Mỹ và Trung Quốc vừa có các quyết định tăng thuế mới nhất lên hàng hóa lẫn nhau, khiến thương chiến thêm căng thẳng. Ảnh: CNN.
Các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến thương mại trở nên căng thẳng hơn và khó bề xoa dịu, khiến cả 2 nhà lãnh đạo rơi vào áp lực chưa từng có.
Thông điệp không rõ ràng
Diễn biến mới nguy hiểm trong cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây ra áp lực đáng ngại cho nền kinh tế toàn cầu tại thời điểm đang phải vật lộn trong cuộc tranh chấp giữa 2 siêu cường thương mại.
Thông báo của Trung Quốc về mức thuế mới đối với 75 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ và phản ứng bực bội của Tổng thống Donald Trump, cùng sự gia tăng nhanh chóng của thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc, càng nhấn mạnh rằng tranh chấp đang leo thang mà không có cách nào xoa dịu.
Liên tiếp các quyết định tăng thuế đã làm tăng đáng kể sự phản đối với Tổng thống Trump, đồng thời có nguy cơ làm tổn hại thêm đến nền kinh tế Mỹ.
“Điều này (việc áp thuế) đã trở thành một quá trình không có mục tiêu rõ ràng và không có chiến lược rõ ràng và không có điểm kết thúc rõ ràng”, Craig Allen, chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ – Trung cho biết.
Tuyên bố của Tổng thống rằng các cuộc chiến thương mại là “tốt và dễ thắng” trong năm 2018 giờ đây thậm chí trở nên tệ hơn và dường như Tổng thống Trump tạo ra cuộc thách đấu với một siêu cường kinh tế đang trỗi dậy mà sẽ rất khó thắng.
Nếu việc trả đũa của Trung Quốc vào thứ Sáu được tính toán để khiến ông Trump lo lắng hơn về tình trạng của nền kinh tế Mỹ thì Bắc Kinh đã thành công, CNN nhận định.
Các mức thuế mới được đưa ra vào cuối tuần khi thông điệp kinh tế của Nhà Trắng không được thống nhất. Sự đảm bảo từ các cố vấn của Tổng thống rằng tăng trưởng của nền kinh tế là mạnh mẽ và không có lo ngại đã bị chính các phát ngôn của ông Trump làm suy yếu.
Sau khi phát ngôn về việc cân nhắc động thái cắt giảm thuế để kích thích tăng trưởng, ông Trump lại khẳng định việc đó không cần thiết.
Ông Trump từng tuyên bố trì hoãn một loạt các mức thuế lên 160 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc cho đến tháng 12 để tránh làm tổn hại mùa mua sắm của người Mỹ. Quyết định đó được nhiều người coi là sự thừa nhận rằng người tiêu dùng Mỹ bị tổn thương khi trả giá cao hơn cho các sản phẩm Trung Quốc. Bất chấp việc Tổng thống Mỹ thường xuyên tuyên bố chỉ có Trung Quốc bị tổn hại bởi thuế quan.
Scott Kennedy, một cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, cho rằng chính sách Mỹ – Trung không thể đoán trước và thay đổi liên tục.
Quan hệ Mỹ – Trung ngày càng tồi tệ
Mối quan hệ này ngày càng tồi tệ hơn, Craig Allen, chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ – Trung nói.
Kể từ năm ngoái trước khi 2 nhà lãnh đạo gặp nhau ở Buenos Aires, các chuyên gia đã lo lắng về khả năng xảy ra chiến tranh lạnh mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu họ không thể giải quyết sự khác biệt của mình.
Theo các nhà phân tích chính sách, những người đã theo dõi cẩn thận cuộc chiến thương mại, phe diều hâu trong chính quyền – như cố vấn thương mại của Trump, Peter Navarro – cho rằng việc cắt đứt quan hệ thương mại với Trung Quốc là cần thiết để bảo đảm sự thống trị của Mỹ.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson cảnh báo về những rủi ro nếu 2 nền kinh tế lớn nhất chấm dứt quan hệ thương mại trong một bài phát biểu tại Singapore vào tháng 11 năm ngoái.
“Tôi đã nhìn thấy khả năng của một bức màn sắt kinh tế – một bức tường được dựng lên ở mỗi bên”, Paulson, người từng phục vụ dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói.
Dự kiến, ông Tập Cận Bình và ông Trump sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Chile vào tháng 11. Nhưng với cuộc chiến thương mại đang trở nên tồi tệ hơn, hy vọng cho một giải pháp có vẻ rất xa vời.
Ai là người giỏi chịu áp lực hơn?
Thường được miêu tả là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán, ông Tập Cận Bình không tránh khỏi những áp lực chính trị trong nước và khiến cho ông Tập khó có thể lui bước trong thương chiến.
Làn sóng biểu tình ở Hồng Kông trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến gần đến lễ kỷ niệm đánh dấu 70 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa khiến ông Tập đang chịu áp lực lớn nhất từ trước đến nay kể từ khi nhậm chức, CNN bình luận.
Nhưng cuộc chiến thương mại càng kéo dài, thì áp lực chính trị cũng trở nên tồi tệ hơn với ông Trump khi cuộc bầu cử đang đến gần.
Cuộc thách đấu giữa 2 nền kinh tế trở thành câu hỏi ai có thể chịu được áp lực hơn. Ông Trump đã tự tin dự đoán rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ vì Trung Quốc sẽ không thể chịu thiệt hại cho nền kinh tế của mình.
Thực tế là cuộc chiến thuế quan đang có ảnh hưởng, khiến tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong 17 năm.
Bắc Kinh có thể đang tính toán rằng Trump sẽ không thể chịu được sức nóng chính trị của cuộc chiến thương mại khi cuộc đua tái tranh cử đến gần và ông Trump có thể cân nhắc đến việc lùi bước. Bắc Kinh đã cố tình nhắm mục tiêu vào nông nghiệp – một ngành công nghiệp đặc hữu của các tiểu bang miền Trung Tây mà ông Trump cần phải giành chiến thắng trong cuộc đua 2020. Vì vậy, Tổng thống Trump phải đối mặt với một vấn đề nan giải không kém.