Sau 2 năm bị đau khớp gối thay vì đi điều trị bệnh nhân đã chọn cách đắp thuốc lá, châm cứu… Hệ quả bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng do điều trị đau khớp không đúng cách.
Suy thận do bệnh đau khớp
Bệnh nhân B.N.N (60 tuổi, tại An Giang) nhập viện trong tình trạng sưng nóng, đỏ đau khớp gối phải kèm sốt cao, suy thận.
Qua điều tra bệnh sử các bác sĩ phát hiện bệnh nhân N, bị đau khớp gối cách đây 2 năm, bên phải nặng hơn bên trái. Bệnh nhân đã chữa trị nhiều nơi, sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như đắp lá, uống thuốc nam, châm cứu… nhưng tình trạng diễn biến ngày càng nặng hơn.
Được một người quen tư vấn đi tiêm thuốc điều trị đau khớp, sau khi tiêm mũi đầu tiên bệnh nhân thấy hiệu quả rõ rệt. Bệnh nhân quyết định tiêm mũi thứ 2. Hai ngày sau tiêm, khớp gối phải của bệnh bắt đầu sưng to, nóng đỏ và đau dữ dội.
Kỹ thuật viên đang tập vận động cho bệnh nhân, ảnh BVCC.
Bệnh nhân đã được người nhà đưa tới Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM trong tình trạng nhiễm trùng toàn thân, không thể vận động chân và phải nằm liệt giường. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm kèm thoái hóa khớp gối, viêm mô tế bào toàn vùng mô mềm quanh gối và được chỉ định phẫu thuật nội soi khớp, cắt lọc mô viêm nhiễm và rửa khớp liên tục 48 giờ.
Bệnh nhân sau phẫu thuật hồi phục tốt, không còn tình trạng nhiễm trùng máu và được xuất viện theo dõi ngoại trú. 6 tháng sau, bệnh nhân N tiếp tục được phẫu thuật thay khớp gối toàn phần kết hợp điều trị phục hồi chức năng tích cực theo chương trình riêng, được theo dõi và tái khám.
3 tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân N đã có thể vận động khớp gối gần như bình thường, đi lại không cần trợ giúp, tình trạng đau nhức cải thiện ngoạn mục, đau giảm 90% so với trước kia.
Bảo vệ khớp bằng cách nào?
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 20% dân số Thế giới bị thoái hóa khớp. Tại Mỹ, 80% dân số trên 55 tuổi bị thoái hóa khớp. Tại Việt Nam, tỉ lệ này ở người trên 40 tuổi là khoảng 23,3% và có xu hướng ngày một gia tăng.
Thoái hóa khớp là căn bệnh mạn tính gây đau đớn hàng đầu cho người cao tuổi, đặc trưng bởi tình trạng phần sụn nằm ở đầu xương mòn dần theo thời gian, gây ra gai xương, biến dạng khớp, hạn chế vận động, nặng hơn có thể dẫn đến teo cơ, cứng khớp, tàn phế.
Các yếu tố nguy cơ gây thoái hóa khớp đã được xác định như nữ giới, lớn tuổi, béo phì, chấn thương khớp, nhiễm trùng…
ThS BS. Trần Nguyễn Phương – Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Đại học Y Dược, TP.HCM khuyến cáo, người bệnh bị đau khớp không nên tùy tiện điều trị mà chưa tham khảo qua ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa. Khi người dân có những dấu hiệu đau về xương khớp hoặc đau sau chấn thương cần đến thăm khám tại các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa có uy tín.
Trong sinh hoạt hàng ngày để giữ gìn khớp chuyên gia lưu ý cần hạn chế những thương tổn trong sinh hoạt hàng ngày, mỗi người cần tự tạo cho mình thói quen sống lành mạnh, thường xuyên tập luyện đúng cách, bổ sung đầy đủ canxi, các sản phẩm hỗ trợ khớp, giảm thiểu thoái hóa khớp, giúp sụn khớp và xương luôn chắc khỏe, dẻo dai.
Tại khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược, TP. HCM ghi nhận có hơn 80% trường hợp thoái hóa khớp đến điều trị trong giai đoạn muộn vì lí do ngại điều trị, sợ phẫu thuật dẫn đến việc tự ý chữa trị bằng các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc.
Biến chứng thoái hóa khớp như: loãng xương, suy thận, suy tuyến thượng thận, viêm loét dạ dày tá tràng…
ThS BS. Lê Thị Thùy Phương – Khoa Phục hồi chức năng BV Đại học Y Dược, TP.HCM cho biết: “Ngày nay, bên cạnh phẫu thuật thay khớp, phục hồi chức năng là giải pháp giúp phòng ngừa và điều trị thoái hóa khớp với hiệu quả tương đương thuốc kháng viêm, giảm đau.
Phục hồi chức năng đóng vai trò điều trị nền tảng trong tất cả các giai đoạn của quá trình điều trị thoái hóa khớp: Giai đoạn phòng ngừa, giai đoạn thoái hóa khớp nhẹ, giai đoạn thoái hóa khớp vừa – nặng, và giai đoạn phục hồi sau phẫu thuật”.
Đối với từng giai đoạn bệnh và từng người bệnh cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra những liệu trình tập luyện phục hồi chức năng phù hợp nhất. Các mảng lớn trong phục hồi chức năng thoái hóa khớp đó là Vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu.
Đây là kỹ thuật không dùng thuốc, giúp người bệnh mau chóng hồi phục những chức năng ban đầu của cơ thể. Một số kỹ thuật vật lý trị liệu cơ bản là vận động trị liệu, điện trị liệu, nhiệt trị liệu, thủy trị liệu, xoa bóp, laser trị liệu…