Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Mọi chính sách đều hướng tới người dân và doanh nghiệp

Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh môi trường kinh tế thế giới thay đổi tác động đến tình hình trong nước, Bộ Tài chính đặc biệt coi trọng việc tập trung tháo gỡ về thể chế hướng tới người dân và doanh nghiệp,..

Nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế chưa từng có

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế chính là điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ 5 năm 2021 – 2025. Về tổng thể, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong những năm qua ở mức lớn chưa từng có, chiếm khoảng 8,3% GDP, cao hơn rất nhiều so với các nước có cùng quy mô kinh tế. Trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng.

Trong 4 năm (2020 – 2023), gói hỗ trợ về tài khóa lên tới khoảng 700 nghìn tỷ đồng, giúp doanh nghiệp (DN), người dân và nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng. Năm 2023, trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư quy định giảm 35 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, y tế, cấp căn cước công dân, thẩm định dự án đầu tư xây dựng… Thời gian áp dụng từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023 với số tiền giảm phí, lệ phí sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 700 tỷ đồng…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Mới đây, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024 như: Tiếp tục xem xét giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí…

Trong hoàn cảnh đặc biệt cần chính sách đặc biệt

Nhấn mạnh hoàn thiện thể chế là một trong những trụ cột để tạo đà phát triển, Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính vẫn kiên định mục tiêu, nỗ lực hoàn thiện thể chế để giúp DN “cất cánh”.

“Mục tiêu của ngành Tài chính là bảo đảm chính sách tài chính luôn đi trước một bước, góp phần khai thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính phục vụ công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước…” – Tư lệnh ngành Tài chính nhấn mạnh.

Bám sát yêu cầu của thực tiễn, Bộ Tài chính đã kịp thời đề xuất ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, kiểm soát áp lực tăng giá cả, lạm phát, góp phần hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Đặc biệt, thời gian qua, trong bối cảnh dịch COVID-19, có rất nhiều chính sách pháp luật cần phải sửa đổi, hoặc ban hành theo kịp thực tiễn. “Trong hoàn cảnh đặc biệt cần các chính sách đặc biệt, Bộ Tài chính đã phải cấp bách soạn thảo các chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nhiều đề án, chương trình không có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, hoặc các thông tư phải ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung, nhưng vẫn phải hoàn thiện trong thời gian ngắn. Bộ đã kịp thời ban hành theo đúng tiến độ các chương trình, đề án đó…” – Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đồng thời nhấn mạnh, mọi chính sách của Bộ Tài chính đều hướng tới người dân và DN. Đơn cử như các năm 2020 – 2023, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính và giải quyết khó khăn cho DN và người dân. Đó là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế BVMT, cùng nhiều khoản phí, lệ phí…

“Thời gian tới, việc hoàn thiện thể chế tài chính tiếp tục gắn với cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và DN. Thể chế tài chính tiếp cận nhanh với các thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của việc hội nhập. Riêng về tài chính – ngân sách, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu NSNN một cách đồng bộ, bao gồm cả tái cơ cấu về thu cũng như chi ngân sách và quản lý nợ công theo yêu cầu tại Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị” – Bộ trưởng cho biết.