có thể rất đáng ngại. Dù gì Kuwait cũng được xem như một đồng minh truyền thống của Mỹ.
Đồng minh của Mỹ “bắt tay” Nga
Giữa thời điểm truyền thông thế giới xôn xao về việc liệu Thỏa thuận Hạt nhân của Iran có chấm dứt hay không thì Kuwait, một quốc gia vùng Vịnh, lại tìm kiếm quyền lợi phát triển năng lực hạt nhân của mình – Nicolai Due-Gundersen, nhà nghiên cứu của Đại học Kingston (London) nhận định trong bài viết trên trang tin Al Bawaba (Ả Rập).
Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đòi hỏi này có thể rất đáng ngại. Dù gì Kuwait cũng được xem như một đồng minh truyền thống của Mỹ. Thế mà, giữa bối cảnh Washington lo ngại về một Iran sở hữu năng lực hạt nhân, cùng những mâu thuẫn với Tổng thống Nga Putin thì Kuwait lại cân nhắc tới tham vọng hạt nhân với sự trợ giúp từ Moscow.
Từ hồi 2010 – khi Iran đối mặt với các lệnh cấm vận Liên Hợp Quốc vì tiến triển trong lĩnh vực hạt nhân của mình, Kuwait và Nga đã ký kết một Biên bản Ghi nhớ (MoU) song phương để cùng nhau phát triển lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Kuwait, kể cả thông qua quá trình thăm dò uranium.
Văn kiện này được mở rộng vào năm 2017, khi Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố, Kuwait có thể xây dựng một nhà máy năng lượng hạt nhân với sự hỗ trợ của Nga.
Trên vũ đài quốc tế, cả Kuwait và Nga đều thực dụng.
Tính thực dụng ấy được Tổng thống Nga Vladimir Putin tổng kết chuẩn xác nhất khi ông bàn tới việc quan hệ quốc tế là trọng tâm trong lịch sử chính trị của nước Nga như thế nào. “Nền quân chủ”, ông nhấn mạnh, “là một di sản được truyền lại từ thời Đế quốc sang thời Liên Xô, cho dù tấm biển trên tòa nhà có thay đổi”.
Mặc dù vẫn tổ chức các sự kiện thể hiện lòng biết ơn đối với Bush cha vì những gì ông đã làm trong giai đoạn Chiến tranh Vùng Vịnh nhưng Kuwait không dùng quá khứ để làm căn cứ cho tương lai. Chiến tranh Vùng Vịnh đã qua rồi.
Bài toán địa chính trị: Cầu nối Kuwait với Trung Quốc
Quan hệ Kuwait – Nga khởi phát từ đầu thế kỷ 19, khi Kuwait tiếp nhận các chiến thuyền của Đế quốc Nga. Kuwait cũng là vương triều Ả Rập đầu tiên công nhận Liên Xô.
Những đề nghị của ông Putin đối với quốc gia này vì thế đang được xây dựng dựa trên lịch sử lâu dài giữa hai bên, chứ không phải chỉ xoay quanh căng thẳng trong khu vực.
Kuwait đang tìm cách hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Ảnh: Arabnews
Xin đừng quên lợi ích chung về năng lượng. Biên bản Ghi nhớ năm 2015 được ký kết giữa người khổng lồ Nga Gazprom và Tập đoàn Xăng dầu Kuwait đã nhấn mạnh rằng, quan hệ giữa hai nước đang được củng cố thông qua lợi ích năng lượng và kinh tế.
Ali Al-Ghanim, Chủ tịch Phòng Thương mại của Kuwait tuyên bố rằng, việc thắt chặt mối quan hệ đối tác này sẽ dẫn tới những cơ hội đầu tư chung.
Tuy nhiên, khả năng tiếp cận nguồn năng lượng và địa chính trị là chủ đề bao trùm trong những mối quan hệ như vậy.
“Mối quan hệ liên quan tới năng lượng giữa Nga và vùng Vịnh rất nổi bật bởi cả hai bên đều có lợi ích chung trong việc tiền tệ hóa giá trị của dầu khí giữa một thế giới đang ngày càng ưu tiên ngành năng lượng carbon thấp”, giáo sư Li Chen Sim của Đại học Zayed (UAE) nhận định.
Điều này rất đúng với Vùng Vịnh nói chung và Kuwait nói riêng, một đất nước vốn đang chật vật cạnh tranh với bộ khung đa dạng hóa kinh tế thông qua du lịch của Dubai và những mô hình kinh doanh của phương Tây. Dầu mỏ và khí đốt chỉ là hàng hóa.
“Tiếp tục cung cấp nhiên liệu hóa thạch cho thế giới sẽ kéo dài thời đại hydrocarbon, cũng như vị trí trung tâm của nó đối với lối sống hiện đại”, Li Chen Sim nói.
Chính sự phụ thuộc vào hydrocarbon là cách để các quốc gia vùng Vịnh hào phóng phân bổ phần thưởng vật chất cho công dân và chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu dầu mỏ. Nga, mặt khác, lại có thể kết hợp nền hòa bình nội tại mà giá dầu có thể mang tới, với nguồn đầu tư của vùng Vịnh vào những mỏ dầu đang giảm sản lượng của mình.
Những mỏ dầu mới được phát triển để bù đắp cho những khu vực đã được khai thác đạt đỉnh và ông Putin dự định làm điều đó với sự giàu có của vùng Vịnh.
Đối với cả Nga và Kuwait, các mối quan hệ của họ còn gây tác động, giúp đa dạng hóa thị trường, tách khỏi thị trường phương Tây, gồm cả Mỹ. Tính đến năm 2016, Nga thế chỗ Ả Rập Saudi trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Trung Quốc.
Mối quan hệ ngày càng phát triển của Kuwait với Nga cũng liên quan tới mối quan hệ của nước này với Trung Quốc. Các thỏa thuận thương mại của Kuwait với Bắc Kinh nhằm mục đích củng cố quan hệ Á-Âu và thúc đẩy sự đa dạng hóa kinh tế của Kuwait mà không phải phụ thuộc vào phương Tây.
Kuwait không cô độc trong chuyện này, khi mà Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đang hướng về phía châu Á, thay vì Mỹ hoặc Anh trong lĩnh vực đầu tư và thương mại dầu khí.
“Châu Á đã bước vào trung tâm thế giới trong việc phát triển các mặt hàng xuất khẩu”, chuyên gia năng lượng Walid Khadurri chia sẻ với Arab Weekly, “GCC là khu vực xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới”.
“Châu Á cần năng lượng để phục vụ cho các ngành công nghiệp sản xuất xuất khẩu của mình, còn GCC thì cần thị trường cho ngành xuất khẩu (năng lượng) ngày càng gia tăng. Mục tiêu của hai khu vực này bổ khuyết cho nhau”.
Là một quốc gia có phần khiêm nhường hơn các người láng giềng vùng Vịnh, Kuwait có thể sử dụng mối quan hệ của mình với Nga (một đối tác có tầm ảnh hưởng chính trị lớn hơn) để thúc đẩy tiếp cận Trung Quốc.
Mỉa mai thay, nếu Thỏa thuận Hạt nhân Iran sụp đổ thì giá dầu của Kuwait vẫn có thể cao. Bản thân Nga đang bị đe dọa cấm vận, nên ông Putin chắc hẳn sẽ hài lòng khi rắc rối của Iran có thể giúp giá dầu của Nga tăng lên phần nào.
Có khi lợi ích từ ngành năng lượng của Nga và Kuwait còn có thể củng cố một mối quan hệ đối tác tách rời phương Tây, với khả năng vượt lên trên chính sách ngăn chặn Iran, sự đa dạng của GCC và một lịch sử dựa trên lợi ích chung.
Khi ông Trump tuyên bố Jerusalem và Cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel, hành động đó đã cho thấy một chính quyền Mỹ đang mất tín nhiệm ở Trung Đông, một thực tế mà nước Nga thừa khả năng nhận thức.
Kuwait đang tìm cách cân bằng mối quan hệ với Mỹ và tình bằng hữu với Nga giữa thời điểm căng thẳng trong khu vực. Ở thời điểm Mỹ tìm cách rút lui khỏi Trung Đông thì Nga sẵn sàng thế vào chỗ trống. Kuwait và cả vùng Vịnh đều vui mừng chào đón sự thay đổi ấy.