Business Wire: Việt Nam chi ngân sách quốc phòng và dành bao nhiêu để mua vũ khí hiện đại?

Báo cáo “Tương lai của ngành CNQP Việt Nam – Thị trường hấp dẫn, cạnh tranh và dự báo đến 2024” vừa được trang Business Wire đăng tải trong đó có đề cập tới ngân sách quốc phòng.

Báo cáo này cung cấp cho độc giả những phân tích chi tiết về giá trị lịch sử và dự báo về ngành công nghiệp quốc phòng, các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu, các thách thức mà những người tham gia trong ngành phải đối mặt, phân tích các công ty hàng đầu cũng như tin tức quan trọng.

Mở đầu báo cáo của mình, Business Wire cho biết ngân sách quốc phòng Việt Nam dự kiến ​​sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) ở mức 9,43% trong giai đoạn 2020 – 2024, đạt tới con số 7,9 tỷ USD vào năm 2024.

Theo đánh giá, tình hình khu vực trở nên ngày càng phức tạp là yếu tố chính buộc Việt Nam phải tăng cường khả năng quốc phòng.

Ước tính Việt Nam sẽ phân bổ 5,1 tỷ USD cho chi tiêu quân sự vào năm 2019, trong đó 32,5% dành cho việc mua sắm vũ khí, trang thiết bị. Chi tiêu quốc phòng của đất nước tăng với tốc độ CAGR là 7,34% trong giai đoạn 2015 – 2019.

Trong tương lai, Việt Nam có thể ​​sẽ đặt mua máy bay chiến đấu đa năng, xe bọc thép, tàu hải quân, tàu tuần tra, máy bay tuần tra hàng hải và thiết bị giám sát.

Ngân sách quốc phòng của Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng từ 5,5 tỷ USD vào năm 2020 lên 7,9 tỷ USD trong năm 2024.

Business Wire: Việt Nam chi ngân sách quốc phòng và dành bao nhiêu để mua vũ khí hiện đại? - Ảnh 2.

Tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-27SK số hiệu 6001 vừa được Nhà máy A32 hoàn thành đại tu, sửa chữa lớn

Giai đoạn 2015 – 2019, Việt Nam đã chi 7,2 tỷ USD cho thiết bị quốc phòng, trong khi 15 tỷ USD thuộc về chi phí không được vốn hóa. Hai chỉ số trên của Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 9,43% và 9,44%.

Chi tiêu quốc phòng bình quân đầu người của Việt Nam cũng tăng dần, từ mức 53,7 USD năm 2019 lên 79,3 USD vào năm 2024.

Chi phí an ninh nội địa của Việt Nam trên cơ sở tích lũy dự kiến ​​là 20,9 tỷ USD trong giai đoạn dự báo, so với 12,7 tỷ USD đã chi trong giai đoạn 2015 – 2019.

Việc thiếu công nghệ và khả năng hạn chế của nền công nghiệp quốc phòng trong nước buộc Việt Nam phải tìm đến các nhà cung cấp nước ngoài để đáp ứng các yêu cầu quân sự.

Business Wire: Việt Nam chi ngân sách quốc phòng và dành bao nhiêu để mua vũ khí hiện đại? - Ảnh 3.

Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 và tàu ngầm Kilo 636 của Hải quân Việt Nam

Trong giai đoạn 2014 – 2018, Nga nổi lên là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam với tỷ lệ hơn 77,9%, tiếp theo là Israel, Belarus, Hàn Quốc và Ukraine chiếm 9%, 4,1%, 2,8% và 2% tương ứng.

Việt Nam ưa thích các thỏa thuận liên chính phủ khi mua sắm thiết bị quốc phòng, có tác dụng tăng cường mối quan hệ song phương và mở ra cơ hội kinh doanh trong giai đoạn dự báo.

Những con số trong bài viết do trang Business Wire thống kê một cách độc lập, chưa có bất cứ nguồn chính thức nào khẳng định, vì vậy dữ liệu này chỉ mang tính tham khảo.

Ước tính GDP của Việt Nam trong năm 2019 sẽ tăng trưởng với tỷ lệ khoảng 6,83%, trong đó GDP danh nghĩa năm 2018 vào khoảng 241 tỷ USD, tức là Việt Nam đang duy trì ngân sách quốc phòng ở mức 2% GDP.

Con số này được xem là lý tưởng, bởi bình quân trên thế giới các quốc gia thường chi khoảng 5% tổng GDP cho quốc phòng.