Về cân đối ngân sách nhà nước, ông Mai Tiến Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết NSNN thu khá và chi đạt yêu cầu.
Hôm nay, 4/5, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2019. Mở đầu bài phát biểu của mình trong buổi họp báo, ông Mai Tiến Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, tại phiên họp, các thành viên chính phủ bàn luận rất sôi nổi: báo cáo nội dung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo về sử dụng vốn đầu tư công, rà soát quy mô nền kinh tế, tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2019; công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và một số vấn đề khác.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết: “Rất mừng là trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 thăng 0,31% với cùng kỳ, 4 tháng đầu năm tăng 2,71% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng rất tốt trong 3 năm trở lại đây và tăng rất ổn định”.
Tín dụng tiền tệ tăng trưởng tốt, tính đến ngày 17/4/2019 tăng 3,32% so với 2018. Thị trường tiền tệ và tỷ giá đều ổn định.
Sản xuất nông nghiệp và thủy sản nhìn chung ổn định, thủy sản tăng 5,51%, lâm nghiệp tăng 4,3% và duy trì ở mức tăng khá. Diện tích rừng giảm do cháy rừng giảm 62,7%, rừng giảm do chặt phá giảm 30,2%. Điều này cho thấy kết quả tốt từ những chỉ đạo quyết liệt trong việc bảo vệ rừng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (tăng 10,7%) nhưng cao hơn so với mức tăng 7% của năm 2016 và 6,6% của năm 2017. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9%. Mức tăng này cũng thấp hơn so với cùng kỳ do hoạt động sản xuất ở một số khu vực giảm, đặc biệt là hoạt động của Samsung giảm.
Hoạt động thương mại dịch vụ tăng khá, thị trường ổn định, cân đối cung cầu vật tư quan trọng, hàng hóa thiết yếu và bán lẻ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2015, tăng 11,9%.
Số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tiếp tục tăng, với trên 43 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 540.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có trên 17.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 52,6% so với cùng kỳ.
Vốn FDI đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%. Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt gần 7,5 tỷ USD, tăng 28,6%.
Xuất khẩu tiếp tục tăng khá, đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ; đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 23 tỷ USD, tăng 10,5%. Nhập khẩu đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4%. Xuất siêu 711 triệu USD.
Về cân đối ngân sách nhà nước, ông Dũng cho biết NSNN thu khá và chi đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, cần phải nhìn thẳng vào những tồn tại, ví dụ như tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn thách thức. Dịch tả lợn châu Phi, tuy đã có khoanh vùng giảm ảnh hưởng, nhưng giá thịt lợn vẫn thấp, ảnh hưởng tới người chăn nuôi. Hạn hán ở Tây Nguyên ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước, đặc biệt điện thoại giảm 24,6%. Số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn và giải thể đều tăng so với cùng kỳ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn khi khởi nghiệp liên quan đến tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính,… Vốn đầu tư thực hiện từ NSNN ở các bộ ngành giải ngân chậm và giảm
Ngoài ra, nhiều vấn đề xã hội phức tạp, nhức nhối, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: buôn bán và sử dụng ma túy, an ninh trật tự, an toàn giao thông,…
Bên cạnh đánh giá tình hình, phân tích các tồn tại, hạn chế, các thành viên Chính phủ sẽ thảo luận các giải pháp để bảo đảm đạt các mục tiêu đã đề ra trong năm “bứt phá” 2019 khi mà nhiệm vụ từ nay đến cuối năm và trong quý II là rất nặng nề.
theo VGP