Truyền thông quốc tế nhận định, chuyến thăm lần thứ hai của một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Việt Nam chỉ trong 1 năm là một sự kiện hiếm gặp.
“Đối tác hoàn hảo”
Theo AP, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ thăm TP Hồ Chí Minh trong hai ngày 16-17/10, thăm khu xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và có cuộc làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.
Đây là chuyến công du lần thứ hai đến Việt Nam của ông James Mattis và là lần gặp nhau thứ tư giữa 2 Bộ trưởng Quốc phòng từ đầu năm đến nay.
Trao đổi với Trí thức trẻ, GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cho biết, chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là một phần của chuyến đi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Singapore. Theo lịch trình ban đầu, ông Mattis cũng sẽ đến thăm Trung Quốc nhưng chuyến đi đã bị hủy bỏ.
Theo ông Carl Thayer, điều này cho thấy, chính sách an ninh quốc gia và chính sách quốc phòng quốc gia Mỹ xem Việt Nam là một đối tác chiến lược quan trọng. Tầm quan trọng của Việt Nam sẽ tăng lên khi Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN 2020 và có thể được bầu vào thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ông Murray Hiebert, thuộc chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) nhận định, chuyến thăm lần thứ hai của ông Mattis, cùng với việc lần đầu tiên tàu sân bay Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng hồi tháng 3, là một sự kiện quan trọng.
Điều này cho thấy, Mỹ đang muốn làm sâu sắc quan hệ an ninh song phương với Việt Nam.
Trong khi đó, John Hemmings, Giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á, thuộc Henry Jackson Society nhấn mạnh, là một bên liên quan có vai trò quan trọng cả về mặt địa lý và chính trị, sự ủng hộ của Việt Nam đối với chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do, khiến Việt Nam trở thành đối tác hoàn hảo cho Mỹ.
Cuộc gặp lần thứ tư giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Việt
Theo GS Thayer, ông James Mattis đánh giá cao mối quan hệ cá nhân, đặc biệt với người đồng cấp phía Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch.
Trong chuyến thăm lần này, ông Mattis có khả năng sẽ đề xuất các bước hợp tác quốc phòng trong tương lai, bao gồm hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam ở LHQ, nâng cao năng lực hàng hải của Việt Nam và bàn thảo về các chuyến thăm của tàu Mỹ đến Việt Nam thời gian tới.
Với việc đến khu xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, ông Mattis thừa nhận tầm quan trọng của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh như chất độc da cam và tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc giúp đỡ Việt Nam giải quyết vấn đề này, GS Học viện Quốc phòng Australia bình luận.
Việt Nam đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng
Trả lời Trí thức trẻ, các chuyên gia đánh giá, trong tháng 9, đã có một số lượng kỷ lục các chuyến thăm của các tàu nước ngoài đến Việt Nam, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Canada, Ấn Độ và New Zealand. Ngoài ra, Việt Nam cũng cử một trong những tàu chiến hiện đại nhất là tàu hộ vệ tên lửa Trần Hưng Đạo đến thăm Nhật Bản, tham gia cuộc duyệt đội hình trên biển ở Hàn Quốc và tham dự tập trận Trung Quốc – ASEAN.
Việt Nam rõ ràng đang đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng bằng cách tham dự nhiều hơn với hải quân nước ngoài và đưa ra tín hiệu rằng, các cường quốc hàng hải đều là các bên liên quan trong vấn đề an ninh ở Biển Đông, ông Thayer nói.
Chuyên gia Murray Hiebert của CSIS cho rằng, hải quân Việt Nam đang tiến xa hơn khi tàu hộ vệ Trần Hưng Đạo lần đầu cập cảng Osaka và tham gia duyệt đội hình trên biển tại Hàn Quốc.
Theo đó, chính sách của Việt Nam là mở rộng quan hệ quốc tế với các nước, tăng cường quan hệ và hỗ trợ mạnh hơn từ quốc tế với các vấn đề trên biển. Chuyến thăm của các tàu chiến từ Anh, Canada và Nhật cho thấy Việt Nam mong muốn sự hỗ trợ và hợp tác nhiều hơn với các nước, ngoài Mỹ.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ quốc phòng Mỹ – Việt được nâng cao đáng kể từ sau khi cựu Tổng thống Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam vào tháng 5/2016. Vào tháng 3 năm nay, lần đầu tiên một tàu sân bay của Mỹ đã cập cảng Đà Nẵng, cho thấy quan hệ quốc phòng đang phát triển. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã gọi Việt Nam là đối tác “cùng chí hướng” trong chuyến thăm hồi đầu năm.
Derek Grossman, chuyên gia cao cấp tại RAND