Cần đổi mới tư duy về phát triển văn hóa

 

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là 1 trong 2 thành viên tham gia cố vấn nội dung kịch bản lễ kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa. Sau lễ kỷ niệm, ông đã dành cho Báo Khánh Hòa cuộc trò chuyện về vấn đề phát triển văn hóa của địa phương trong tình hình mới. Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong lĩnh vực văn hóa ở Trung ương và thủ đô Hà Nội, những ý kiến của ông sẽ là một sự tham khảo cần thiết đối với những ai quan tâm đến văn hóa Khánh Hòa. 

 Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức.

Nhiều tiềm năng để phát triển 

– Được biết, ông đã trực tiếp tham gia các hội đồng tư vấn đối với nhiều đề án, dự án phát triển văn hóa của quốc gia và các địa phương. Vậy, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng văn hóa của Khánh Hòa?

– Khánh Hòa là địa phương có tiềm năng văn hóa rất lớn. Đặc biệt, nơi đây có sự hài hòa giữa thiên nhiên, cấu trúc tự nhiên, của lòng người… Người dân Khánh Hòa rất hiền hòa, cởi mở, dễ gần, thân thiện là lợi thế rất lớn trong hội nhập và phát triển. Dù có tiềm năng lớn, nhưng tỉnh Khánh Hòa được đánh giá là đang phát triển chậm. Cá nhân tôi thấy, việc phát triển chậm này lại có cái hay. Khánh Hòa đi chậm không phải bởi không muốn đi nhanh, mà vì lượng được sức mình không thể nhanh. Nếu đi nhanh mà phá vỡ đi những lợi thế, tiềm năng, sự hài hòa là điều không cần thiết. Tôi mừng vì Khánh Hòa đang đi đúng hướng. Tôi đang nhìn thấy quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc đưa Nha Trang – Khánh Hòa đi theo đúng lộ trình, cũng như dần khắc phục những việc làm chưa đúng trước đây.

– Tỉnh Khánh Hòa đang nhận được nhiều sự quan tâm của Trung ương, đặc biệt là đã có 3 nghị quyết quan trọng của Trung ương để thúc đẩy phát triển của địa phương. Mới đây, tỉnh đã thực hiện việc công bố các quy hoạch lớn. Từ góc nhìn văn hóa, ông có ý kiến như thế nào về những vấn đề trên?

– Hiếm có địa phương nào nhận được sự quan tâm sâu sắc từ Trung ương như Khánh Hòa. Trên cơ sở các nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Khánh Hòa đã kịp thời xây dựng các quy hoạch phát triển, đây là điều rất cần thiết, bởi làm cái gì thì cũng cần quy hoạch, có rõ ràng thì chúng ta mới giữ gìn được những giá trị vốn có của mình. Câu chuyện bảo tồn và phát triển là bài toán khó cho bất kỳ quốc gia nào còn đang nghèo mà muốn phát triển. Làm thế nào để tìm đáp án phù hợp cho bài toán đó, tôi thấy Khánh Hòa đang có lợi thế của người đi sau, để học tập những gì phát triển đúng và dứt khoát không đi vào vết xe đổ, sai lầm của những địa phương khác trong nước, cũng như ở các nước khác. Nếu chúng ta bảo tồn được tài sản văn hóa đã là một thắng lợi, sự thắng lợi của văn hóa cũng chính là thắng lợi của đường lối chính sách đúng.

Biểu diễn nghệ thuật trong lễ kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh.
Biểu diễn nghệ thuật trong lễ kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh.

Đặc trưng văn hóa Khánh Hòa chính là sự hài hòa

– Để văn hóa Khánh Hòa phát triển theo hướng công nghiệp văn hóa, cá nhân ông thấy địa phương cần phải làm gì?

– Tư duy về văn hóa hiện nay cần phải đổi mới, bởi văn hóa không chỉ là ngành tiêu tiền, mà nó còn là sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm. Trong hội nhập toàn diện với thế giới, văn hóa đóng vai trò rất quan trọng, rất nhiều nước đã làm được điều đó. Văn hóa làm ra tiền không chỉ là tự nó, mà còn làm cho những người khác, những ngành nghề khác làm ra tiền từ văn hóa, đặc biệt là du lịch. Tôi đang thấy được việc lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã nhìn ra được tài sản văn hóa để đầu tư, khai thác. Tuy vậy, đầu tư cho văn hóa chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng, đầu tư như thế nào, đầu tư từ đâu là rất khó. Nhưng nếu đầu tư đúng hướng, phát huy được tính hiệu quả thì vốn đầu tư cho văn hóa sẽ không bao giờ bị mất đi. Vậy nên, chúng ta phải nghĩ cách và có chính sách để khuyến khích các công ty văn hóa vào cuộc, cùng với đó là những cơ chế đặc thù. Tôi rất tâm đắc khi nhận thấy một số doanh nghiệp ở Khánh Hòa đã có được tư duy mượn văn hóa để làm kinh tế, lấy kinh tế để bồi đắp tốt hơn cho văn hóa. Để văn hóa phát triển, chúng ta cần có cái nhìn tổng thể, quy hoạch, kế hoạch chính là cách làm văn hóa của con người văn hóa.

– Vậy theo ông, đâu là đặc trưng của văn hóa Khánh Hòa để có thể làm động lực cho sự phát triển?

– Gần đây, ngày càng có nhiều tín hiệu đáng mừng đối với hoạt động văn hóa. Đáng mừng lớn nhất là lãnh đạo tỉnh quyết tâm làm quy hoạch trước. Từ đó, tuân thủ thực hiện quy hoạch, không tùy tiện thay đổi. Việc làm quy hoạch tốt cũng thể hiện tính văn hóa ở trong đó. Một tín hiệu đáng mừng khác là thông qua lễ kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa, tôi thấy được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, của ngành Văn hóa đến các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tôi có cảm giác, không chỉ ngành Văn hóa mà lãnh đạo các ngành khác và toàn thể nhân dân đang nhận thức rõ vị trí, vai trò của văn hóa. Tuy nhiên, cái hạn chế nhất là tiềm lực để thúc đẩy tiềm năng phát triển. Điều đáng chú ý là lãnh đạo tỉnh đang nỗ lực để tìm ra những nguồn lực để phát triển văn hóa, phát triển con người.

Theo tôi, cái mà ở Khánh Hòa nổi trội hơn tất cả những địa phương khác chính là sự hài hòa từ thiên nhiên, cảnh vật đến con người, lịch sử, văn hóa… Đây chính là nét đặc trưng, bản sắc, vốn văn hóa quý giá của Khánh Hòa. Sự hài hòa kết tinh lại như giá trị đặc hữu, đặc trưng của văn hóa Khánh Hòa. Vậy nên, chúng ta phải chuẩn bị nguồn nhân lực, có quy hoạch, có chính sách nhất quán để thu hút đầu tư cho văn hóa. Sẽ không có một mô hình cụ thể nào để tỉnh Khánh Hòa có thể bê nguyên vào cho sự phát triển văn hóa của địa phương, nhưng tỉnh có thể học hỏi được những mặt ưu việt từ các mô hình để áp dụng cho mình. Với nhận thức ngày càng sâu sắc, đúng đắn của lãnh đạo tỉnh, người dân Khánh Hòa, tôi tin trong 10 năm tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ có sự phát triển nổi bật.

– Xin cảm ơn ông!

NHÂN TÂM (Thực hiện)

Nguồn Báo Khánh Hòa điện tử: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202304/can-doi-moi-tu-duy-ve-phat-trien-van-hoa-d6e18e7/