Cách cúng lễ hóa vàng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 chuẩn nhất theo chia sẻ của chuyên gia

Ảnh minh họa.

Theo chuyên gia Vĩnh Kiên, hết 3 ngày Tết, thường vào ngày mùng 3 hoặc mùng 4, tiệc xuân đã mãn, con cháu lại cáo lễ tiễn đưa tổ tiên trở về âm cảnh, tục gọi là lễ hóa vàng.

Theo chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Vĩnh Kiên, tín ngưỡng dân gian của người Việt từ xưa đến nay vào ngày 30 tháng Chạp, con cháu sửa soạn mâm cao cỗ đầy mời tổ tiên về nhà ăn Tết.

Hết 3 ngày Tết, thường vào ngày mùng 3 hoặc mùng 4 Tết, tiệc xuân đã mãn, con cháu lại cáo lễ tiễn đưa tổ tiên trở về âm cảnh, tục gọi là “tiễn ông bà” hay “cúng tiễn ông vãi và hóa vàng cho tổ tiên.

Ngày này còn được gọi là ngày “Tạ năm mới” hoặc gọi theo cách dân dã hơn là “ngày lễ hóa vàng”.

Còn nghệ nhân dân gian Tâm Thiên (Hà Nội) cho hay, trong lễ hóa vàng các gia đình thường làm mâm cơm cúng gia tiên, rồi đem bao nhiêu vàng mã đã cúng trong ba ngày Tết ra hóa. Những vàng mã dành cho người mới mất trong năm qua thì được hóa riêng.

Lễ vật cúng hóa vàng

Chuyên gia Vĩnh Kiên cho hay, thông thường lễ vật sẽ gồm các thứ đã con sẵn trong 3 ngày Tết gồm mâm ngũ quả, hương hoa, bánh kẹo, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng.

Các gia đình có thể cúng hóa vàng ngày Tết với cỗ mặn hoặc cỗ chay đều được, nếu cúng mặn không thể thiếu con gà trống.

Cỗ mặn

Một trong những cúng phẩm không thể thiếu trên mâm cúng hóa vàng mặn là gà trống luộc. Gà nên luộc cả con, giữ nguyên phần đầu, cổ cánh, tạo dáng đẹp. Nếu được, nên để gà “ngậm” thêm hoa tươi.

Ngoài ra, mâm cỗ mặn nên có thêm một số món ăn vào dịp Tết đặc trưng như: nem, món vào, món nấu, bánh chưng, giò…

Cỗ chay

Gia chủ nên chuẩn bị khoảng 4 – 5 món chay cho mâm hóa vàng. Ngoài bánh chưng chay, xôi, chè, các loại rau củ luộc, rau củ xào hay những món đồ chay được chế biến đẹp mắt, thơm ngon như giò chả chay, chả nem chay, các món xào chay cũng được nhiều người lựa chọn.

Lưu ý, nếu cúng món chay, người dân nên “cẩn thận” từ khâu chuẩn bị, không nên xào nấu bằng nước mắm, nước tương (nên sử dụng nước tương, nước mắm chay)…

Cách cúng lễ hóa vàng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 chuẩn nhất theo chia sẻ của chuyên gia - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cách cúng hóa vàng

Khi cúng hóa vàng, gia chủ sẽ thắp lên mỗi bát hương 3 nén, châm đèn, nến sáng suốt quá trình cúng. Gia chủ sẽ chuẩn bị sớ và đọc bài cúng. Sau khi đọc bài cúng xong thì đọc sớ.

Tiếp đó, chờ hết khoảng 2/3 nén hương thắp trên ban thờ có thể tiến hành hóa vàng (đốt vàng mã). Khi đốt xong thì người ta vẩy vào mấy giọt rượu cúng trên bàn vì tục cho rằng có làm như thế mới thiêng, ở cõi âm các cụ mới nhận được và vàng mã đó mới tiêu được ở âm phủ. 

Ngoài ra, nếu gia đình nào có thờ hai cây mía thì đem hơ trên đống tàn vàng. Hai cây gậy các cụ theo tín ngưỡng được coi là đòn gánh gánh vàng về cõi âm và là vũ khí chống lại bọn quỷ sứ muốn cướp vàng đi.

Bữa cơm hóa vàng, con cháu tề tựu đày đủ, thân mật và sau đó chia tay, chấm dứt mấy ngày Tết.

Những điểm cần lưu ý khi làm lễ hóa vàng

Theo chuyên gia Tâm Thiên, trong dịp Tết, các bậc gia thần, tổ tiên luôn ngự trên bàn thờ, vì thế đèn hương không bao giờ được tắt, các đồ dâng cúng như mâm ngũ quả, bánh kẹo… phải đợi đến này hóa vàng mới được đem xuống (trừ các đồ mặn, dễ thiu như thịt xôi…).

Nếu đèn hương tắt, nhất là việc hạ lễ trước khi hóa vàng sẽ phạm phải điều bất kính.

Cúng hoá vàng được thực hiện ở sân hoặc một góc vườn sạch sẽ. Mỗi lễ vàng tiền đều được hóa riêng từ các bậc cao xuống theo thứ tự gia thần trước, gia tiên sau.

Trước khi hạ mỗi lễ đều vái ba vái và khấn: “Gia chủ xin hóa tiền vàng, kim ngân… thỉnh vong linh gia tiên nhận chút lễ bạc, tâm thành. Kính cáo tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới

Đặc biệt lưu ý, nên hạn chế các loại giấy tiền âm phủ đốt cho các cụ trong lễ này.

Văn khấn lễ hoá vàng

NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT !

(3 lần) Kính lạy:

– Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.

– Ngài Đương niên, Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng, các Ngài Thổ Địa, Táo Quân, Long Mạch Tôn Thần.

– Các Tổ Khảo, Tổ Tỷ, nội ngoại tiên linh. Hôm nay là ngày mồng … tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019.

Tín chủ chúng con …………………….. Ngụ tại …………………………………… Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cúng dâng trước án.

Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019 đã qua, nay xin thiêu hoá kim ngân, lễ tạ Tôn Thần, rước tiễn tiên linh trở về Âm giới.

Kính xin : Lưu phúc lưu ân, phù hộ độ trì, dương cơ âm mộ, mọi chỗ tốt lành. Cháu con được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám. Nam mô Chứng Minh Sư Bồ Tát (3 lần).