“Toà nhà giấy” số 400 đường Ninh Ba, quận Hoàng Phố, đã trở thành hiện tượng internet vì cấu trúc kỳ quái nhằm tận dụng tối đa diện tích eo hẹp ở Thượng Hải.
Là một trong những siêu đô thị đắt đỏ bậc nhất thế giới, Thượng Hải đã sản sinh ra nhiều tòa nhà kỳ dị để tận dụng tối đa không gian.
“Toà nhà giấy” ở số 400 đường Ninh Ba, quận Hoàng Phố, Thượng Hải
Nổi bật trong số đó là “toà nhà giấy” ở số 400 đường Ninh Ba, quận Hoàng Phố, đã trở thành hiện tượng internet vì một cạnh “mỏng dính như tờ giấy”. Thậm chí, tờ Daily Mail của Anh còn gọi nó là “tòa nhà mỏng nhất thế giới.”
Ảnh chụp của tòa nhà nói trên đã tràn ngập khắp các mạng xã hội Trung Quốc. Một số dân mạng còn nhanh chóng chỉ ra, nó thật chẳng khác gì tòa nhà Flatiron ở New York, cũng nổi tiếng thế giới vì… mỏng.
Tòa nhà Flatiron ở New York (Ảnh: Michelle Young)
Cuộc sống trong tòa nhà siêu mỏng ở Thượng Hải ra sao?
Theo những hộ gia đình ở đây, họ đã chịu cảnh lao đao trong nhiều thập kỷ, từ không gian sống, điện, nước, gas… đều có hạn chế.
Được xây dựng vào năm 1920, đến nay “tòa nhà giấy” đã 99 năm tuổi. Nhìn chung nó không có gì quá khác lạ nhưng một cạnh mỏng dính được xây đua ra để tận dụng không gian giữa nó và một tòa nhà khác.
“Thượng Hải có nhiều tòa nhà kỳ dị như vậy là vì giá đất quá cao,” một nhà nghiên cứu cao cấp tại Bảo tàng Lịch sử Thượng Hải cho biết. “Ngôi nhà số 400 đường Ninh Ba là ví dụ điển hình.”
Ông Bình, một tài xế xe bus đã về hưu, pose ảnh trước nhà tắm được bố trí tại đúng cạnh mỏng nhất của “tòa nhà giấy”
Một trong những cư dân lâu đời nhất tại “tòa nhà giấy” là một người đàn ông họ Bình.
Ông và gia đình đã sống trong căn hộ 24m2 trên tầng thượng suýt soát 40 năm. Ông kể rằng, nhà ông được báo chí đến chụp ảnh nhiều nhất vì nằm ở đúng cạnh mỏng dính của tòa nhà.
“Người ta chỉ quan tâm đến hình dạng kỳ quái của tòa nhà chứ đâu tưởng tượng ra nổi cuộc sống bên trong của chúng tôi,” người đàn ông 63 tuổi tâm sự.
Căn hộ tam giác của ông Bình được chia làm 3 phần – 1 phòng ngủ nhỏ cho người con trai đã ly hôn; 1 phòng ngủ to hơn của vợ chồng ông, 1 nhà tắm ở cạnh mỏng nhất. Thậm chí, lúc tắm rửa ông Bình còn gặp khó khăn khi xoay người vì hẹp quá.
Ông Bình cùng bố mẹ chuyển tới đây vào đầu những năm 1960, ban đầu họ rất thích thú vì căn hộ hướng ra phía nam lại thông gió tốt. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc gia đình ông nhận ra nó cực ẩm ướt và vô dụng.
Chưa kể, gia đình ông Bình còn chẳng có bàn ăn vì nó sẽ chắn luôn lối vào nhà tắm. Ở tầng thượng, nước rất yếu, cống thoát lại hay tắc nghẽn vì cấu trúc ngoằn ngoèo uốn éo của tòa nhà.
“Chúng tôi mong mỏi được chuyển ra nơi khác sống để an hưởng tuổi già, con trai có thể tiếp tục kết hôn,” bà Lưu, vợ ông Bình cho biết.
“Tòa nhà giấy” nhìn từ trên cao
Có hơn 40 gia đình đang sống trong cảnh tương tự như ông Bình. Hầu hết trong số đó phải mang nồi niêu ra hành lang để nấu nướng, khiến hệ thống dây diện bị dầu mỡ phủ đen kịt, có thể phát hỏa bất cứ lúc nào.
“Chỉ cần 1 nhà rán cá ngoài hành lang là cả tòa nhà ngửi thấy hết,” bà Trần, người quản lý tòa nhà đang sống ở tầng 4, cho hay. Trong quá khứ, gia đình bà Trần rất giàu có nhờ kinh doanh vận tải biển, họ sở hữu tới 5 căn hộ trong “tòa nhà giấy” nhưng rồi phải bán hết vì sa cơ lỡ vận.
Một nhà vệ sinh công cộng, nơi dân cư trong “tòa nhà giấy” đến đổ thức ăn thừa. Bên cạnh là hệ thống đồng hồ nước dày đặc của mỗi gia đình
Một nửa khu hành lang chật hẹp bị chiếm giữ bởi chạn bát, bếp lò và bình gas. “Khi các bà nội trợ cùng nhau nấu ăn vào buổi tối, khung cảnh ở đây hệt như một khu chợ đêm ồn ào,” bà Trần nói tiếp.
Bà Đường, 86 tuổi, hàng xóm của bà Trần, phải cực nhọc leo lên cầu thang dốc đứng dẫn lên phòng. Những hôm nóng quá, bà phải che lối vào cầu thang rồi ngủ trên nền đất.
Trong căn hộ của bà Đường gần như chẳng có đồ đạc vì “chật quá không thể bê thứ gì lên, tôi đã quen với cuộc sống này mấy chục năm rồi.”
Bà Đường, 86 tuổi, hàng xóm của bà Trần, phải cực nhọc leo lên cầu thang dốc đứng dẫn lên phòng. Những hôm nóng quá, bà phải che lối vào cầu thang rồi ngủ trên nền đất
Theo Shine