BS Trương Nhật Khuê Tường: Người Việt tự hại sức khỏe thế nào khi dùng bột nêm sai cách?

Hạt nêm là thứ gia vị được các bà nội trợ rất ưu chuộng và tin dùng. Rất nhiều gia đình còn tin rằng việc dùng hạt nêm thay thế cho bột ngọt (mì chính), bột canh là cách tốt.

LTS: Trong hầu hết các món ăn của người Việt không thể thiếu các thức gia vị. Cũng vì lẽ đó mà những loại gia vị như: hạt nêm, bột ngọt, nước mắn, dấm, tỏi, ớt, tiêu… là thứ không thể tách rời với các bà nội trợ, luôn sẵn trong các căn bếp.

Nhưng có một nghịch lý là: dù vô cùng thân thuộc, thường dùng, nhưng rất ít các bà nội trợ nào, người tiêu nào có kiến thức về cách dùng gia vị sao cho khoa học, tốt với sức khỏe; thay vào đó lại đang vô tình gây hại sức khỏe của bản thân và người trong gia đình.

Đứng trước mối nguy từ việc gia vị không đúng cách, chúng tôi xin gửi tới độc giả tuyến bài cảnh báo từ rất nhiều chuyên gia, bác sĩ: “Kiểu dùng gia vị ăn mòn sức khoẻ”.

Sự thật về giá trị dinh dưỡng của hạt nêm

Hạt nêm là một sản phẩm ra đời để phục vụ vị giác cho người tiêu dùng. Nhờ tạo ra được vị ngọt, ngon, đậm vị trong nấu ăn mà hạt nêm đã trở thành một thứ gia vị quen thuộc trong mỗi căn bếp của người Việt.

Hạt nêm được quảng cáo rất rầm rộ được chiết xuất từ thịt, xương ống, xương gà… Nhiều người sẽ lầm tưởng đây là thứ gia vị vừa ngon lại dinh dưỡng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Ths.BS Trương Nhật Khuê Tường, Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thì giá trị dinh dưỡng của hạt nêm là không cao bởi vì thành phần của hạt nêm bao gồm: muối, chất điều vị (E621,E627, E631).

BS Trương Nhật Khuê Tường: Người Việt tự hại sức khỏe thế nào khi dùng bột nêm sai cách? - Ảnh 2.

Dùng hạt nêm sai cách có thể gây hại sức khoẻ, ảnh minh hoạ.

Ngoài ra, hạt nêm còn có thêm một số loại bột tạo mùi vị như: bột hành, bột tỏi, bột rau màu mùi hoặc các bột tạo mùi vị (gà, lợn).

Đối với hạt nêm được quảng cáo có nguồn gốc từ thực vật thực chất cũng chỉ là sử dụng bột có mùi vị rau, củ, quả, nấm cho vào sản phẩm.

“Trong hạt nêm chỉ có một ít calo. Còn đạm được quảng cáo có chiết xuất từ thịt, thực ra không chính xác. Vì nếu được chiết xuất từ thịt lợn, thịt gà… thì hạt nêm rất dễ bị hỏng, ô thiu nên bắt buộc sẽ phải bảo quản lạnh.

Tôi thấy một số quảng cáo nói hạt nêm được chiết xuất từ nước hầm của thịt, xương là chưa thực sự đúng. Khi chúng ta nhìn trên nhãn mác không có sự tồn tạo của chất đạm”, bác sĩ Nhật Khuê Tường nói.

Giá trị thực sự của hạt nêm chỉ có calo (chủ yếu là calo rỗng) từ đường. Bác sĩ Nhật Khuê Tường khẳng định, giá trị dinh dưỡng hạt nêm mang lại chỉ là một loại gia vị phụ hợp với khẩu vị của từng người. Không nên kỳ vọng quá nhiều ở giá trị dinh dưỡng.

Dùng hạt nêm đúng cách thế nào?

Cũng theo vị chuyên gia dinh dưỡng này thì cho tới nay chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào công bố những tác hại tiêu cực tới sức khỏe khi ăn hạt nêm kéo dài. Tuy nhiên, việc lạm dụng hạt nêm không dùng đúng cách có thể gây ra những hậu quả cho sức khoẻ.

Hiện nay một số gia đình có thói quen dùng hạt nêm để thay thế hoàn toàn cho các gia vụ khác như: mì chính, muối Iốt. Nếu sử dụng thay thế có thể dẫn tới tình trạng thiếu muối Iốt.

Hiện nay, tình trạng thiếu muối Iốt tại Việt Nam đang xu thế quay trở lại. Iốt là một vi chất tự nhiên, là nguyên liệu tham gia vào quá trình tổng hợp thyroxin là một hormone tuyến giáp.

Nếu con người ăn thiếu Iốt, việc sản xuất thyroxin bị giảm sút, tuyến giáp phải hoạt động bù dưới sự kích thích của hormone tuyến yên nên phì to dần.

“Nếu thiếu Iốt quá trầm trọng thì có thể gây thiểu năng tuyến giáp, khiếm khuyết trí não cho trẻ em, kém phát triển trí tuệ kém…

Trong trường hợp sử dụng hạt nêm thay thế muối Iốt thì cần phải bổ sung thêm Iốt từ các thực phẩm khác để tránh gây ra những căn bệnh nguy hiểm”,Bác sĩ Nhật Khuê Tường nói.

Dùng hạt nêm muốn tốt cho sức khỏe chuyên gia lưu ý các bà nội trợ phải chú ý tới nguồn gốc của sản phẩm. Chỉ nên mua những sản phẩm có nguồn gốc, bao bì, chất lượng sản phẩm.

Tuyệt đối không nên dùng các loại hạt nêm bán theo cân, không nhãn mác, không thành phần. Bởi vì các loại hạt nêm này sản xuất ở những nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo có thể nhiễm vi khuẩn, nấm mốc hoặc thậm chí có thêm chất bảo quản không được cho phép. Loại hạt nêm này ăn phải có thể gây ra ngộ độc cho con người.

Để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho gia đình nên chú ý bổ sung lượng thực phẩm đa dạng, đầy đủ, cân đối. Hạn chế sử dụng bột ngọt, hạt nêm để giữ được độ ngọt tự nhiên của thực phẩm.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, một người không nên ăn quá 6 gram muối mỗi ngày, bao gồm cả bột canh, hạt nêm, xì dầu, nước mắm… Khi dùng hạt nêm cũng cần phải chú ý tới vấn đề ăn nhạt, để phòng tránh bệnh tim mạch và huyết áp.

Ngọc Minh, theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/doi-song/bs-truong-nhat-khue-tuong-nguoi-viet-tu-hai-suc-khoe-the-nao-khi-dung-bot-nem-sai-cach-820192512195638479.htm