Nhiều bác sĩ cho rằng bệnh viêm tuỵ cấp là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, diễn tiến nhanh, bệnh nhân thường đến viện muộn khi đã xảy ra biến chứng nên việc cấp cứu rất khó khăn.
Vì sao viêm tuỵ nguy hiểm?
Bác sĩ Phan Xuân Trung – Trung tâm y tế Hoà Hảo, TP.HCM cho biết, nói về căn bệnh viêm tuỵ cấp bác sĩ nào cũng ám ảnh.
Bác sĩ Trung nhớ khi còn đi thực tập tại khoa nội tiêu hóa bệnh viện Chợ Rẫy, anh ấn tượng nhất với các bệnh nhân Viêm Tụy Cấp. Nhiều bệnh nhân mới gặp bữa trước tỉnh táo, sinh viên đến hỏi bệnh sử, ghi bệnh án, qua bữa sau đã tử vong. Ít có loại bệnh nào mà bệnh nhân chết nhanh như vậy.
Tuyến tụy hay còn gọi là lá mía có chức năng tiết ra dịch tụy. Chất dịch này có các thành phần men tiêu hóa vô cùng lợi hại đúng nghĩa. Các men đó được tiết ra và hòa trộn vào thức ăn để phân rã thức ăn thành các thành phần chất dinh dưỡng cơ bản.
Cấp cứu bệnh nhân viêm tuỵ cấp
– Protease dùng để phân cắt chất đạm. Những miếng thịt, miếng cá được enzyme Protease phân cắt thành các acid amin.
– Lipase dùng để phân cắt các miếng mỡ, dầu thành các thành phần nhỏ hơn.
– Amylase dùng để phân cắt các miếng bột đường.
Ngoài ra tụy còn tiết Insulin dùng để vận chuyển đường…
Thức ăn sau khi được nhào nặn một cách cơ học, được trộn với acid Chlohydric của dịch vị dạ dày sẽ được tống xuống tá tràng. Tại đây, tuyến tụy tiết hỗn hợp dịch tụy vào thức ăn để tiếp tục quá trình tiêu hóa.
Điều kỳ diệu của cơ thể là tuyến tụy dù tiết ra các chất làm tan rã đạm, đường, bột, béo… của thức ăn nhưng nó lại không làm hư hại… chính nó. Chất dịch tụy chảy trong ống tụy có cơ cấu đặc biệt, không bị dịch tụy làm hư hại.
Khi đã xác định được viêm tụy cấp thì không cho bệnh nhân ăn bất cứ thứ gì vì điều đó làm kích thích tiết dịch tụy nhiều hơn. Một chai nước muối sinh lý cắm sẵn để giữ mạch và truyền thuốc khi cần thiết.
“Tôi không nói về khoa ICU của bệnh viện Chợ Rẫy, nơi có những thiên thần áo trắng đáng kính nhất, nơi tập trung những trí tuệ cao nhất ngày đêm theo dõi bệnh nhân, nơi trang bị những thiết bị cứu người hiện đại nhất. Tôi chỉ nói về căn bệnh dễ chết nhất mà tôi từng biết” – bác sĩ Trung nói.
Bệnh vô cùng nhanh
Bệnh dễ gây biến chứng suy đa tạng
Trường hợp của anh Nguyễn Văn Chinh – Yên Nghĩa, Hà Nội từng “từ cõi chết trở về” sau căn bệnh viêm tuỵ cấp, anh Chinh kể gần 1 năm nay anh vẫn sợ.
Chỉ sau tiệc liên hoan với các đồng nghiệp, về anh anh bị đau bụng, buồn nôn và đến nửa đêm được người thân đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và chẩn đoán viêm tuỵ cấp.
Vừa nhận chẩn đoán cũng là lúc anh rơi vào hôn mê. Hơn 10 ngày lọc máu anh mới sống sót. Vợ anh Chinh thì vẫn cảm thấy sợ kinh khủng bởi bệnh đến quá nhanh và chồng chị hôn mê chỉ sau vài tiếng nhập viện.
15 ngày nằm viện, tốn mấy trăm triệu anh mới thoát khỏi tử thần. Nhưng đến nay, anh vẫn mệt, đi làm cũng khó, người gày xanh như tàu lá.
Cùng điều trị với anh Chinh thời điểm đó cũng có nhiều người không thể trở về nhà của mình vì suy đa tạng, hoại tử tuỵ.
Bác sĩ Phạm Đình Tuần- Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp cho biết bệnh viêm tụy cấp hoại tử là rất nặng, diễn biến nhanh chóng, phức tạp và tỷ lệ tử vọng cao.
Nó gây ra tình trạng sốc nhiễm khuẩn do cơ thể bị nhiễm trùng nặng, sốc do men tụy tăng rất cao, gây viêm phúc mạc, xuất huyết, suy đa phủ tạng… Hầu hết các ca bệnh còn không thể kịp chuyển bệnh nhân lên tuyến cao nhất vì rất dễ tử vong trên đường vận chuyển.