Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Liên quan đến việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý khoản 2 Điều 7 như sau:“2. Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.”.
Về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì;
Đồng thời đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng và một số đối tượng của quyền tác giả (chương trình máy tính, phần mềm máy tính); cần có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Không nên thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính
Góp ý kiến thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thi (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) bày tỏ tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì; đồng thời quy định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Đại biểu cho rằng, như vậy sẽ vừa tạo điều kiện đẩy nhanh việc đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất và đời sống, vừa vẫn đảm bảo được lợi ích của Nhà nước, của tổ chức chủ trì và của tác giả.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế diễn ra thường xuyên, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế- xã hội, hoạt động thể dục thể thao trong và ngoài nước trên không gian mạng ngày càng phổ biến hơn nên việc quy định sử dụng phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào Luật là rất cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu đảm bảo sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, vừa đảm bảo quyền hưởng thụ của người dân.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, vừa qua có sự đáng tiếc xảy ra trong sự kiện thể thao quốc tế về Quốc ca. Đó là sự vi phạm tôn nghiêm của quốc gia chúng ta. Cho nên việc cấm tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không ngăn chặn, cản trở phổ biến, sử dụng Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca là rất cần thiết.
Quy định chặt chẽ, bảo đảm các nội dung tương thích với thông lệ quốc tế
Về chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu do nhãn hiệu sử dụng theo cách thức gây nhầm lẫn cho người người tiêu dùng quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ quy định theo hướng thu hẹp các hành vi gây nhầm lẫn cho công chúng chỉ còn 3 hành vi là: Bản chất, chất lượng và nguồn gốc địa lý. Đại biểu cho rằng như vậy sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng và chủ nhãn hiệu.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) nêu rõ, trước đó, tại Kỳ họp thứ 2 đã có luận giải và lấy ví dụ rất cụ thể về nhãn hiệu TOMTO gây nhầm lẫn với nhãn hiệu OMO. Lần này, đại biểu lấy thêm một ví dụ nữa mong Quốc hội xem xét lại điều khoản này, cụ thể là nhãn hiệu Inax của Tập đoàn Lixil và nhãn hiệu nhãn hiệu Isavi của Công ty TNHH Lisavi Việt Nam không liên quan đến bản chất lượng và nguồn gốc địa lý nhưng gây nhầm lẫn.
Đại biểu đề nghị chỉnh lý Điểm h Khoản 1 Điều 95 Luật Sở hữu trí theo hướng: “Việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch, đặc biệt là về bản chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa và dịch vụ đó…” và đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo Luật.
Quy định chi tiết về giới hạn quyền tác giả để bảo đảm tính khả thi của Luật
Về giới hạn quyền tác giả, đại biểu Vương Quốc Thắng cho biết, về cơ bản nội dung này không sửa đổi, bổ sung nhiều so với luật hiện hành mà chỉ chỉnh lý và quy định rõ và nhất quán hơn. Thực tế hiện nay, do đặc thù của các tác phẩm, sản phẩm sáng tạo là duy nhất mang giá trị tinh thần văn hóa nên rất khó xác định giá trị. Nhiều trường hợp các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn hay các đơn vị sử dụng tác phẩm, sản phẩm sáng tạo mà có ý trì hoãn, lẩn tránh thỏa thuận việc trả tiền bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu.
Để bảo đảm tính khả thi của luật được thực thi trên thực tế, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị bổ sung tại dự thảo Luật hoặc văn bản quy định chi tiết nội dung quy định trường hợp các bên không thỏa thuận được tiền bản quyền trong một thời hạn nhất định thì bên sử dụng phải chấm dứt ngay việc sử dụng tác phẩm, sản phẩm sáng tạo và thanh toán tiền bản quyền theo quy định của Chính phủ.
Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, Luật sửa bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là Luật khó, phức tạp, có tính chuyên môn sâu và liên quan đến nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong các lĩnh vực về quyền tác giả, quyền liên quan từ các lĩnh vực về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng,… cho nên việc nội luật hóa để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, không trái với các cam kết quốc tế, tận dụng được các cơ hội mà các hiệp định tự do đem lại để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cũng như thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước là một điều phức tạp.
Quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra đã phối hợp khảo sát thực tiễn, tổ chức rất nhiều hội thảo, hội nghị để xin ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn cũng như các cơ quan, tổ chức là đối tượng chịu sự tác động của dự thảo luật.
Việc sửa đổi luật để thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó đề ra nhiệm vụ phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật, đặc biệt pháp luật về sở hữu trí tuệ, khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay để có thể tranh thủ được cơ hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như là chủ động, tích cực ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, tăng cường khai thác, thực thi quyền sở hữu trí tuệ giúp các hoạt động này nó ngày càng tiệm cận với thực tiễn và thông lệ tốt của thế giới. Sau khi tiếp thu, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 104 điều trên tổng số là 222 điều của Luật hiện hành, trong đó tăng hơn 11 điều so với dự thảo luật mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai.
Quang Vũ (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ca-nhan-to-chuc-khong-duoc-ngan-chan-can-tro-viec-pho-bien-su-dung-quoc-ky-quoc-huy-quoc-ca-d182986.html