Mỗi dịp Tết đến, tình trạng ngộ độc do rượu có methanol tăng mạnh. Vậy có cách nào để giúp đàn ông không phải là “nạn nhân” của loại rượu độc hại này?
Methanol là một loại cồn công nghiệp, là thành phần hoạt chất trong đồ uống có cồn. So với ethanol cũng xuất hiện trong rượu, methanol gây nguy hiểm đối với sức khỏe hơn nhiều.
Hiện nay, các công ty sản xuất đồ uống có cồn đã có những phương pháp chuyên biệt để loại bỏ methanol ra khỏi sản phẩm nhưng nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn thường cho loại cồn khô này vào khi chưng cất, để làm cho rượu chóng ra và dậy mùi hơn.
Việc sử dụng các loại rượu chứa methanol vượt mức quy định (ngưỡng cho phép là <0.1) có thể gây ngộ độc. Khi được dung nạp vào cơ thể, methanol chuyển đổi thành axit formic, chất được tìm thấy trong nọc độc của kiến. Sự tích tụ axit formic có thể gây ra các vấn đề về tuần hoàn, tổn thương gan, tổn thương thần kinh, mù vĩnh viễn và suy thận, thậm chí tử vong.
Tại Việt Nam, thời điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán, số ca ngộ độc rượu do methanol tăng đáng kể do nhiều người tham dự các buổi liên hoan, tổng kết, gặp mặt… Hầu hết bệnh nhân uống rất nhiều rượu và nhập viện muộn, với các biểu hiện ngộ độc methanol khá nặng.
Rất may mắn là có một số cách để kiểm tra sự hiện diện của methanol trong đồ uống có cồn. Thế nhưng, các bác sĩ khuyên mọi người nên hạn chế uống rượu hoặc phải chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Trường hợp người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật…, người nhà cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Dưới đây là một số cách đơn giản và nhanh gọn giúp bạn kiểm tra liệu rượu có chứa methanol hay không.
Kiểm tra thô
Nếu nghi ngờ đồ uống có cồn chứa lượng methanol nguy hiểm, bạn có thể thực hiện một số thao tác nhanh và thô sơ.
Đơn giản nhất là ngửi đồ uống: Nếu có mùi hóa chất mạnh, khó chịu, rõ ràng đồ uống này không an toàn để tiêu thụ.
Tuy nhiên, không phải tất cả đồ uống có chứa nồng độ methanol đều xuất hiện mùi này, bạn có thể thử với lửa. Nếu bạn đốt mẫu thử và nhìn thấy ngọn lửa màu vàng, chứ không phải là màu xanh, đó là dấu hiệu cảnh báo đồ uống này không an toàn.
Kiểm tra hóa học
Cách kiểm tra rượu có chứa methanol bằng cảm quan hoặc bằng cách đốt lửa chưa hoàn toàn chính xác, bạn có thể kiểm tra sự hiện diện của loại cồn này bằng cách hiệu quả hơn.
Để thực hiện, bạn cần trộn 8 ml muối dicromat với 4 ml axit sunfuric. Lắc nhẹ, sau đó đổ khoảng 10 giọt hỗn hợp này vào một cái ly chứa rượu mà bạn cần kiểm tra độ an toàn. Tiếp tục lắc nhẹ vài lần, rồi đưa ly rượu lên mũi để ngửi.
Nếu bạn ngửi thấy mùi hơi gắt, cay sốc và nồng, rõ ràng rượu đó có chứa methanol. Còn nếu ngửi thấy mùi dễ chịu và hơi ngọt, bạn yên tâm là rượu an toàn, chỉ chứa ethanol.
Còn có một cách khác đơn giản hơn là nhúng giấy quỳ đỏ vào trong ly rượu mà bạn muốn kiểm tra nồng độ methanol trong khoảng 2-3 phút. Nếu giấy quỳ chuyển sang màu xanh, loại rượu này chứa lượng methanol nguy hiểm cho sức khỏe.
* Theo Sciencing