“Cách chăm sóc lá gan tốt nhất là bạn nên tránh xa những thói quen xấu. Điều này còn quan trọng hơn cả việc ăn các thực phẩm hay thuốc bổ cho gan”.
Không nói thì ai cũng biết gan là một bộ phận rất quan trọng trong hệ thống tiêu hóa của cơ thể. Những gì mà bạn dung nạp vào cơ thể bao gồm ăn hay uống, kể cả thuốc đều phải đi qua bộ phận này.
Đó là lí do bạn phải cần đối xử tốt với lá gan để nó khỏe mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
“Đây là một bộ phận dễ dàng bị tổn thương nếu bạn không chăm sóc cẩn thận. Một khi bạn không coi trọng nó, nó sẽ bị hỏng ngay“, bác sĩ Rohit Satoskar thuộc Viện cấy ghép MedStar Georgetown (Mỹ) nói.
Kích thước của lá gan tương đương quả bóng và bộ phận có hình dáng như nửa quả dưa hấu này nằm ở phía bên phải trong ổ bụng.
Nhiệm vụ chính của gan là giúp làm sạch máu bằng cách loại bỏ các hóa chất độc hại do cơ thể tạo ra. Nó cũng tạo ra một loại chất lỏng gọi là mật, có nhiệm vụ là phá vỡ chất béo từ thức ăn. Đồng thời, gan chứa đường, gọi là glucose, giúp cơ thể nạp đầy năng lượng một cách nhanh chóng mỗi khi cần.
Bác sĩ Ray Chung, giám đốc y tế của chương trình cấy ghép gan thuộc Bệnh viện Massachusetts General cho biết không khó để sở hữu một lá gan khỏe mạnh. Tất cả những gì bạn cần làm là thực hiện một lối sống lành mạnh.
“Cách chăm sóc lá gan tốt nhất là bạn nên tránh xa những thói quen xấu. Điều này còn quan trọng hơn cả việc ăn các thực phẩm hay thuốc bổ cho gan“.
Dưới đây là những hành vi mà bạn nên thực hiện hàng ngày để có một lá gan khỏe mạnh.
1. Không uống nhiều rượu
Thói quen uống rượu có thể phá hủy tế bào gan và dẫn tới tình trạng xơ gan, căn bệnh có thể gây tử vong.
Nhưng nhiều người thắc mắc rằng uống bao nhiêu rượu được coi là nhiều? Theo những hướng dẫn của chính phủ Mỹ, đàn ông nên uống không quá 2 ly/ngày, còn phụ nữ chỉ nên uống 1 ly/ngày.
2. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tập thể dục thường xuyên
Lá gan của bạn sẽ rất biết ơn điều này. Bạn nên duy trì cân nặng ở mức cho phép để tránh mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, một căn bệnh có thể dẫn tới xơ gan.
3. Cẩn thận với một số loại thuốc nhất định
Một số loại thuốc hạ cholesterol đôi khi có tác dụng phụ khiến cho lá gan bị tổn thương. Thuốc giảm đau acetaminophen (Tylenol) có thể làm hỏng gan nếu bạn uống quá nhiều.
Đôi khi, bạn cũng không nhận ra rằng mình đang uống rất nhiều acetaminophen, một thành phần luôn có mặt ở trong hàng trăm loại thuốc như thuốc cảm lạnh và thuốc giảm đau theo toa.
Một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng tới gan nếu bạn uống rượu trong lúc uống chúng. Và một số loại có hại khi kết hợp với các loại thuốc khác. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ cẩn thận trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
4. Tìm hiểu cách phòng bệnh viêm gan virus
Đây là căn bệnh nguy hiểm có thể hại lá gan. Viêm gan virus có nhiều loại.
Bạn mắc viêm gan A từ ăn hoặc uống nước chứa loại virus gây ra bệnh này. Bạn có thể tiêm vắc-xin phòng ngừa nếu bạn đang đi du lịch tới vùng đang xảy ra dịch bệnh.
Còn bệnh viêm gan B và C lây lan qua đường máu và dịch chảy ra từ cơ thể. Để giảm nguy cơ, bạn đừng chia sẻ các đồ vật như bàn chải đánh răng, dao cạo, hoặc kim tiêm, hạn chế số bạn tình và luôn luôn sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục.
Không có vắc-xin phòng ngừa viêm gan C nhưng có 1 loại phòng ngừa viêm gan B.
5. Kiểm tra bệnh viêm gan virus
Vì bệnh viêm gan virus thường không gây ra các triệu chứng khi mới khởi phát nên bạn không biết cơ thể đã ủ mầm bệnh trong nhiều năm liền. Nếu thấy có nguy cơ mắc bệnh, bạn hãy đi kiểm tra máu.
6. Không tiếp xúc với hóa chất độc hại
Một số sản phẩm lau chùi, sản phẩm xịt và thuốc trừ sâu có chứa các hóa chất có thể làm hỏng lá gan. Vì vậy, bạn nên tránh tiếp xúc trực tiếp với chúng. Các chất phụ gia trong thuốc lá cũng có thể hủy loại bộ phận này, vì vậy bạn cũng đừng hút thuốc.
7. Cẩn thận khi sử dụng thực phẩm chức năng và thảo dược
Nhiều nghiên cứu cho thấy có một số loại thảo được có thể gây tổn thương cho gan, chẳng hạn như cascara, chaparral, comfrey, kava và ephedra.
Trong những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện những quảng cáo rằng các thảo dược và thực phẩm chức năng có khả năng phục hồi chức năng gan như hạt cây kê sữa, vỏ cây borotutu và diệp hạ châu. Hãy thận trọng với những thông tin đó.
“Hiện nay chưa có bằng chứng xác thực nào chứng nhận các thảo dược đó giúp gan khỏe mạnh. Một số loại còn hại gan nữa“, bác sĩ Chung nói.
8. Uống cà phê
Theo các chuyên gia sức khỏe, uống 2-3 tách cà phê đã được loại bỏ chất caffeine, không đường và có một chút ít hoặc không có sữa có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gan và cả ung thư gan.
* Theo WebMD