Nguồn: CBC/Reuters.
Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều khó xử, nhưng vẫn không tiến thoái lưỡng nan bằng Canada…
Người thêm khó, kẻ tự hại
Những ngày cuối năm 2018 này, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ở trong tình trạng nghịch lý giữa biểu hiện ra bên ngoài và thực chất ở bên trong. Nếu chỉ nhìn vào bề ngoài thì không thể nói là mối quan hệ song phương này hiện đang tồi tệ.
Hồi đầu tháng 12 vừa qua, thiên hạ thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vui vẻ dùng bữa tối với nhau ở Argentina, và như thể tiện thể đạt được với nhau thỏa thuận về tạm đình chiến xung khắc thương mại song phương trong thời gian 90 ngày.
Sau đó, hai bên thực hiện thỏa thuận này thật, và lại tiến hành đàm phán thương mại vào ngày 7/1 tới, tạo cảm nhận như thể củi đã được rút khỏi dưới đáy nồi.
Trong thực chất, mối bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc lại leo thang ở mức độ quyết liệt bởi việc Canada bắt giữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của tập đoàn công nghệ cao Huawei của Trung Quốc theo yêu cầu của Mỹ.
Không giải quyết ổn thỏa vụ việc này, thì không thể có được tiến triển tích cực mới nào trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc; mà giải quyết chuyện này lại không phải là chuyện riêng của Trung Quốc và Mỹ, bởi Canada cũng đóng vai trò không kém.
“Lắm thầy thối ma…”
Câu ngạn ngữ “lắm thầy thối ma, nhiều cha con khó lấy chồng” giờ dụng sự rất đúng cho chuyện giữa ba nước này. Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều khó xử, nhưng vẫn không tiến thoái lưỡng nan bằng Canada.
Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ, và lại bắt giữ người phụ nữ này đúng vào thời điểm ông Trump và ông Tập gặp nhau ở Argentina.
Bà Mạnh Vãn Chu. Ảnh: THE CANADIAN PRESS/Darryl Dyck
Mỹ và Canada chắc chắn không thể không lường trước Trung Quốc sẽ bực bội như thế nào về việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, và đã phải tính trước sự đáp trả mạnh mẽ của Trung Quốc.
Vì thế, có thể thấy cho dù ông Trump gặp ông Tập, nhưng phía Mỹ không có chủ ý nhanh chóng giải quyết ổn thỏa những vướng mắc hiện tại trong mối quan hệ giữa hai nước, mà vẫn muốn gia tăng áp lực với Trung Quốc, áp đặt yêu sách cho Trung Quốc và làm cao với Trung Quốc.
Nhưng đấy mới chỉ là một trong hai điều mà Trung Quốc dẫu có không muốn hay không tin thì cũng vẫn phải nhận thấy.
Điều thứ hai là thông điệp và bằng chứng của phía Mỹ, rằng Mỹ đã có được hẳn một liên quân – không tồn tại trên danh nghĩa – nhưng đang hoạt động trên thực tế cùng Mỹ và giúp Mỹ cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc.
Tất cả những thành viên của liên quân này giờ nhìn vào cách thức Trung Quốc xử lý vụ việc bà Mạnh Vãn Chu với Canada để xác định mức độ tham gia liên quân cùng Mỹ và giúp Mỹ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Cả về chiến lược cũng như sách lược, Trung Quốc có lợi ích rất thiết thực và to lớn trong việc phá vỡ liên quân này.
Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc không thể không đồng thời làm hai việc:
Thứ nhất là tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ để liên quân kia không có đất dụng võ và cơ hội phát tác.
Mỹ và Trung Quốc không còn xung khắc thương mại công khai thì các đồng minh kia của Mỹ cũng không có cớ để công khai hùa theo Mỹ gây bất lợi với Trung Quốc, và dùng việc gây bất lợi cho Trung Quốc để tranh thủ Mỹ.
Thứ hai, Trung Quốc phải thẳng tay, nặng tay và không khoan nhượng với Canada trong vụ việc bà Mạnh Vãn Chu để làm gương, răn đe và cảnh báo những thành viên khác trong liên quân kia.
Nếu không có chuyện mấy công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ thì làm gì có chuyện tòa án Canada để cho bà Mạnh Vãn Chu nộp khoản tiền lớn tại ngoại chứ không dẫn độ ngay người phụ nữ này sang Mỹ. Xưa nay đâu đã có lần nào Canada không đáp ứng – và không đáp ứng nhanh – yêu cầu dẫn độ của Mỹ đâu.
Ai cũng “khó”, nhưng Canada vẫn là “khó” nhất
Cái khó và tai hại hiện tại, đối với Canada, là nước này không thể vì Mỹ mà bỏ Trung Quốc.
Cái khó của Trung Quốc là dẫu hiện phải làm găng với Canada, nhưng về lâu dài vẫn rất cần tranh thủ Canada vì lợi ích từ quan hệ song phương với Canada và vì cần phải phân hóa Canada với Mỹ.
Cái khó của Mỹ là muốn lợi dụng Canada để đối phó Trung Quốc, nhưng không thể trang trải được hết những tổn hại đối với Canada từ việc Canada bị Trung Quốc đáp trả.
Canada đã tự đẩy mình vào tình thế không còn có thể tự thoát ra được, mà phải chờ Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về giải pháp. Trung Quốc còn làm găng tiếp với Canada để Canada không dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu cho Mỹ, hoặc phải chấp nhận đánh đổi tay đôi với Trung Quốc.
Một kịch bản khác là Mỹ và Trung Quốc đàm phán với nhau, mà một trong những kết quả là Mỹ rút lại yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu. Mọi chuyện sẽ được xử lý trong 90 ngày tới.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.