“Cần đảm bảo hạ tầng, điều kiện sống cho người dân khi chuyển đến nơi ở mới”

Nhà nước cần có nhiều chính sách để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân.

Theo Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, chiều 21/6, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại Hội trường tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, việc quy định đất sử dụng đa mục đích là cần có đất cho hoạt động thể dục thể thao. Bởi trên thực tế, đất dành cho lĩnh vực này vẫn còn thiếu.

210620230245-z4450954458815_90f587bd11cf2f3752203ce421a8ea8c

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Về thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đồng ý với việc thu hồi đất cần đảm bảo cuộc sống của người dân bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Ngoài ra, cần đảm bảo hạ tầng, điều kiện sống cho người dân khi chuyển đến nơi ở mới sau khi địa phương thu hồi đất để phục vụ xây dựng các dự án, mục đích khác…

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đồng ý với các quy định về dự thảo hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất, được vay tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, giao đất có mục đích sử dụng với cùng với loại đất thu hồi. Nếu không có đất thu hồi thì được bồi thường bằng tiền hoặc xem xét bồi thường đất khác nếu người dân đồng thuận khu tái định cư bảo đảm hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, có đường giao thông đảm bảo kết nối với khu lân cận.

Tuy nhiên, mỗi gia đình, cá nhân có hoàn cảnh riêng và có nhu cầu về đời sống và việc làm. Vì vậy, Nhà nước cần có nhiều chính sách để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân. Tiền là vật ngang giá chung nhưng sử dụng không hợp lý sẽ không giải quyết được nhu cầu đa dạng của người dân. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị các chính sách có thể quy ra tiền để người dân thấy mình được hưởng lợi như người khác, đảm bảo công bằng. Nhưng đối với chính sách đào tạo nghề cho người chưa có việc làm thì nên hạn chế việc truy tìm trực tiếp mà tạo điều kiện để người dân được học nghề phù hợp với khả năng của họ.

Sau khi thu hồi đất, ngoài việc đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, có đường giao thông kết nối với các khu vực lân cận thì Nhà nước cần ưu tiên bố trí các tuyến phương tiện giao thông công cộng trong khu vực đến khu tái định cư để người dân đi lại thuận tiện và tiết kiệm trong sinh hoạt, công việc, học tập vân vân từ nơi ở mới đến hạ tầng xã hội và khu vực lân cận.

Cần đánh giá tác động xã hội đối với nguyên tắc bồi thường

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, ĐBQH Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tiếp thu và chuẩn bị hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này.

210620230243-z4450953590534_9740678cfd073e9b4bd451f0dfdd06d9

Quan tâm đến quy định liên quan đến bồi thường, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, việc bồi thường bằng đất, các mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở, nội dung này được mở rộng so với Luật Đất đai năm 2013. Về lý thuyết thì nội dung nguyên tắc này là rất tốt, sẽ được người dân đón nhận và đồng tình ủng hộ. Nhưng thực tế, đại biểu cho rằng, khi thực hiện sẽ rất khó khăn và vướng mắc hơn rất nhiều lần so với bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng hoặc bồi thường bằng tiền.

Bởi lẽ, còn phải thống nhất với người bị thu hồi về khối lượng, số lượng. Do vậy, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động về mặt xã hội và để đảm bảo luật có tính khả thi về giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Quy định chặt chẽ về tiêu chí chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng

Quan tâm đến nội dung quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, lúa gạo là ngũ cốc cơ bản, là cây lương thực chính, cây trồng chủ đạo trong nền nông nghiệp Việt Nam. Đất trồng lúa là đất có cấu tạo, giá trị dinh dưỡng cao, phải trải qua hàng trăm năm mới hình thành. Mục tiêu đến năm 2030, nước ta vẫn tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, giữ ổn định diện tích đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

210620230245-z4451011199111_d151552bfb8b7d3ebe754c426a7cdd21

Để thực hiện được mục tiêu giữ diện tích đất lúa, đất rừng, đại biểu cho rằng cần quản lý chặt chẽ việc quy hoạch diện tích đất trồng lúa, đất trồng rừng, được xác định cụ thể đến từng địa phương, tới cấp xã. Với nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích phi nông nghiệp là tất yếu.

Trước mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu, đại biểu đề nghị cần quy định việc điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm đếm, lượng hóa, hạch toán đầy đủ hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trong nền kinh tế.

Góp ý một số nội dung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đề nghị bổ sung thêm khái niệm “bồi thường khi nhà nước thu hồi đất” để bao gồm cả bồi thường cả quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Đồng thời, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị tách đất trồng lúa và trồng cây hằng năm vì đây là 2 nhóm khác nhau.