Sán gạo lợn thâm nhập vào cơ thể người lên não, lên mắt và các tế bào cơ gây ra các bệnh nguy hiểm.
Cảnh báo sán lợn
Theo PGS PGS.TS Lê Thành Đồng, Viện Trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng, TPHCM qua công tác giám sát, từ đầu năm đến nay đơn vị phòng chống và điều trị bệnh ký sinh trùng (giun, sán, nấm, đơn bào) ở khu vực phía Nam đã phát hiện ổ bệnh sán dây lợn (Taenia solium) từ những con lợn ở thôn Bù Gia Phúc I, Xã Phú Nghĩa, Huyện Bù Gia Mập, Tỉnh Bình Phước.
Sau đó phát hiện nhiều trường hợp người nhiễm bệnh sán dây lợn ở địa phương này và các xã lân cận.
Viện đã tiến hành xét nghiệm những mẫu thịt lợn nghi ngờ bị nhiễm ấu trùng sán dây lợn (lợn gạo). Kết quả xác định các mẫu thịt lợn bị nhiễm ấu trùng sán với mật độ rất cao (50 – 70 nang ấu trùng/1kg thịt). Các bộ phận của lợn như cơ, não, lưỡi đều nhiễm nang ấu trùng.
Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng, TPHCM đã kết hợp với Trung tâm Y học Dự phòng Quân đội phía Nam (Bộ Quốc phòng) và các đơn vị y tế địa phương tiến hành điều tra dịch tễ, xét nghiệm máu chẩn đoán huyết thanh bệnh ấu trùng sán dây lợn ở người tại các xã Phú Nghĩa, Đắk Ơ, Bù Gia Mập của Huyện Bù Gia Mập, Tỉnh Bình Phước.
Kết quả cho thấy, có 108/904 mẫu máu nhiễm ấu trùng sán dây lợn (tỷ lệ 11,95%).
Hình ảnh sán lợn
Trong khi đó, người dân vẫn vô tư ăn tiết canh, thịt tái sống dẫn đến nguy cơ bệnh lấy nhiễm cận kề.
Theo GS Nguyễn Văn Đề – Nguyên trưởng Bộ Môn Ký sinh trùng trường Đại học Y Hà Nội ấu trùng sán lợn rất nguy hiểm nó có thể làm tổn thương ở các bộ phận trên cơ thể người.
GS Đề cho biết ông điều trị cho rất nhiều người bị ấu trùng sán lợn làm tổ trong não. Trường hợp của anh Nguyễn Văn Thái – Văn Yên, Yên Bái bị sán ấu trùng. Anh Thái không biết bị bệnh gì dù đã đi khám ở nhiều nơi. Triệu chứng xuất hiện đó là nói ngọng và liệt dần.
Khi xuống bệnh viện Bạch Mai kiểm tra bác sĩ nghi ngờ sán não nên chuyển sang Viện Sốt rét – Ký sinh trùng, côn trùng trung ương điều trị và đến nay bệnh vẫn chưa điều trị khỏi hẳn.
Anh Thái kể do thói quen ăn thịt lợn tái của gia đình mình. Anh Thái rất thích ăn thịt tái vì cảm giác thịt ngọt, ngon và không ngờ đó chính là lý do anh mắc phải căn bệnh sán não nguy hiểm này.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn C. quê ở Nghệ An. Ông C. gần đây thấy đau đầu, đầu giật dữ dội, có khi ông lăn ra như người bị động kinh. Gia đình cho biết ông không có tiền sử bệnh động kinh. Ông C. đi khám ở nhiều nơi nhưng không ra bệnh. Ông đã xác định sống chung với bệnh nhưng vì đau quá không chịu được.
Thói quen ăn thịt sống dẫn đến nhiễm sán gạo
Một lần con ông C tình cờ đọc được bài báo về ký sinh trùng sán lợn gây động kinh, gây các bệnh không lý giải được nên ông C. được con đưa ra Hà Nội tìm giáo sư Đề để chữa bệnh. Bằng các biện pháp chuyên môn của mình, giáo sư Đề xác định ông C bị sán lợn “đóng đô” ở não. Ông C. được bác sĩ chỉ định cấp cứu điều trị sán não vì bệnh khá nguy hiểm, điều trị khó khăn.
Giáo sư Đề cho biết tùy thuộc vị trí ký sinh của ấu trùng mà gây ra các triệu chứng đau khác nhau. Khi ăn phải ấu trùng trứng sán đi vào dạ dày và ruột, trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh ở các cơ vân, ở não, ở mắt. Những người bị bệnh do ăn phải trứng sán dây lợn từ môi trường ngoài thường có ít nang trừ trường hợp ăn phải cả đột sán.
Các dấu hiệu trên người
Thông thường khi mới nhiễm sán thì một số có biểu hiện các dấu hiệu như chán ăn, buồn nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhưng phần lớn lại diễn ra âm thầm, lặng lẽ với các triệu chứng mờ nhạt. Tuy nhiên khi ấu trùng gây bệnh heo gạo cho người thì các triệu chứng thể hiện tùy thuộc vào cơ quan chúng gây bệnh như:
Ở não: Nếu ấu trùng sán định cư tại não thì chúng có thể gây ra tăng áp lực nội sọ gây nhức đầu, động kinh cục bộ, suy giảm trí tuệ, yếu, liệt chi thậm chí có thể rối loạn tâm thần. Tất cả các triệu chứng trên ở mức độ nào còn tùy thuộc vào số lượng và vị trí định cư của ấu trùng sán trong não người.
Ở mắt: Ấu trùng có thể định cư tại hốc mắt, mí mắt, kết mạc mắt hoặc trong mắt chúng có thể gây ra những rối loạn thị gác và tùy vào vị trí của ấu trùng định cư ở mắt.
Ở trong tế bào cơ: ít có biểu hiện lâm sàng trừ khi với số lượng nhiều chúng có thể gây đau cơ và sau thời gian dài chúng sẽ bị vôi hóa ngay trong cơ, nơi chúng định cư.
Ở dưới da: có thể thấy những nốt lổn nhổn có thể sờ thấy rõ, đôi khi chúng gây ngứa.
Để phòng bệnh không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống (nguy cơ bệnh ấu trùng sán lợn), không nuôi lợn thả rông.