Cần xây dựng đề án tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, phương án tự chủ tài chính

Chiều ngày 23/3, tại Hà Nội, đồng chí Cao Xuân Thu Vân – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện Kết luận số 454-KL/HNDTW, ngày 6/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về một số nhiệm vụ trọng tâm của các trung tâm hỗ trợ nông dân trong thời gian tới. Dự tại điểm cầu trụ sở Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng có các đồng chí: Dương Quốc Việt – Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đặng Tấn Giang – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Hiện nay, cả nước có 1 trung tâm ở Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và 51 trung tâm ở các tỉnh, thành phố. Trung ương Hội đã được Chính phủ bố trí vốn để đầu tư xây dựng và nâng cấp, bổ sung trang thiết bị cho 37 trung tâm tại 37 tỉnh, thành phố. Tính đến ngày 20/3/2023, có 37 dự án đầu tư xây dựng mới và cải tạo nâng cấp các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cấp tỉnh đã được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, trong đó Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiến hành bàn giao tài sản của dự án cho 32 tỉnh, thành.

Hàng năm, trung tâm hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành hội đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân như: phối hợp với các công ty sản xuất phân bón cung cấp hàng nghìn tấn phân bón theo hình thức trả chậm cho hội viên; cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn gia súc, vật tư nông nghiệp, tạo điều kiện cho hội viên phát triển các mô hình sản xuất; mở lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, hội thảo, hội nghị, triển lãm để kết nối nâng cao hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản; tổ chức hoạt động tuyên truyền về bảo hiểm an sinh xã hội cho hội viên, tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm, hỗ trợ xuất khẩu lao động. Ngoài ra, còn có một số trung tâm thực hiện nhiệm vụ hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân và dịch vụ vốn của ngân hàng.

Trong hoạt động dạy nghề, các cấp hội nông dân bám sát chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để hỗ trợ hội viên, nông dân học nghề, tạo việc làm. Các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn của hội đã thực hiện tốt mục tiêu đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập thực tế…

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kết luận số 454-KL/HNDTW, đồng thời trình bày thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Cao Xuân Thu Vân ghi nhận những đề xuất, kiến nghị từ các địa phương và đề nghị các trung tâm cần xây dựng đề án tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, xây dựng phương án tự chủ tài chính; quan tâm thực hiện công tác bồi dưỡng nghề, tổ chức đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn, hỗ trợ cho nông dân đưa hàng hóa đến với doanh nghiệp, nơi tiêu thụ… Các đơn vị, tổ chức liên quan cũng nên xem lại Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam và Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2020 – 2022.

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Báo Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/thoi-su/can-xay-dung-de-an-to-chuc-bo-may-vi-tri-viec-lam-phuong-an-tu-chu-tai-chinh-64056.html